Trận đấu nhiều duyên nợ giữa Anh và Đức. (Nguồn: thesun.co.uk)
Khi vòng bảng EURO 2020 khép lại và những cặp đấu vòng 1/8 chính thức được định hình, Anh-Đức chính là cặp đấu tâm điểm. Một cuộc chiến vượt thời gian, vượt ra khỏi những giá trị chuyên môn đơn thuần.
Nếu tính từ lần gặp gỡ đầu tiên cách đây 91 năm trong một trận đấu giao hữu, Anh-Đức đã tốn không biết bao giấy mực của báo chí thể thao, từ những chi tiết trong 90 phút trên sân bóng cho đến các câu chuyện bên ngoài những trận đối đầu ấy.
Những cổ động viên Anh chắc chắn sẽ muốn xem đi xem lại trận chung kết World Cup 1966 giữa hai đội vào ngày 30-7-1966, lúc đối thủ còn mang tên gọi đội tuyển Tây Đức.
Đó chính là trận đại chiến đáng nhớ đầu tiên ở một giải đấu chính thức, thay vì Anh-Tây Đức chỉ hẹn hò nhau trong những trận đấu giao hữu vô thưởng vô phạt.
Mấu chốt cho những đề tài tranh luận về trận đấu nằm ở khoảnh khắc tiền đạo huyền thoại Geoff Hurst dứt điểm đưa bóng đi trúng khung gỗ rồi đi vào lưới trước khi các hậu vệ Tây Đức kịp phá ra.
Trọng tài chính Tofiq Bahramov khi ấy chẳng hề có bất cứ sự trợ giúp nào từ công nghệ như thời hiện tại. Mọi tranh cãi đều dẫn đến việc ông phải tham khảo ý kiến của vị trợ lý đường biên và sau đó bàn thắng được công nhận.
Đội tuyển Tây Đức và truyền thông nước này tất nhiên cực kỳ bất bình với bàn thắng. Ký giả Robert Becker của tạp chí Kicker còn ám chỉ vị trọng tài sinh ra ở Azerbaijan cố tình thiên vị đội tuyển Anh sau khi Tây Đức đánh bại Liên Xô ở trận bán kết trước đó.
Khi thước phim về tình huống ấy được tái lập lại, đội tuyển Đức dường như trở thành nạn nhân của một tình huống bóng chưa hề vượt quá vạch vôi.
Đó mới chỉ là điểm khởi đầu cho một cặp đấu "không đội trời chung" của làng bóng đá thế giới, khi cổ động viên Anh bắt đầu khơi mào bằng một câu cổ vũ đầy tính khiêu khích: Hai cuộc thế chiến và một chức vô địch World Cup.
4 năm sau, người Đức trả thù thất bại cay đắng bằng việc lội ngược dòng trước Anh ở trận tứ kết World Cup 1970 tại Mexico, cũng bằng một bàn thắng trong hiệp phụ.
Thất bại ấy như một cú sốc thật sự vào danh dự của đội tuyển Anh. Nỗi đau không thể sớm được nuốt trôi, kể cả khi trận đấu đã kết thúc sau đó vài ngày.
Hai năm sau, Tây Đức lại một lần nữa tiễn Anh rời khỏi một giải đấu lớn khác, kỳ EURO 1972, bằng chiến thắng chung cuộc 3-1 sau hai lượt trận.
Trong thập niên 80 của thế kỷ trước, những trận đấu Anh-Tây Đức chưa có nhiều chi tiết kịch tính. Mãi đến kỳ World Cup 1990, giải đấu cuối cùng cái tên Tây Đức còn hiện diện trước quá trình thống nhất nước Đức, người Anh lại ôm hận một lần nữa trước đối thủ, lần này cái chết diễn ra ở trận bán kết trên chấm luân lưu.
Tây Đức sau đó đánh bại Argentina ở trận chung kết để mang về chức vô địch World Cup cuối cùng với tên gọi ấy, trước khi tất cả biết về đội tuyển bóng đá Đức thống nhất của thời hiện tại.
Đến năm 1996, Anh mới có trận đối đầu quốc tế đầu tiên với đội tuyển Đức thống nhất ở một giải đấu chính thức, kỳ EURO diễn ra trên sân nhà. Đó là giải đấu người Anh đặt kỳ vọng lớn lao vào cơ hội giải khát danh hiệu đã kéo dài tròn 30 năm.
