Như vậy, chỉ trong 18 ngày, danh sách bệnh nhân COVID-19 đã tăng thêm 5 triệu người, tương tự giai đoạn từ mức 25 triệu ca lên 30 triệu ca. Trung bình khoảng 3 - 4 ngày lại có thêm 1 triệu người mắc COVID-19 (ca mắc thứ 34 triệu là vào sáng 1/10). Tình hình này buộc thế giới phải tìm cách “sống chung với virus”, vừa mở cửa nền kinh tế và khôi phục cuộc sống bình thường, vừa chống dịch.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc vận động bầu cử ở Winston-Salem, Bắc Carolina, Mỹ, ngày 8/9/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Tổng thống Mỹ Donald Trump là bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2 đang rất được quan tâm bởi ông mắc COVID-19 khi chỉ còn 1 tháng nữa là tới ngày bầu cử 3/11. Yếu tố mới này chẳng những khiến cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020 càng trở nên khó đoán định, mà còn làm dấy lên lo ngại về tình trạng sức khỏe của những quan chức chính quyền Mỹ, trong bối cảnh Mỹ vẫn là nước đứng đầu thế giới về số ca mắc và tử vong.
Trong khi đó, tốc độ lây nhiễm tại châu Âu hiện ở mức cao nhất thế giới, tăng thêm 10% so với tuần trước, khi mà Pháp, Anh… chưa giảm được số ca mắc theo ngày, còn Nga đang quay trở lại thời kỳ ghi nhận gần 10.000 ca mắc mới mỗi ngày. Dù số ca mắc mới tại Ấn Độ - nước bị ảnh hưởng nặng nề thứ hai thế giới, đã giảm nhẹ, song vẫn duy trì trên 75.000 ca mỗi ngày, trong khi số ca tử vong ở quốc gia này là hơn 100.875. Tại Đông Nam Á, số ca nhiễm mới tại Malaysia đang tăng nhanh, liên tiếp ở mức cao nhất, trong khi Indonesia và Philippines vẫn đang chật vật để kiểm soát dịch bệnh.
Sau hơn 10 tháng COVID-19 bùng phát, đến thời điểm này, phần lớn các nước phải đương đầu với làn sóng lây nhiễm thứ hai, thứ ba… đều tránh tình trạng đóng cửa biên giới hay phong tỏa quy mô lớn, chỉ áp dụng các biện pháp hạn chế cục bộ ở những nơi ổ dịch. Theo đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Nga, bà Melita Vujnovich, việc một lần nữa đóng cửa toàn bộ nền kinh tế, phong tỏa đi lại nghiêm ngặt như thời kỳ tháng 3, tháng 4 vừa qua sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, thậm chí có thể làm tê liệt nền kinh tế, cũng như ảnh hưởng đến trạng thái tâm lý con người.
Đơn cử như châu Âu, khu vực đang trong làn sóng dịch mới, các chuyên gia cho rằng nền kinh tế Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) có nguy cơ suy thoái kép khi nhiều chính phủ hiện thông báo các biện pháp phong tỏa mới hoặc hạn chế việc mở cửa trở lại nền kinh tế. Nền kinh tế Eurozone đã giảm 11,8% trong quý II/2020 do tác động của các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt.
Suy thoái kinh tế khiến tỷ lệ thất nghiệp tại châu Âu trong tháng 8 đã tăng tháng thứ năm liên tiếp. Theo Cơ quan Thống kê châu Âu, tỷ lệ thất nghiệp tại 19 quốc gia thuộc Eurozone đã tăng lên 8,1% trong tháng 8, với khoảng 13,2 triệu người thất nghiệp và số người mất việc làm tăng 251.000 người. Dự báo tỷ lệ này sẽ tăng mạnh hơn nữa trong những tháng tới, khi các chương trình hỗ trợ tiền lương hết hạn, trong khi sự gia tăng đột biến số ca mắc COVID-19 đã dẫn đến việc một số nước tái áp đặt các lệnh hạn chế.
