“Theo nội dung báo cáo của Bộ Tài chính, có thể khẳng định Việt Nam vi phạm cam kết về hàng hóa mà Chính phủ đã đưa ra trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế khi tiếp tục gia hạn chính sách giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước”, Bộ KH&ĐT nhận định.
Do đó, việc tiếp tục thực hiện giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp trong nước dẫn tới nguy cơ bị xử phạt do vi phạm các hiệp định quốc tế. Bộ KH&ĐT đề nghị Bộ Tài chính phân tích thêm lý do giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp trong nước trong 6 tháng, nghiên cứu bổ sung đánh giá việc có nên tiếp tục thực hiện chính sách này hay không.
Tương tự, tại văn bản góp ý, Bộ Tư pháp cũng đề nghị Bộ Tài chính rà soát kỹ các cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trong đó có nguyên tắc đối xử quốc gia, kinh nghiệm quốc tế có liên quan. Từ đó phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao xây dựng các phương án chi tiết để chủ động ứng phó (trong trường hợp Chính phủ ban hành nghị định).
Đồng thời, Bộ Tư pháp cũng đề nghị đánh giá tác động đầy đủ, rà soát đối tượng giảm lệ phí trước bạ, đề xuất đối tượng được giảm cho phù hợp với tình hình thực tiễn, đảm bảo đúng mực, quan điểm xây dựng nghị định, đảm bảo tính hợp pháp, thống nhất, phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Phân tích về vấn đề này, Bộ Công Thương cho biết, theo quy định của Thỏa thuận về quy tắc và thủ tục giải quyết tranh chấp trong WTO (DSU), trường hợp Việt Nam bị kiện và kết luận vi phạm các quy định của WTO do ban hành chính sách về mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước thì Việt Nam phải dừng ngay các biện pháp vi phạm theo kết luận và khuyến nghị của cơ quan giải quyết tranh chấp (DSB) trong WTO.
“Trường hợp không thực hiện theo các kết luận và khuyến nghị trong một khoảng thời gian hợp lý, Việt Nam có thể phải bồi thường hoặc đối mặt với việc bị trả đũa từ các nước đối với hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang các nước”, Bộ Công Thương nêu.
Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh trong trường hợp tiếp tục áp dụng chính sách này trong năm 2024, Việt Nam cần có những biện pháp ngoại giao phù hợp để tránh bị ảnh hưởng uy tín đối với các đối tác thương mại dẫn đến khả năng bị khiếu kiện.
Trong khi đó, Bộ Nội vụ cũng cho rằng trong quá trình thực hiện cần đảm bảo không ảnh hưởng nguyên tắc đối xử quốc gia của Việt Nam trong khuôn khổ WTO và các FTA mà Việt Nam hiện là thành viên.
Cũng nhắc đến quan ngại này, tại văn bản góp ý, Bộ Ngoại giao nhấn mạnh: “Đối với quan ngại về vi phạm cam kết về hàng hóa trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia, Bộ Ngoại giao sẽ tích cực phối hợp với các Bộ, ngành liên quan theo dõi, chuẩn bị phương án xử lý phù hợp”,
Giảm lệ phí trước bạ gây nhiều hệ lụy?
Phân tích với Báo điện tử VTC News, ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, việc giảm 50% lệ phí trước bạ nhằm kích thích nhu cầu sản xuất, tiêu dùng đối với thị trường ô tô trong nước được coi là chính sách phù hợp và cũng đã đạt nhiều kết quả sau 3 lần giảm vừa qua. Tuy nhiên, điều này lại tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng giữa xe trong nước với xe nhập khẩu.
“Xe nhập khẩu vẫn phải chịu đủ loại thuế, trong khi xe trong nước đã rẻ hơn lại được giảm thuế đáng kể. Như vậy sẽ tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng, đây là việc chúng ta cần quan tâm. Việt Nam đã hội nhập rất sâu và rộng, tham gia rất nhiều hiệp ước FTA và phải thực hiện những cam kết thuộc về phía trách nhiệm của Việt Nam. Do vậy, chúng ta phải suy nghĩ kỹ xem có nên giảm hay không?”, chuyên gia Nguyễn Bích Lâm đặt câu hỏi.
Bên cạnh đó, ông Lâm cho rằng, việc giảm lệ phí trước bạ chỉ tạo ra sự kích thích nhu cầu tiêu dùng với một bộ phận người có tiền mua xe chứ không ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế từ chính sách này.
“Họ có tiền mua xe vài trăm triệu cho tới cả tỷ đồng thì việc được giảm phí trước bạ khoảng vài chục triệu đồng không phải là quá quan trọng. Trong khi đó, việc giảm về lâu dài sẽ tạo một số hệ lụy đối với xã hội mà trước mắt là tiền ngân sách sẽ bị thất thu đáng kể”, ông Lâm nói.
Ở góc độ khác, chuyên gia Nguyễn Bích Lâm còn e ngại việc giảm lệ phí trước bạ sẽ kích cầu tiêu dùng, người dân sẽ mua xe cá nhân nhiều hơn, nhanh chóng hơn gây áp lực cho cơ sở hạ tầng giao thông đang quá tải, chưa kịp hoàn thiện, khiến phương tiện công cộng khó phát triển, đồng thời mục tiêu Net Zero cũng bị ảnh hưởng theo.
Vì thế theo ông Lâm, việc thúc đẩy phát triển phương tiện cá nhân thông qua chính sách giảm lệ phí trước bạ sẽ gây xung đột về chiến lược phát triển giao thông.
“Chúng ta đang khuyến khích sử dụng các phương tiện công cộng, giảm thiểu phương tiện cá nhân để giảm phát thải. Với việc kích cầu tiêu dùng, lượng xe cá nhân tăng, những mục tiêu trên sẽ khó có thể thực hiện được. Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm không giảm lệ phí trước bạ, thậm chí còn phải đánh thuế cao để hạn chế phát triển phương tiện cá nhân. Các nước phát triển như Nhật Bản, Singapore…họ đánh thuế xe ô tô cá nhân rất cao để phát triển các phương tiện công cộng”, chuyên gia nêu ý kiến.
Ông Lâm cũng nói thêm, việc nghiên cứu giảm thuế cho một bộ phận người có tiền sở hữu xe ô tô là không hợp lý, trong khi nhiều mặt hàng thiết yếu, tác động trực tới đời sống và nền kinh tế cũng đang rất cần được nghiên cứu các chính sách hỗ trợ hơn.
“Chúng ta cần các giải pháp, chính sách hỗ trợ cho nền kinh tế phát triển hơn là cho người muốn mua xe ô tô. Mỗi năm có mấy chục nghìn chiếc xe được bán ra, có tác dụng gì? Tác động đến nền kinh tế được bao nhiêu thì cần phải nghiên cứu kỹ”, ông Lâm nói.
Bộ Tài chính cho biết, đã đánh giá cụ thể tác động của việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, việc vi phạm các cam kết quốc tế và đề xuất 2 phương án:
Phương án 1: cân nhắc không thực hiện giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước;
Phương án 2: giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong 6 tháng như Nghị định số 41/2023/NĐ-CP ngày 28/6/2023.
Trên cơ sở phân tích, nhược điểm của từng phương án, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ thực hiện theo phương án 1.