Vì sao bóng đá có sức hấp dẫn đầy 'ma lực'?

04/07/2018 - 19:48

Giữa mùa World Cup 2018, chúng ta hãy cùng giải mã sức hấp dẫn cực lớn như có ma lực của môn thể thao bóng đá.

Không còn nghi ngờ gì nữa, bóng đá (còn gọi là túc cầu) có sức hấp dẫn vô cùng lớn. Nó đã trở thành môn thể thao phổ biến nhất hành tinh và được tôn vinh là môn thể thao vua. Hàng trăm triệu người hâm mộ ở các châu lục khác nhau sẵn sàng trực tiếp cổ vũ cuồng nhiệt cho các trận đấu bóng tại sân vận động hoặc thức thâu đêm xem tường thuật trực tiếp các cuộc thi đấu đó trên truyền hình.

Các tín đồ bóng đá không chỉ đam mê đá bóng và xem đá bóng, họ còn nóng lòng theo dõi tin tức về các trận bóng. Họ thổn thức, buồn vui với trái bóng và đội bóng yêu thích của mình. Thậm chí đã có những cổ động viên chết (theo nghĩa đen) vì bóng đá.

Một pha tranh cướp bóng quyết liệt giữa cầu thủ 2 đội bóng đá. Ảnh: Irish FA.

Bóng đá phổ biến tới mức, trên toàn cầu đã hình thành được cả nền công nghiệp bóng đá với doanh thu không hề nhỏ. Có những cầu thủ thuộc diện ngôi sao hưởng thu nhập tới hàng triệu USD trực tiếp từ hoạt động bóng đá chuyên nghiệp của mình.

Đâu là nguyên nhân khiến bóng đá “gây nghiện” mạnh đến như vậy? Theo tôi, có ít nhất 6 yếu tố sau:

1. Đối kháng quyết liệt

Bóng đá là một môn đối kháng điển hình. Trong bộ môn này, người chơi thuộc 2 phe thi đấu theo kiểu đối kháng chứ không phải chỉ lao đơn thuần trên những đường đua để cán đích. Không những vậy, họ còn đối đầu trực tiếp với nhau chứ không phải qua lớp lưới ngăn ở giữa sân như môn bóng chuyền.

Đương nhiên các môn thể thao về bản chất đều mang tính cạnh tranh, ganh đua. Nhưng có lẽ không môn nào khác có mức độ “chiến đấu” lớn như bóng đá. Ngay cả các môn võ đối kháng thể chất (như karate, judo, taekwondo...), kể cả môn có yếu tố vũ lực rất cao như boxing, cũng thua xa bóng đá về tính chiến đấu và độ hấp dẫn.

Đối kháng trong các trận túc cầu là đối kháng ở tầm tập thể (khác với đấu võ) và không phân tuyến (khác với các môn như bóng chuyền). Thế nên nó giống một trận đánh thực sự, với nhiều hoạt động tác chiến của các “binh sĩ” cùng “chiến thuật quân sự” đi kèm. Hoạt động đá bóng thực sự là một dạng mô phỏng chiến trận dưới hình thức một trò chơi vô cùng hấp dẫn, trong đó hai bên tả xung hữu đột để “giành giật” bóng và thực hiện “bắn phá” khung thành của nhau. Mỗi đội tổ chức lực lượng của mình thành nhiều hàng (phòng ngự, tấn công, trung tuyến) và tung ra nhiều miếng đánh trên các “mặt trận” của sân cỏ, trong phòng ngự, phản công, tấn công, “vây hãm”, kéo giãn đội hình đội phương”, “nghi binh lừa địch”...

Khi hai đội bóng lao vào tranh giành bóng và tìm cách sút vào cầu môn của nhau, họ giống như hai đội quân xung trận thực sự. Các cầu thủ trên sân đóng vai trò của các chiến binh dũng mãnh. Các chiến binh ấy cũng có những “hy sinh”, “đổ máu”, khi hai bên va quệt mạnh vào nhau và bị thương...