Một yếu tố nữa là những ảnh hưởng tâm lý. Thực tế là trong làn sóng dịch đầu tiên, khi hàng loạt doanh nghiệp phá sản dẫn tới nhiều lao động mất việc, tình trạng phong tỏa do dịch bệnh buộc nhiều người phải ở nhà, trẻ em không thể tới trường… vấn đề tâm lý xã hội đã được nhắc tới, bao gồm cả tình trạng căng thẳng, lo âu, sợ hãi và các biểu hiện rối loạn tâm thần. Giới chuyên gia cảnh báo COVID-19 có thể có tác động "sâu sắc và rộng khắp" đối với sức khỏe tâm thần trên toàn cầu khi hàng tỷ người phải gắng sức khắc phục tình trạng sống cô lập với tâm trạng lo lắng.
Một khảo sát quốc gia cho thấy 35% người dân Trung Quốc bị căng thẳng trong và sau các biện pháp phong tỏa. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), 50% số người trưởng thành và gần 75% giới trẻ Mỹ trong độ tuổi từ 18 - 24 cho biết đã từng trải qua ít nhất 1 triệu chứng liên quan đến sức khỏe tâm thần hoặc hành vi do đại dịch COVID-19.
Riêng trong tháng 3 vừa qua, số cuộc gọi đến đường dây nóng hỗ trợ tại Mỹ đã tăng tới 891%. Tại Singapore, đường dây nóng chăm sóc quốc gia được thiết lập từ tháng 4/2020 đã nhận được trên 23.000 cuộc gọi tư vấn về vấn đề tài chính lẫn tâm lý liên quan đến dịch COVID-19. Các khảo sát ở nhiều quốc gia như Đức, Ấn Độ cũng cho thấy sự gia tăng căng thẳng, các vấn đề tâm lý ở người dân.
Những ảnh hưởng tâm lý có thể tác động ngay lập tức. Tại Singapore, trong tháng 4/2020, tỷ lệ bạo lực gia đình trong số vụ việc được ghi nhận tăng lên 23% so với 14% năm ngoái. Số vụ bạo hành tại Pháp cũng đã tăng tới 30% trong giai đoạn áp đặt biện pháp phong tỏa chống COVID-19.
Tại Anh, riêng số trẻ em phải nhập Viện Nhi Great Ormond Street - một trong những bệnh viện nhi lớn ở thủ đô London, do bị bạo hành trong suốt thời gian phong tỏa đã tăng gấp 15 lần so với năm 2019. Trong 1 tháng đến ngày 23/4 - giai đoạn Anh tiến hành phong tỏa nghiêm ngặt, bệnh viện Great Ormond Street đã tiếp nhận tới 10 trẻ sơ sinh từ 2 tuần tuổi đến 13 tháng với những chấn thương nặng ở đầu do bị bạo hành, tăng gấp nhiều lần so với mức 0,67 trường hợp trong 3 năm liên tiếp (từ 2017-2019).
Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã cảnh báo nguy cơ trẻ em tại trên 100 nước bị ngược đãi và bạo hành do việc đóng cửa các trường học và các biện pháp hạn chế đi lại để phòng, chống dịch COVID-19. Đáng lo ngại là các con số thống kê trên mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm bởi số nạn nhân bị bạo hành trên thực tế có thể còn cao hơn nhiều do phụ nữ thường có tâm lý chịu đựng.
Theo lý giải của giới chuyên gia, một trong những nguyên nhân khiến số vụ bạo hành tăng nhanh là do dịch COVID-19 đã đẩy nhiều người rơi vào trạng thái căng thẳng tinh thần với những biểu hiện lo lắng, bất an, mất ngủ và giận dữ. Với bản chất là những sinh vật xã hội, con người thường có nhu cầu cơ bản và mong muốn duy trì các mối quan hệ với bạn bè, gia đình và cộng đồng.
Chính sự tương tác xã hội này đã giúp sản sinh hormon tích cực cho não. Tuy nhiên, việc chính phủ các nước buộc phải áp đặt các biện pháp cách ly, phong tỏa và hạn chế nhằm khống chế đà lây lan của dịch COVID-19, kéo theo những thay đổi, ảnh hưởng đến cuộc sống, công ăn việc làm, thu nhập, thói quen sinh hoạt và những âu lo về tình hình dịch bệnh đã phần nào tác động tới cơ chế này, khiến khả năng chống chọi của con người với căng thẳng kém hơn. Giáo sư Tâm lý học sức khỏe Rory O'Connor tại Đại học Glasgow (Anh) nhận định việc tăng cường cách ly xã hội, sự cô đơn, căng thẳng và lo lắng về sức khỏe ngày càng tăng đi kèm với suy thoái kinh tế là “một cơn bão” gây tổn hại sức khỏe thể chất và tinh thần của con người.
