Nhân viên y tế phun thuốc khử trùng phòng lây nhiễm COVID-19 tại Khemisset, Maroc, ngày 10-9-2020. Ảnh: THX-TTXVN
Hãng thông tấn Tass (Nga) dẫn thông cáo của Văn phòng báo chí WHO cho biết WHO không nói rõ khi nào đại dịch sẽ chấm dứt, song khẳng định COVID-19 sẽ được kiểm soát trong vòng 2 năm tới.
Nguồn tin trên nêu rõ: “Tại thời điểm này, chúng tôi không biết khi nào đại dịch sẽ kết thúc, song có lẽ với các nỗ lực toàn cầu và công nghệ hiện đại, đại dịch COVID-19 có thể nằm trong tầm kiểm soát trong vòng 2 năm”.
WHO đồng thời khuyến cáo các quốc gia nên “tập trung vào 4 ưu tiên gồm: tránh các sự kiện làm khuếch tán (virus), tạo điều kiện để người dân tự bảo vệ, tập trung vào các nguyên tắc sức khỏe cộng đồng và bảo vệ những người dễ bị nhiễm bệnh, trong đó có người cao tuổi và những đối tượng có điều kiện thiệt thòi”.
Dịch COVID-19 bùng phát tháng 12-2019 tại thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc), rồi sau đó lan ra các nước trong khu vực và thế giới. Ở giai đoạn đầu, WHO coi sự bùng phát của căn bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (virus SARS-CoV-2) gây ra là dịch bệnh với nhiều điểm lây nhiễm.
Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp và tốc độ lây lan nhanh của dịch bệnh này, nhiều chuyên gia trên thế giới đã kêu gọi WHO xem xét tình trạng hiện tại và đưa ra cảnh báo đại dịch toàn cầu.
Tại cuộc họp kín của Ủy ban khẩn cấp của WHO tại Geneva (Thụy Sĩ) vào rạng sáng 31-1 (theo giờ Việt Nam), Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus đã quyết định ban bố Tình trạng Khẩn cấp Y tế Công cộng Toàn cầu (PHEIC) đối với dịch bệnh COVID-19.
WHO xây dựng cơ chế PHEIC vào năm 2005. Đây là phương pháp nhằm tập hợp sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế về tài chính, thuốc men và hoạt động tại những vùng bị ảnh hưởng vì dịch bệnh. PHEIC lần đầu tiên được áp dụng tháng 4-2009 khi xảy ra dịch cúm lợn (H1N1). Cơ chế PHEIC đối với dịch COVID-19 tới thời điểm này vẫn còn hiệu lực.
Tới ngày 11-3, WHO đã chính thức tuyên bố sự bùng phát của dịch COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra là đại dịch toàn cầu sau khi dịch bệnh lây lan nhanh khó kiểm soát tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Moskva, Nga, ngày 11-8-2020. Ảnh: THX-TTXVN
Theo trang mạng worldometer.info, tính tới trưa 11-9 (theo giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận tổng cộng trên 28.333.862 ca mắc bệnh COVID-19, trong đó 913.988 trường hợp tử vong. Tới nay thế giới cũng đã có 20.352.884 bệnh nhân được điều trị khỏi.
Sau Trung Quốc, châu Âu, hiện nay châu Mỹ là tâm dịch của thế giới. Riêng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại khu vực Mỹ Latinh đã vượt ngưỡng 8 triệu ca vào ngày 10-9, mặc dù có dấu hiệu dịch bệnh lây lan với tốc độ chậm hơn ở một số nước trong khu vực này.
Ba quốc gia bị đại dịch COVID-19 tác động mạnh nhất lần lượt là Mỹ, Ấn Độ và Brazil. Tính tới ngày 11-9, tổng số ca bệnh ở ba quốc gia này là trên 15,3 triệu ca, chiếm hơn một nửa tổng số ca toàn thế giới. Mỹ đứng đầu với 6.588.181 ca nhiễm và 196.331 ca tử vong.
Tiếp theo là Ấn Độ với 4.562.414 ca nhiễm và 76.304 ca tử vong; Brazil với 4.239.763 ca nhiễm và 129.575 ca tử vong. Ngoài ra, Nga tới nay cũng đã ghi nhận 1.046.370 ca COVID-19, trong đó 18.263 tử vong.
Trung Quốc, nơi khởi phát đại dịch, tới ngày 11-9 ghi nhận 85.168 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 và 4.634 ca tử vong. Về cơ bản, nước này đã kiểm soát được đại dịch. Châu Âu, tâm dịch thứ hai của thế giới sau Trung Quốc, hiện có tổng cộng 3.958.678 ca mắc bệnh và 211.616 trường hợp không qua khỏi.
Theo THANH TUẤN (Báo Tin Tức)