Đội tuyển Anh của huấn luyện viên Terry Venables bước vào trận đấu trong những hứng khởi cao độ sau khi trải qua vòng đấu bảng êm đẹp cũng như lần đầu thắng cuộc ở loạt sút luân lưu trong trận Tứ kết gặp Hà Lan.
Rốt cuộc, đội tuyển Đức một lần nữa lại làm "kẻ phá bĩnh" bữa tiệc của người Anh chính bằng nỗi đau tưởng như đã bị lãng quên: Loạt sút luân lưu.
Huấn luyện viên đương nhiệm của đội tuyển Anh Gareth Southgate sút hỏng quả penalty trong trận đấu với Đức tại EURO 1996. (Ảnh: Getty Images)
Cú sút hỏng ăn trong loạt sút thứ 6 của hậu vệ Gareth Southgate, huấn luyện viên đương nhiệm của đội tuyển Anh ở EURO 2020, đã ném đi cơ hội đăng quang kỳ EURO đầu tiên cho Tam Sư.
4 năm sau, đội tuyển Anh đã trả thù thành công nỗi đau ở EURO 1996 bằng chiến thắng trong lần gặp gỡ giữa hai đội ở vòng bảng EURO 2000.
Chiến thắng tối thiểu tại Chaleroi nhờ pha đánh đầu thành bàn của Alan Shearer tạo ra niềm thích thú cho các cổ động viên "Xứ sở Sương mù," những người đã phải chờ đợi chiến thắng đầu tiên cho đội tuyển Anh trước Đức ở một giải đấu chính thức kể từ năm 1966.
Thật đáng buồn, kỳ EURO trên đất Hà Lan và Bỉ là một giải đấu tệ hại khi cả hai đội tuyển nắm tay nhau về nước ngay sau vòng bảng. Đức trải qua giải đấu tệ hại nhất kể từ World Cup 1938, trong khi Anh đã quá quen với kịch bản bị loại sớm ở một số kỳ EURO trong quá khứ.
Hai đội còn tiếp tục gặp nhau ở vòng loại World Cup 2002, cùng một số trận giao hữu.
Mối thâm thù giữa đôi bên ở các giải đấu lớn được nối lại ở World Cup 2010 tại Nam Phi. Lần này, đội tuyển Anh ở vị trí nhì bảng C đối đầu đội tuyển Đức nhất bảng D và phải nhấn thất bại cay đắng 1-4, trận thua đậm nhất trong lịch sử các lần tham dự World Cup.
Tranh cãi đáng chú ý nhất về trận đấu diễn ra ở Bloemfontein này là pha dứt điểm của Frank Lampard đưa bóng dội khung gỗ và đi vào trong khung thành một cách rõ ràng không cần chiếu chậm, nhưng lại bị khước từ bàn thắng khi Đức đang dẫn 2-1.
Người Đức mừng rỡ khi đó là một cuộc báo thù cho bàn thắng ma của Geoff Hurst năm 1966, trong khi đội tuyển Anh không có một giải đấu như ý cùng vị thuyền trưởng Italy Fabio Capello.
Chính từ tình huống bị khước từ bàn thắng ấy, công nghệ goal-line đã được áp dụng rộng rãi từ các giải đấu lớn sau này.
11 năm đã qua, đội tuyển Anh giờ sẽ gặp lại kẻ thù truyền kiếp Đức ở vòng 1/8 kỳ EURO năm nay. Việc được chơi trên sân nhà Wembley, nơi sẽ được đón một lượng khán giả giới hạn vào sân, là một lợi thế cho thầy trò Southgate.
Vấn đề nằm ở chỗ, trong thời điểm được kỳ vọng như hiện tại, liệu đội tuyển Anh có đủ vững vàng cho trận cầu lớn đầu tiên ở EURO 2020, trong lúc đội tuyển Đức rõ ràng sẽ trở nên đáng gờm hơn sau khi thoát cửa tử ở trận cuối cùng vòng bảng gặp Hungary.
Ít nhất, người Anh sẽ phải chinh phục Đức trước khi nghĩ về hành trình vô địch EURO lần đầu tiên trong lịch sử, trong một giải đấu nếu thầy trò Southgate tiến sâu, họ sẽ có cơ hội được tận hưởng vinh quang ngay trên sân nhà, khi các trận bán kết và chung kết EURO 2020 đều được tổ chức trên sân Wembley.
Theo ĐỨC HÙNG (Vietnamplus)