Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ông Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu tại Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Phát biểu tại cuộc họp báo cùng ngày, ông Ghebreyesus cho biết trong tuần tới, WHO sẽ công bố hướng dẫn cho các quốc gia về cách thức chuyển đổi từ giai đoạn ứng phó khẩn cấp sang giai đoạn ứng phó dài hạn đối với dịch COVID-19. Ông cho biết WHO vẫn hy vọng trong năm nay có thể tuyên bố chấm dứt tình trạng y tế cộng đồng khẩn cấp gây lo ngại trên toàn cầu (PHEIC) do bùng phát dịch COVID-19, mức cảnh báo cao nhất mà cơ quan y tế của Liên hợp quốc đưa ra với 1 dịch bệnh. Tuy nhiên, lãnh đạo WHO lưu ý virus vẫn tồn tại và tất cả các quốc gia cần học cách ứng phó dịch bệnh này cùng với những dịch bệnh khác.
Ủy ban khẩn cấp của WHO về COVID-19 họp 3 tháng một lần và dự kiến họp vào đầu tháng 5 tới để quyết định liệu COVID-19 có còn là tình trạng PHEIC hay không. WHO tuyên bố COVID-19 là PHEIC vào ngày 30/1/2020, khi có chưa đến 100 ca mắc và không có ca tử vong nào bên ngoài Trung Quốc.
* Cũng liên quan tới đại dịch COVID-19, theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 26/4, Bộ Y tế Indonesia đã yêu cầu người dân quay trở lại đeo khẩu trang trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 do dòng biến thể phụ XBB.1.16 gây ra ngày càng gia tăng tại quốc gia đông dân thứ 4 thế giới này.
Người phát ngôn Bộ Y tế Indonesia Mohammad Syahril kêu gọi người dân tích cực đeo khẩu trang trở lại, nhất là với những người đang mắc bệnh cúm, tiếp xúc gần với các ca bệnh và khi đến nơi đông người. Ông Syahril cũng kêu gọi người dân, nhất là những người cao tuổi, thực hiện lối sống lành mạnh và tham gia chương trình tiêm vaccine phòng COVID-19 nhằm ngăn chặn đợt lây lan dịch mới.
Quan chức y tế này lưu ý rằng dòng phụ XBB.1.16 rất dễ lây lan và đang khiến số ca mắc COVID-19 ở Indonesia gia tăng trong những tuần gần đây. Các triệu chứng do dòng phụ này gây ra gồm đau mắt đỏ hoặc cộm mắt ở trẻ em, sốt hoặc ớn lạnh, ho, khó thở, mệt mỏi, đau cơ, nhức đầu, mất vị giác hoặc khứu giác, đau họng, nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi, buồn nôn hoặc nôn và tiêu chảy.
Theo ông Syahril, dòng phụ XBB.1.16 đã được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ trong khi diễn biến dịch COVID-19 tại Indonesia luôn trải qua mô hình tương tự như Ấn Độ. Ấn Độ đang ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng đột biến 20%, lên tới 12.500 ca mỗi ngày. Theo báo cáo của lực lượng đặc nhiệm xử lý COVID-19 của Chính phủ Indonesia, ngày 26/4, quốc gia này đã ghi nhận thêm 1.399 ca mới.
Theo TTXVN