Kế hoạch kết nối lại tuyến đường sắt giữa Hàn Quốc và Triều Tiên có thể gặp khó khăn bởi tiến trình phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên, tuy nhiên nếu dự án này được thực thi sẽ mang lại lợi ích to lớn, giúp kết nối khu vực với Nga, Trung Quốc và Châu Âu.
Ảnh minh họa: AFP.
Hàn Quốc và Triều Tiên đang xem xét khả năng kết nối lại tuyến đường sắt của hai nước trước cuối năm 2018, trong một nỗ lực nhằm tăng cường quan hệ hợp tác song phương. Vấn đề này dự kiến được đưa ra thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều, dự kiến diễn ra vào tháng 9-2018.
Mục tiêu của Hàn Quốc?
Dự án kết nối lại tuyến đường sắt liên Triều không chỉ giúp hàn gắn quan hệ Hàn Quốc và Triều Tiên mà còn mang lại nhiều lợi ích khác. Phía Hàn Quốc rất quan tâm đến sự án này bởi nó giúp mở đường cho quá trình hội nhập của Bán đảo Triều Tiên với tuyến đường sắt xuyên Siberia và tuyến đường sắt xuyên Mông Cổ, cho phép Hàn Quốc tăng cường trao đổi hàng hóa với Trung Quốc, Nga, thậm chí mở ra cánh cửa vào Châu Âu cho cả Seoul với Bình Nhưỡng.
Dự án kết nối đường sắt Hàn Quốc, Triều Tiên với tuyến đường sắt xuyên Siberia đã được Nga, Triều Tiên và Hàn Quốc công bố 10 năm trước đây. Tuy nhiên, kế hoạch này đã gặp trở ngại do bất đồng giữa hai miền Triều Tiên.
Phát biểu với hãng thông tấn RIA Novosti cuối tháng 5-2018, ông Gennady Bessonov, Tổng giám đốc Hội đồng điều phối Vận tải xuyên Siberia khẳng định Nga luôn sẵn sàng kết nối tuyến đường sắt liên Triều với tuyến đường sắt xuyên Siberia. Để làm điều này, Nga đã hiện đại hóa tuyến đường từ ga Hasan (Nga) tới cảng Rajin (Triều Tiên).
Chưa dừng lại ở đó, tờ Diplomat cho biết, Hàn Quốc đang có kế hoạch đưa Bán đảo Triều Tiên thành một cỗ máy tăng trường mới trong khu vực Đông Bắc Á. “Cụ thể, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã mường tượng đến việc xây dựng một đường ông dẫn khí đốt liên Triều, đưa khí đốt của Nga qua Triều Tiên xuống các trung tâm công nghiệp của Hàn Quốc, cũng như một hệ thống đường sắt nối Seoul với Kaesong, Bình Nhưỡng, Nampo và Sinuiju ở Triều Tiên - và đến Đan Đông và Bắc Kinh ở Trung Quốc". Tờ tạp chí này đã mô tả lại Bản đồ kinh tế mới cho bán đảo Triều Tiên của Tổng thống Moon Jae-in.
Tuy nhiên để thực hiện được những mục tiêu lớn này, Hàn Quốc cần đến sự hợp tác của Triều Tiên. “Chúng ta cần phải xem liệu Triều Tiên có thực sự hợp tác hay không trước khi đề cập đến vai trò của Nga và Trung Quốc. Rõ ràng nếu Bình Nhưỡng duy trì hợp tác, Moscow và Bắc Kinh sẽ tham gia. Nếu dự án thành công thì đây sẽ là một thành tựu đáng ngạc nhiên, chứng minh Triều Tiên bây giờ có thể là một đối tác đáng tin cậy về các dự án hợp tác kinh tế với các quốc gia khác".
Phát biểu tại thủ đô Seoul hôm 15-8, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in khẳng định sự hợp tác về kinh tế, năng lượng và đường sắt giữa Hàn Quốc với Triều Tiên được coi là nền tảng cho sự hòa bình và thịnh vượng của Đông Bắc Á. Nhà lãnh đạo Hàn Quốc đã nhắc lại cam kết chấm dứt sự chia rẽ giữa hai miền Triều Tiên, cho rằng hai miền chỉ có thể được “giải phóng thực sự” khi thiết lập nền hòa bình lâu dài và xây dựng một cộng đồng kinh tế chung.
