Ukraine chuyển sang chế độ 'tự lực cánh sinh' về vũ khí

27/02/2024 - 08:34

Sự hỗ trợ của nước ngoài có thể đang suy giảm, nhưng quyết tâm của Ukraine trong cuộc xung đột đang diễn ra thì không.

Chú thích ảnh

Ukraine đang nỗ lực tự sản xuất quốc phòng để đáp nhu cầu trong bối cảnh cuộc xung đột kéo dài với Nga. Ảnh: UNIAN

Theo nhận định của Maksym Skrypchenko, Chủ tịch Trung tâm Đối thoại xuyên Đại Tây Dương có trụ sở tại Kiev, khi cuộc xung đột với Nga bước sang năm thứ 3, Ukraine nhận thấy mình đang ở thế bế tắc. Sự suy yếu hỗ trợ từ bên ngoài hiện là một thực tế có ảnh hưởng lớn đối với Kiev.

Trong nhiều tháng qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã không thể thúc đẩy Quốc hội nước này thông qua gói viện trợ cho Ukraine do sự phản đối trong Đảng Cộng hòa. Trong khi đó, châu Âu đang vật lộn với những hạn chế của chính mình. Đức, mặc dù đã tăng cường viện trợ quân sự, nhưng vẫn không cung cấp tên lửa Taurus quan trọng. Sự hỗ trợ liên tục của Anh cũng bị lu mờ bởi những bất ổn xung quanh cuộc tổng tuyển cử sắp tới.

Nhưng ngay cả khi sự hỗ trợ của châu Âu ở mức tối đa - một kịch bản khác xa với thực tế hiện tại - thì viện trợ đó vẫn không đủ so với nhân lực và vật lực của Nga. Ví dụ, kế hoạch gần đây của Pháp cung cấp 3.000 quả đạn pháo 155 mm hàng tháng là quá nhỏ so với kế hoạch hàng ngày của Nga lên tới 20.000 quả đạn pháo.

Khi sự hỗ trợ dành cho quân đội Ukraine từ các đồng minh giảm sút, Nga – vốn rất giỏi trong việc lách các lệnh trừng phạt từ phương Tây và được thúc đẩy bởi doanh số bán dầu – đã tăng cường tấn công. Ukraine, hiện đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng các nguồn cung quân sự quan trọng, như đạn pháo và đạn phòng không, bao gồm cả Stinger và thậm chí cả tên lửa Patriot, đã buộc phải rơi vào thế phòng thủ. Hiệu quả suy yếu của hệ thống phòng không Ukraine đã khiến nước này dễ bị tổn thương hơn trước các cuộc tấn công trên không.

Nhưng bất chấp những thách thức, Ukraine dường như đang tự lực cánh sinh, một động thái được đánh dấu bằng sự quyết tâm và điều chỉnh chiến lược khi đối mặt với nghịch cảnh. Ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine đang chuyển từ mua sắm khẩn cấp sang tăng cường sản xuất vũ khí của riêng mình và hình thành quan hệ đối tác chiến lược với các công ty quốc phòng nước ngoài. Sự thay đổi này nhằm tăng cường khả năng tự phòng thủ về lâu dài.

Việc sử dụng sáng tạo máy bay không người lái của Ukraine cũng thể hiện sự tự chủ của họ. Hiệu quả của các thiết bị giá rẻ này được nhấn mạnh bởi tính linh hoạt và độ chính xác của chúng. Có khả năng vô hiệu hóa bộ binh đối phương trong chiến hào và tiêu diệt các mục tiêu có giá trị cao như xe bọc thép, những máy bay không người lái này đã có ảnh hưởng lớn trên chiến trường.

Sau khi trở thành một thành phần quan trọng trong chiến lược quân sự của Ukraine, máy bay không người lái hiện là trung tâm của nỗ lực trên cả nước nhằm mở rộng quy mô sản xuất. Các công ty không chỉ mở rộng dây chuyền sản xuất của riêng mình mà còn tổ chức các khóa học mở dành cho người dân bình thường để giúp đỡ trong nỗ lực lắp ráp. Trên cơ sở đó, Ukraine đặt mục tiêu sản xuất ít nhất một triệu máy bay không người lái như vậy trong năm 2024.

Việc mở rộng quy mô sản xuất cũng giúp giảm giá thành của mỗi chiếc máy bay không người lái từ 400 USD xuống còn 350 USD. Để so sánh, máy bay không người lái cảm tử của Mỹ, Switchblade 300, có thể có giá cao hơn 12 lần so với máy bay không người lái cỡ nhỏ do Ukraine sản xuất.

Việc tự cung tự cấp của Ukraine còn mở rộng sang sản xuất vũ khí hạng nặng, trong đó đơn vị pháo tự hành 2S22 Bohdana là một ví dụ điển hình. Ít nhất 30 khẩu Bohdana đã được sản xuất trong thời chiến. Tổng cộng có 25 doanh nghiệp và khoảng 400 chuyên gia tham gia sản xuất Bohdana. Việc mở rộng quy mô sản xuất loại pháo này là rất quan trọng vì các đồng minh của Ukraine chưa thể cung cấp đủ đạn pháo 155mm để đáp ứng nhu cầu của nước này. Sản xuất hàng loạt cũng làm giảm đáng kể chi phí.

Ukraine cũng đã tìm cách thiết lập nhiều chương trình hợp tác quốc phòng khác nhau với các đồng minh. Một ví dụ là sự hợp tác với Flensburger Fahrzeugbau Gesellschaft của Đức, công ty sẽ thành lập một trung tâm sửa chữa ở phía Tây Ukraine, tăng cường đáng kể hiệu quả bảo trì các phương tiện như xe tăng Leopard đồng thời cung cấp đào tạo tại chỗ cho các kỹ sư Ukraine.

Một nhà sản xuất vũ khí khác của Đức, Rheinmetall, đã thành lập xưởng sửa chữa xe tăng ở Ukraine và gần đây đã công bố kế hoạch thành lập một nhà máy sản xuất đạn 155mm trong liên doanh với đối tác Ukraine.

Ukraine cũng đã ký kết thỏa thuận với Cơ quan Hợp tác Quốc phòng Liên Chính phủ Séc về việc thành lập cụm sản xuất vũ khí và với BAE Systems của Thụy Điển để cùng sản xuất xe chiến đấu bộ binh CV-90.

Động lực hướng tới sự tự lực cánh sinh này không chỉ là một phản ứng thời chiến mà còn là một tầm nhìn chiến lược. Ukraine đặt mục tiêu xây dựng một ngành công nghiệp quốc phòng vững mạnh có thể giảm sự phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ bên ngoài, giúp tăng cường năng lực trong cuộc chiến hiện tại và phát triển khả năng răn đe quân sự mạnh mẽ trước các mối đe dọa trong tương lai. Cuối cùng, nước này cũng đặt mục tiêu trở thành nhà xuất khẩu vũ khí quan trọng, tận dụng lĩnh vực quốc phòng của mình để đạt được lợi ích kinh tế và địa chính trị.

Theo Báo Tin Tức