Với góc nhìn đó, Giải vô địch bóng đá World Cup - nơi hội tụ hàng chục đội bóng đến từ các châu lục, trở thành một cuộc “Chiến tranh Thế giới”. Cuộc Đại chiến đó đương nhiên rất “tàn khốc”, dù không phải là theo kiểu cuộc chiến tranh “nóng” với bom rơi đạn nổ khiến nhân loại hứng chịu nhiều tổn thất lớn lao.

Bóng đá chính là một phương thức lành mạnh giúp con người giải tỏa cơn khát cạnh tranh và khẳng định bản thân. Và vì vậy, dù thi đấu khốc liệt “một mất một còn”, nó vẫn giúp thắt chặt tình hữu nghị giữa các dân tộc cũng như góp phần lôi kéo thanh niên tránh xa các tệ nạn xã hội.

2. Biến hóa đa dạng

Chính nhờ yếu tố biến hóa này mà mỗi trận bóng đều khác biệt lớn, không trận nào lặp lại y hệt trận nào, và do đó không bị tẻ nhạt.

Trận đấu bóng đá (với 11 người mỗi bên) là kết quả của rất nhiều kết hợp đa dạng. Số lượng cầu thủ trên sân khá đông (áp đảo so với các môn thể thao cá nhân như tennis, cầu lông và vượt trội so với môn tập thể như bóng chuyền, bóng ném, futsal) khiến trận đấu sôi động và có quy mô lớn. Sự đa dạng càng tăng lên hơn nữa khi sân bóng không bị chia đôi bởi một hàng lưới ngăn ở giữa, khiến cầu thủ hai bên có thể trộn lẫn vào nhau, xâm nhập phần sân của nhau và tạo ra thêm nhiều “tổ hợp” mới.

Khoảng khắc cầu thủ sút bóng vào cầu môn đối phương. Ảnh: BGR India.

Không những vậy, sân của bóng đá 11 người rộng hơn hẳn so với sân bóng rổ, bóng chuyền và sân futsal. Đây chính là không gian cho các hoạt động đa dạng và kịch tính trong khuôn khổ một trận túc cầu.

Bóng đá đa dạng từ đường chuyền đến cách rê bóng. Việc bóng đi vào cầu môn cũng có nhiều cách thức khác nhau, từ dùng chân (theo nhiều cách khác nhau) đến đánh đầu, từ các góc và hướng khác nhau, từ các cự ly khác nhau, theo nhiều quỹ đạo khác nhau (bổng, sệt, thẳng, cong, căng đơn giản hoặc nhẹ hiểm hóc). Thường thì việc đưa bóng vào lưới là kết quả của một loạt các phối hợp (của cá nhân hoặc nhóm cầu thủ) rất phong phú và đẹp mắt.

Bộ môn này còn có sự đa dạng về đội hình chiến thuật và lối chơi. Ngay trong một trận bóng, huấn luyện viên của một đội có thể điều chỉnh linh hoạt đội hình và lối chơi cho phù hợp với diễn biến trên sân. Tiết tấu của trận bóng đá cũng thường biến đổi, lúc nhanh lúc chậm, khiến khán giả không có nhiều cơ hội để... chán.

3. Hồi hộp và bất ngờ

Môn bóng ném, bóng bàn, cầu lông hay bóng chuyền đều có tỷ số rất cao. Đã vậy, trong số này một số môn còn thi đấu theo các “séc” (bên nào có nhiều séc thắng hơn sẽ giành chiến thắng chung cuộc) nên cảm giác căng thẳng ở mỗi đường bóng/cầu càng không quá lớn.

Trong khi đó, tỷ số trận đấu bóng đá thường không cao lắm (việc ghi bàn trong bóng đá không dễ vì cầu môn nhỏ và có rất nhiều trở ngại, cản phá trên hành trình đưa bóng vào gôn đối phương), nên mỗi bàn thắng đều mang sức nặng đáng kể. Thậm chí khi tỷ số là 0-0, trận đấu vẫn cuốn hút nếu hai bên thi đấu chất lượng và quyết liệt. Cảm giác căng thẳng trong trận đấu như vậy sẽ duy trì cho đến phút 90 (vì một bên chỉ cần ghi một bàn vào các phút cuối là đối phương sẽ rất khó gỡ hòa).

Cảm giác căng thẳng dâng cao khi bóng được tranh giành qua lại ngay trước cầu môn của một bên. Cảm xúc cho bên tấn công là “phấn khích”, còn với bên phòng ngự là sự “thót tim”.