Ông Moon Jae-in nhấn mạnh, Hàn Quốc sẽ tìm cách kết nối các tuyến đường sắt và đường bộ của nước này với các tuyến đường của Triều Tiên trước cuối năm 2018. Ông cũng đề xuất thành lập một “cộng đồng đường sắt Đông Bắc Á” với sự tham gia của hai miền Triều Tiên cùng với Mỹ và 4 quốc gia Châu Á khác. Theo ông, cộng đồng này sẽ giúp tăng cường hợp tác kinh tế và năng lượng ở Đông Bắc Á.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Hàn Quốc cho biết, hợp tác liên Triều chỉ có thể khởi sắc sau khi Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Một khi hòa bình được thiết lập trên Bán đảo Triều Tiên, Hàn Quốc sẽ tạo ra ít nhất 2 đặc khu kinh tế gần biên giới liên Triều ở các tỉnh Gyeonggi và Gangwon của nước này.
Quả bóng nằm trên sân Triều Tiên
Hãng tin Sputnik của Nga mới đây dẫn lời ông Tom McGregor, bình luận viên và biên tập của đài truyền hình online CNTV có trụ sở ở Bắc Kinh, Trung Quốc cho biết, từ giờ cho đến lúc dự án được thực thi có rất nhiều khả năng xảy ra.
“Nó phụ thuộc vào việc liệu Triều Tiên có mong muốn duy trì sự hợp tác về dự án như vậy không. Nếu nhà lãnh đạo Kim Jong-un thể hiện thiện chí đối với việc kết nối đường sắt giữa hai nước thì điều đó sẽ xảy ra. Tuy nhiên nếu ông lựa chọn đưa ra những yêu cầu quá cao và chơi trò đổ lỗi cho Hàn Quốc thì dự án chắc chắn sẽ thất bại”.
Trước đó vào ngày 27-4, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã nhất trí hiện đại hóa hệ thống đường sắt tại Triều Tiên và kết nối lại tuyến đường sắt giữa hai nước qua khu vực biên giới. Để thực hiện cam kết đưa ra, hai miền Triều Tiên đã bắt đầu cùng nhau kiểm tra và khảo sát lại các tuyến đường sắt của hai bên để đảm bảo không vi phạm các biện pháp trừng phạt hiện hành theo Nghị quyết 2375 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Hãng tin Yonhap cho biết, ngày 9/8, các nhà hoạch địch chính sách đường sắt của hai bên đã gặp nhau lần thứ hai tại Văn phòng Hải quan, Nhập cư và Kiểm dịch (CIQ) ở thành phố Paju (Hàn Quốc). Cuộc gặp đầu tiên của họ diễn ra ngày 24/7 tại thị trấn biên giới Kaesong của Triều Tiên.
Nhà phân tích Tom McGregor cho rằng, mặc dù việc kiểm tra các tuyến đường sắt đang diễn ra, song tất cả các bên đều hiểu rằng, sẽ không có điều gì được thực hiện cho đến khi các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên được dỡ bỏ và quan trọng hơn là phụ thuộc vào việc Triều Tiên sẵn sàng phi hạt nhân hóa.
“Triều Tiên phải đưa ra quyết định cho chính họ: Liệu họ có mong muốn hợp tác với Hàn Quốc hay không? Nói cách khác, quả bóng đang nằm trên sân Triều Tiên. Họ sẽ ghi bàn hay sẽ để vuột mất cơ hội, như họ đã từng làm nhiều lần trước đó?”
Con đường thống nhất hai miền Triều Tiên
Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) kết thúc bằng một Hiệp định đình chiến mà chưa ký Hiệp ước hòa bình. Do đó, về mặt kỹ thuật, Triều Tiên và Hàn Quốc vẫn đang trong tình trạng chiến tranh.
Trong bối cảnh đó, dự án tái kết nối tuyến đường sắt giữa Hàn Quốc và Triều Tiên được coi là biểu tượng của sự tan băng trong quan hệ hai nước. Theo lời cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, dự án này sẽ là một điểm khởi đầu để đưa Bán đảo Triều Tiên đến một con đường hướng tới sự thống nhất và tương lai đầy hy vọng.
Tuy nhiên, nhà phân tích McGregor cho rằng, sẽ mất rất nhiều thời gian và nỗ lực để hai miền Triều Tiên thống nhất. "Triều Tiên vẫn muốn là Triều Tiên còn Hàn Quốc vẫn muốn là Hàn Quốc. Cả hai đều muốn duy trì hiện trạng và vấn đề thống nhất sẽ làm cho Seoul và Bình Nhưỡng quan ngại. Dẫu vậy không cần quá lo lắng bởi, hai bên đều đã tiến lên phía trước, cải thiện quan hệ ngoại giao và kinh tế ".
Theo VOV