Đất nông nghiệp nên được dành để trồng lương thực, thực phẩm chứ không phải thuốc lá. Ảnh minh họa: NSTP
Một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu đang leo thang do xung đột, biến đổi khí hậu. Ttác động của đại dịch COVID-19 cũng như hậu quả kéo theo từ cuộc chiến ở Ukraine khiến giá lương thực, nhiên liệu và phân bón tăng cao.
Trong chiến dịch toàn cầu cho Ngày Thế giới Không Thuốc lá (31/5) năm nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lựa chọn chủ đề “Chọn thực phẩm, không thuốc lá” với mục tích nâng cao nhận thức cho người dân trồng thuốc lá chuyển sang cây trồng bền vững, nhiều chất dinh dưỡng. Bên cạnh đó, chiến dịch cũng sẽ phơi bày những nỗ lực của ngành công nghiệp thuốc lá nhằm can thiệp vào những nỗ lực chuyển đổi cây trồng, góp phần vào cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Ngày Thế giới Không Thuốc lá năm 2023 sẽ là cơ hội để huy động các chính phủ và các nhà hoạch định chính sách hỗ trợ nông dân chuyển đổi sang cây trồng bền vững thông qua việc tạo ra hệ sinh thái thị trường cho các loại cây trồng thay thế và khuyến khích ít nhất 10.000 nông dân trên toàn cầu cam kết từ bỏ trồng thuốc lá.
“Mọi người trên thế giới cần lương thực để sống khỏe mạnh và làm việc hiệu quả, chứ không phải thuốc lá, thứ gây hại cho con người và hành tinh. Không gian nông nghiệp có giá trị nên được dành để trồng lương thực, thực phẩm chứ không phải thuốc lá. Chúng tôi đặc biệt khuyến nghị các chính phủ xây dựng và thực hiện các chính sách hỗ trợ nông dân trồng thuốc lá ngừng trồng cây thuốc lá, mà thay vào đó theo đuổi việc trồng các loại cây bền vững, dinh dưỡng khác và tạo thêm thu nhập”, Giám đốc Điều hành Liên minh phòng chống tác hại thuốc lá khu vực Đông Nam Á (SEATCA), Tiến sĩ Ulysses Dorotheo, kêu gọi.
Hậu họa lâu dài
Người nông dân trồng cây thuốc lá ở Philippines. Ảnh: Phil Star
Hiện tại, thuốc lá được trồng ở hơn 125 quốc gia như một loại cây công nghiệp, với tổng diện tích trồng ước tính là 4 triệu ha, lớn hơn diện tích đất nước Rwanda. Tác hại của việc trồng cây thuốc lá đối với môi trường đặc biệt rõ ràng ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Hàng nghìn ha rừng đã bị phá hủy để tạo không gian cho sản xuất thuốc lá. Khai phá đất trồng cây thuốc lá góp phần gây ra 5% nạn phá rừng toàn cầu và lấy đi các chất dinh dưỡng thiết yếu của đất nhiều hơn so với các loại cây trồng khác. Sử dụng thuốc trừ sâu hóa học trong trồng cây thuốc lá gây nhiễm độc đất và nguồn nước. Đất nông nghiệp dành riêng cho thuốc lá cũng tước đi cơ hội trồng cây lương thực.
Tại nhiều quốc gia phụ thuộc vào việc trồng và sản xuất thuốc lá, vấn đề sinh kế thường trở thành trở ngại cho việc thực hiện các biện pháp kiểm soát thuốc lá hiệu quả. Nông dân thường phải tuân thủ các thỏa thuận hợp đồng với ngành công nghiệp thuốc lá và bị mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn nợ nần. Ngành công nghiệp thuốc lá cung cấp cho nông dân hạt giống và các vật liệu khác cần thiết để trồng thuốc lá và sau đó loại bỏ chi phí khỏi thu nhập, điều này khiến cho việc từ bỏ thuốc lá trở nên rất khó khăn đối với người trồng. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp thuốc lá thường không đưa ra một mức giá hợp lý cho người nông dân đối với sản phẩm họ làm ra. Chính vì vậy, người dân trồng cây thuốc lá kiếm không đủ và vẫn nợ ngập đầu.