Không chỉ bình luận viên thể thao mà khán giả trên khán đài hay hay khán giả “màn ảnh nhỏ” đều dễ tự hô to “Vào” đầy phấn khích hoặc “Không vào” đầy tiếc nuối, trước các pha bóng kịch tính trước khung thành.

Ngoài ra còn có yếu tố may mắn trong việc tạo bất ngờ cho bóng đá. Nhiều khi bóng chỉ cần đi lệch sang trái thêm chút xíu là vào gôn, tạo ra bàn thắng. Hoặc chỉ cần thủ môn nhanh nhạy thêm chút xíu là cản được bóng, tránh được bàn thua. Tức là một chút may rủi cũng có thể quyết định cục diện thắng thua hoặc hòa của trận đấu.

Một yếu tố khác đóng góp vào sự khó dự đoán của bóng đá là trọng tài. Có những tình huống mà trọng tài khó xác định đúng hay sai, có đáng bị phạt penalty hay không. Và có những lúc trọng tài xử không đúng (do không quan sát chính xác, do có cầu thủ dùng tiểu xảo qua mặt được họ, hoặc do tác động tiêu cực nào đó từ bên ngoài...) Nghe như vậy thì bóng đá dường như bớt độ chính xác và công bằng. Tuy nhiên, điều này lại phản ánh đúng thực tiễn cuộc sống khắc nghiệt vốn luôn tiềm ẩn rủi ro. Đội bóng bản lĩnh sẽ phải lường trước điều đó và tìm cách thích ứng.

Các yếu tố kể trên góp phần làm cho bóng đá nhiều khi không có tính bắc cầu và hoàn toàn bất ngờ với những người cá độ.

4. Tính nghệ thuật

Yếu tố hồi hộp có thể giảm đi nhiều khi ta xem lại một trận cầu chất lượng mà ta đã biết kết quả. Nhưng tính nghệ thuật của nó thì vẫn còn đó, vẫn đủ làm ngây ngất người xem.

Cầu thủ bóng đá không chơi bóng bằng tay (ngoại trừ thủ môn). Dùng chân để điều khiển bóng sẽ khó hơn là dùng tay. Nhưng đó là cơ hội để các cầu thủ “làm xiếc” đầy tài tình với trái bóng.

Trong siêu phẩm “Bàn thắng Thế kỷ”, cầu thủ huyền thoại Maradona (đội Argentina) đã một mình xoay sở trong không gian hẹp (do bị vây kín), dẫn bóng lắt léo và tốc độ qua 4 cầu thủ đối phương (trong đó một người cố chặn Maradona 2 lần) rồi lừa nốt qua thủ môn để đưa bóng vào lưới của đội Anh tại kỳ World Cup 1986.

Trong nhiều khoảnh khắc đặc biệt, các “nghệ sĩ sân cỏ” còn cống hiến cho khán giả những đường sút bóng đẹp mắt, trong đó bóng bay theo đường thẳng như kẻ chỉ vào góc hiểm khung thành hoặc theo quỹ đạo cong vô hiệu hóa hoàn toàn hàng rào cầu thủ của đối phương.

5. Mức độ giải trí cao

Bản thân việc đưa bóng vào khung thành đã rất thú vị hấp dẫn, gây hứng khởi cho người xem. Cảnh trái bóng rê đi rê lại, bật qua bật lại trước cầu môn gây kích thích cực mạnh. Trong suốt trận đấu, khán giả sẽ thường xuyên ở trong trạng thái hưng phấn.

Nhìn rộng ra, sân vận động bóng đá cỡ lớn với những tiếng hò reo cổ vũ chẳng khác nào đấu trường La Mã cổ đại, nơi các võ sĩ giác đấu phải chiến đấu quyết liệt với nhau, thường là đến hơi thở cuối cùng. Tất nhiên trong đấu trường bóng đá ngày nay, không ai phải chết về mặt sinh học một cách nghiệt ngã như thời kỳ chiếm hữu nô lệ cả.