Nghiêm trọng hơn, căng thẳng dồn nén tột độ đã đẩy nhiều người rơi vào trạng thái trầm cảm, bế tắc kéo theo giải pháp tự kết liễu. Riêng trong tháng 8 vừa qua, số vụ tự tử trên toàn Nhật Bản là 1.854 người, tăng 251 người so với cùng kỳ năm 2019, tương ứng với 16 điểm phần trăm. Các nhà nghiên cứu thuộc tổ chức Well Being Trust (Mỹ) còn cảnh báo khủng hoảng liên quan đến COVID-19 có thể cướp đi sinh mạng của thêm 75.000 người do tuyệt vọng trong 10 năm tới. Nghiên cứu trước đây cho thấy cứ mỗi điểm phần trăm tăng ở tỷ lệ thất nghiệp thì tỷ lệ tự sát cũng tăng 1,6% tại Mỹ.
Đáng lưu tâm là đội ngũ nhân viên y tế tuyến đầu cũng đang phải chịu nhiều gánh nặng tâm lý. Theo một nghiên cứu được thực hiện với trên 1.250 nhân viên y tế tại Trung Quốc từng điều trị cho bệnh nhân COVID-19, phần lớn những người được hỏi cho biết đã trải qua các gánh nặng tâm lý khác nhau, với 50,4% trầm cảm, 44,6% lo lắng và 34% mất ngủ. Kết quả khảo sát đối với hơn 1.000 nhân viên chăm sóc sức khỏe tại nhà ở miền Bắc Italy trong thời kỳ đỉnh dịch cho thấy 43% số người được hỏi có triệu chứng rối loạn căng thẳng và lo âu sau sang chấn.
Đó là chưa kể vấn đề tâm lý với các bệnh nhân COVID-19 đang được giới khoa học tiếp tục đánh giá. Theo kết quả nghiên cứu của Bệnh viện San Raffaele ở Milan, Italy, 55% bệnh nhân mắc COVID-19 đã nằm viện phát triển các rối loạn tâm thần sau khi xuất viện.
Chuyên gia tâm lý, Tiến sĩ Emily Holmes tại Đại học Uppsala (Thụy Điển) nhấn mạnh: "Tất cả chúng ta đều đang đối mặt với sự bất an chưa từng thấy và những thay đổi lớn trong cách sống do virus SARS-CoV-2, và những thay đổi này đang tác động đáng kể đến sức khỏe tinh thần của mọi người”. Trong bối cảnh thế giới vẫn chưa tìm ra được vaccine thực sự hiệu quả ngừa COVID-19, số ca nhiễm mới vẫn đang tăng từng giờ, từng ngày, sẽ có thêm nhiều nước buộc phải siết chặt các quy định, gia hạn tình trạng khẩn cấp, thậm chí là phong tỏa một số khu vực như Anh, CH Séc và Slovakia. Nếu điều này xảy ra, sức khỏe tâm thần - vốn được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) coi là nền tảng cho sự khỏe mạnh và hoạt động hiệu quả của các cá nhân, có thể tiếp tục bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Chính vì vậy, để có thể chung sống với dịch bệnh một cách an toàn, WHO kêu gọi mỗi người cần thực hiện nghiêm các hướng dẫn y tế trong mọi hoạt động từ học tập, đi lại, sản xuất, kinh doanh tới vui chơi, giải trí, đặc biệt là trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe bản thân. Đây là cơ sở để hạn chế tối đa sự lây nhiễm, thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh tế, cải thiện thu nhập, từ đó góp phần nâng cao đời sống tinh thần.
Khi dịch bệnh chưa thể khống chế hoàn toàn, điều quan trọng là mỗi cá nhân cần đối phó với sự căng thẳng và bất an do COVID-19 một cách lành mạnh, mà một trong những giải pháp, bên cạnh việc tìm cách mới để giao tiếp xã hội, cố gắng kiểm soát cuộc sống, suy nghĩ tích cực… thì chống nạn tin giả (fake news) về COVID-19 chính là giải pháp ưu tiên, bởi các chuyên gia khẳng định chính những thông tin sai lệch có thể gây tâm lý lo sợ, hoang mang, hoảng loạn và để lại hậu quả nặng nề chẳng kém gì virus SARS-CoV-2.
Theo NGỌC HÀ (TTXVN)