Một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy tại Indonesia, nông dân trồng cây thuốc lá đang đầu tư nhiều tiền hơn vào việc trồng loại cây này so với thu nhập mà họ thu được từ đó. Những nông dân trồng thuốc lá trước đây nhận ra rằng trồng các loại cây lương thực như ngô, rau xanh và khoai lang đều mang lại lợi nhuận hơn so với trồng cây thuốc lá.
Bài học xóa bỏ cây thuốc lá từ các nước ASEAN
Chủ đề Ngày Thế giới Không thuốc lá năm nay là "Chọn thực phẩm, không thuốc lá". Ảnh: WHO
Tại Đông Nam Á, chính phủ Malaysia đã tích cực thực hiện thay thế cây trồng thuốc lá từ năm 2004, với kenaf (cây đay) được quảng bá như một loại cây trồng đầy tiềm năng nhất. Kenaf là một loại cây công nghiệp ngắn ngày, tạo ra chuỗi cung ứng sợi thực vật. Năm 2019, tổng cộng đã có 928 người trồng cây thuốc lá chuyển sang trồng kenaf trên tổng diện tích 1.364 ha đất tại Malaysia.
Theo Kế hoạch Malaysia lần thứ 11 (2016 - 2020), chính phủ nước này đã phân bổ 1,206 triệu USD cho việc nghiên cứu và phát triển cách thức trồng của kenaf và 14,23 triệu USD cho việc trồng mới loại cây mới. Kể từ đó đến nay, tổng số nông dân trồng thuốc lá ở Malaysia giảm đáng kể và chỉ còn một số ít người trồng phục vụ cho thị trường địa phương.
Theo một nghiên cứu về chuyển đổi cây trồng có tên gọi “Cây kenaf tại Malaysia” do nhóm chuyên gia thuộc SEATCA thực hiện năm 2017, chỉ trong 12 năm (từ năm 2000 đến 2012), số nông dân trồng thuốc lá tại Malaysia đã giảm từ hơn 20.000 người xuống còn 587 người, thu hẹp 18 lần diện tích đất trồng thuốc lá.
Không chỉ có Malaysia, người nông dân trồng cây thuốc lá tại Campuchia, Indonesia và Philippines cũng đang dần dần chuyển đổi sang cây trồng thay thế có lợi hơn.
Tại Indonesia, thu nhập hàng năm của những người từng là nông dân trồng thuốc lá ở Indonesia đã tăng đáng kể 69% sau khi họ chuyển sang cây trồng khác. Có tới 71% nông dân từng trồng thuốc lá chuyển sang trồng ngũ cốc và 21,5% chuyển sang trồng trái cây và các loại cây mang nhiều giá trị dinh dưỡng khác.
Tại Philippines, nông dân ở Ilocos Norte, Ilocos Sur, La Union và Pangasinan chuyển sang trông các loại rau củ quả như cà chua, tỏi, cà tím, hạt tiêu. Họ giải thích rằng những loại cây này cần ít vốn đầu tư và lao động hơn so với cây thuốc lá, trong khi thu nhập nhận được lại cao hơn rất nhiều. Mướp đắng, đậu xanh, lạc cũng đem lại thu nhập cao hơn so với trồng cây thuốc lá.
Tại Campuchia, trong 10 năm qua, khoảng 40% nông dân trồng thuốc lá có chuyển từ canh tác thuốc lá sang cây trồng thay thế, với lý do lợi nhuận cao, vốn đầu tư thấp và giá thuốc lá biến động. Các loại cây trồng thay thế bao gồm lúa, ngô, lạc và các loại cây công nghiệp.
Theo Báo Tin Tức