Không những vậy, hoạt động thi đấu bóng đá mang tính bề nổi và rất dễ xem (do không gian thi đấu rộng), cả tại sân vận động và qua truyền hình. Đây là sự khác biệt lớn với các môn thể thao khác, nhất là – bộ môn đòi hỏi sự yên tĩnh. Các đấu trường cờ vua không quá lớn, khán giả không thể bu kín quanh bàn cờ nhỏ xíu của 2 kỳ thủ mà phải nhìn lên bàn cờ lớn cập nhật các nước đi, hoặc xem màn hình trực tiếp tại đó. Khi thấy những nước cờ hay, người hâm mộ cũng chỉ khẽ xuýt xoa mà thôi, không thể gào to đầy phấn khích như khi xem bóng đá.

Về mặt thời gian thi đấu, trận bóng đá thường gói gọn trong 90 phút (không quá dài để gây chán nản và giảm chú ý ở khán giả), trong khi ván cờ vua tiêu chuẩn có thể kéo dài vài tiếng và một kỳ thủ có thể dành hàng chục phút chỉ cho một nước đi.

Trên phương diện này, bóng đá rõ ràng có tác dụng xả stress và mang mọi người xích lại gần nhau, là liều thuốc giúp họ tạm quên những bộn bề lo toan và phiền muộn trong cuộc sống hằng ngày.

Tôi còn nhớ, có những người hay so sánh sự đón chào có phần lặng lẽ dành cho các học sinh Việt Nam đoạt giải trong các cuộc thi khoa học quốc tế với sự đón chào rầm rộ cùng nhiều phần thưởng lớn về tiền bạc dành cho các tuyển thủ bóng đá của chúng ta đoạt huy chương từ nước ngoài về. Họ thắc mắc rằng các em học sinh có phần thiệt thòi so với các cầu thủ, dù cả hai nhóm đều mang vinh quang về cho đất nước ta.

Nhưng bóng đá không chỉ là vinh quang cho Tổ quốc, nó còn là giải trí nữa. Và sự giải trí này là dễ cảm nhận, như đã phân tích ở trên. Bóng đá rất bình dân, nó dành cho quảng đại quần chúng cùng thưởng thức, đồng thời liên kết họ với nhau. Đó chính là vai trò và ý nghĩa xã hội to lớn của bóng đá.

6. Đơn giản

Sức sống của bóng đá còn nằm ở các quy tắc khá đơn giản của môn thể thao này. Đại khái có hai phe nỗ lực giành và đưa bóng vào gôn của nhau. Bên nào chỉ gần ghi nhiều hơn bên kia một bàn thắng là sẽ thắng chung cuộc. Tất nhiên còn có những điều tỉ mỉ khác nữa nhưng người nào chưa biết gì về bóng đá chỉ cần xem đấu bóng một lát là có thể nắm được phần cơ bản nhất của luật chơi và khi đó họ có thể tận hưởng cuộc đấu bóng đầy kịch tính và cùng hò reo cổ vũ cho đôi bên.

Tôi đã chứng kiến những người không hiểu rõ việt vị là gì, “bật tường” và “chọc khe” ra sao nhưng khi có dịp ngồi xem bóng đá thì cũng tự nhiên bị lôi cuốn vào trận đấu, và reo lên như bị thôi miên “Ơ, vào vào...” hoặc nói giọng đầy tiếc rẻ “Úi xừ, tí nữa thì vào”.

Bóng đá cũng không cầu kỳ về dụng cụ để chơi. Chỉ một trái bóng, mấy viên gạch làm cọc là có thể tạm đá bóng, trên sân đất, trên bãi bồi, thậm chí trên đường phố. Nó cũng không tốn kém như chơi các môn golf, bowling, bắn súng hay bắn cung. Tất nhiên, chơi bóng đá chuyên nghiệp thì mức độ yêu cầu sẽ cao hơn.

Về mặt vóc dáng cầu thủ, bóng đá cũng không quá kén chọn. Với chiều cao khiêm tốn, các danh thủ Maradona và Messi có lẽ sẽ khó thi đấu chuyên nghiệp cho các bộ môn như bóng chuyền, bóng rổ hay bóng bầu dục. Nhưng với bóng đá, họ vẫn có thể tỏa sáng./.

Theo TRUNG HIẾU (VOV)