Nhân viên y tế làm việc tại khu cách ly dành cho bệnh nhân nghi nhiễm Ebola tại Mubende, Uganda, ngày 27/10/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, phát biểu khi kết thúc chuyến thăm 3 ngày tới Uganda, Giám đốc khu vực châu Phi của WHO, bà Matshidiso Moeti, cho biết cơ quan này chỉ mới huy động được 20% trong số 88,2 triệu USD cần thiết để hỗ trợ các nỗ lực chống dịch Ebola. Số liệu của WHO cho thấy kể từ khi tuyên bố bùng phát dịch Ebola ngày 20/9, đến nay Uganda đã xác nhận tổng cộng 141 ca mắc bệnh và 22 ca nghi mắc Ebola, trong đó có 55 ca tử vong. Ngoài ra còn có 22 ca tử vong khác bị nghi ngờ có liên quan đến Ebola. Bà Moeti nêu rõ: “Với tư cách là đối tác, tất cả chúng ta phải mở rộng và tăng cường hỗ trợ cho công tác ứng phó nhằm chấm dứt đợt bùng phát này”.
Đến nay, Văn phòng khu vực châu Phi của WHO đã cử 80 chuyên gia hỗ trợ phản ứng nhanh cùng với các chuyên gia y tế Uganda đẩy mạnh các nỗ lực phòng chống và kiểm soát dịch bệnh.
Dịch Ebola bắt đầu bùng phát tại khu vực nông thôn ở miền Trung Uganda vào tháng 9 vừa qua. Virus đang lưu hành ở Uganda là chủng virus được ghi nhận tại Sudan, không giống như chủng virus Zaire lây lan trong các đợt bùng phát dịch gần đây tại nước láng giềng CHDC Congo. Do đó, hiện chưa có vaccine phòng ngừa chủng virus này.
Virus Ebola lây lan thông qua tiếp xúc với các chất dịch từ những người nhiễm bệnh. Một số triệu chứng điển hình khi nhiễm bệnh gồm sốt, nôn mửa, tiêu chảy, đau nhức toàn thân hoặc khó chịu. Nhiều trường hợp nặng bệnh nhân có thể xuất huyết bên trong và bên ngoài.
Theo TRUNG KHÁNH (TTXVN)