Tỷ giá USD trên thế giới trong tuần qua
Trong phiên giao dịch đầu tuần, đồng USD giảm 0,14%, xuống mốc 104,58 qua đó kéo dài đà giảm kể từ cuối tuần trước. Đồng bạc xanh chính thức xác lập đà giảm tháng đầu tiên trong năm nay, do các nhà đầu tư tập trung vào dữ liệu lạm phát của Mỹ, châu Âu và Nhật Bản để định hướng triển vọng lãi suất toàn cầu. Trong khi dữ liệu kinh tế của Mỹ trồi sụt khó đoán và làm giảm niềm tin của các nhà hoạch định chính sách về triển vọng lãi suất trong thời gian tới.
Biểu đồ biến động Chỉ số DXY trong tuần qua. Ảnh: Marketwatch |
Sang ngày 29-5, chỉ số DXY tăng nhẹ 0,02%, đạt mốc 104,61 khi dữ liệu kinh tế của Mỹ tốt hơn dự kiến trong quý đầu tiên, và cho đến nay không có dấu hiệu suy thoái lớn nào ở các lĩnh vực như thị trường lao động, đã đem lại triển vọng tăng trưởng tích cực hơn đối với đồng bạc xanh. Những lo ngại rằng lạm phát sẽ vẫn dai dẳng trên mục tiêu 2% của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) trong thời gian dài hơn cũng đang tạo ra một số hỗ trợ cho đồng USD.
Đến ngày 30-5, đồng USD bật tăng tới 0,5%, đạt mốc 105,12 nhờ được thúc đẩy bởi lợi suất trái phiếu Mỹ tăng, trước thềm dữ liệu lạm phát quan trọng được công bố vào cuối tuần này. Lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cũng tiếp tục tăng, với lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm chuẩn ở mức cao nhất trong gần 4 tuần là 4,57%, trong bối cảnh dữ liệu cho thấy niềm tin của người tiêu dùng Mỹ bất ngờ được cải thiện trong tháng 5.
Tuy nhiên, tới ngày 31-5, đồng bạc xanh lại quay đầu giảm 0,37%, xuống mốc 104,74 sau khi dữ liệu sửa đổi cho thấy tổng sản phẩm quốc nội, thước đo rộng nhất về hoạt động kinh tế Mỹ, tăng trưởng với tốc độ chậm hơn dự kiến trong quý đầu tiên. Theo đó, Bộ Thương mại báo cáo nền kinh tế Mỹ tăng trưởng với tốc độ 1,3% hằng năm, trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 3, giảm so với ước tính trước đó là 1,6%. Việc hạ mức tăng trưởng trong quý đầu tiên diễn ra sau sự suy giảm gần đây về doanh số bán lẻ và chi tiêu thiết bị, điều này đã góp phần làm giảm bớt sự đặt cược vào việc cắt giảm lãi suất của FED.
Chốt tuần giao dịch, đồng USD thêm một lần giảm 0,09%, xuống mốc 104,63 bởi dữ liệu cho thấy lạm phát của Mỹ tăng đúng như dự đoán vào tháng 4, hé lộ rất ít thông tin về việc FED sẽ có thể cắt giảm lãi suất trong bao lâu. Cục Phân tích Kinh tế của Bộ Thương mại Mỹ cho biết, Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) đã tăng 0,3% trong tháng 4, phù hợp với mức tăng chưa được điều chỉnh trong tháng 3. Như vậy, nền kinh tế Mỹ tăng trưởng với tốc độ hằng năm là 1,3% từ tháng 1 đến tháng 3, giảm so với ước tính 1,6% trước đó. FED đã tăng chi phí đi vay lên 525 điểm cơ bản kể từ tháng 3-2022. Thị trường tài chính ban đầu dự kiến đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên sẽ diễn ra vào tháng 3, nhưng sau đó đã bị đẩy sang tháng 6 và bây giờ là tháng 9.
Ở một diễn biến ngược lại, đồng euro tăng giá sau khi dữ liệu cho thấy áp lực giá tại khu vực đồng euro tăng nhanh hơn dự kiến trong tháng 5, làm dao động triển vọng cắt giảm lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Trong khi đó, đồng yên suy yếu, khiến đồng USD tăng 0,24% so với đồng yên, đạt mức 157,210.
Tỷ giá USD hôm nay 2-6-2024: Đồng USD xác lập đà giảm tháng. Ảnh minh họa: Reuters |
Tỷ giá USD trong nước hôm nay
Trên thị trường trong nước, vào đầu phiên giao dịch ngày 2-6, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD giảm tuần 3 đồng, hiện ở mức 24.261 đồng.
* Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào - bán ra giữ nguyên, hiện ở mức: 23.400 đồng - 25.450 đồng.