Xu hướng thời trang xa xỉ thầm lặng lên ngôi. (Nguồn: Elle)
Xu hướng thời trang hiện đang chiếm lĩnh mạng xã hội và thống trị các sàn diễn trong năm 2023 mang tên “Quiet luxury”- sự xa xỉ thầm lặng.
"Quiet luxury" là gì?
Theo tạp chí Time, “Quiet luxury” (“Xa xỉ thầm lặng”) là một thuật ngữ dùng để chỉ sự giàu có và quyền lực, được thể hiện một cách tinh tế trong thời trang mà không cần sử dụng các chi tiết như logo, họa tiết, kiểu dáng quá phô trương.
Đây được cho chủ nghĩa tối giản trong thời đại mới, khi con người tập trung vào các khoản đầu tư hợp lý và xây dựng thói quen mua sắm có tính toán. Không cầu kỳ, bắt mắt nhưng vẫn có thể phản ánh khả năng tài chính của người mặc chính là những điểm đặc trưng của phong cách này.
Các trang phục “Quiet luxury” thường mang tone màu trung tính với thiết kế đơn giản nhưng tinh tế, chất liệu chất lượng cao dưới một quy trình sản xuất chuyên nghiệp, giúp quần áo trường tồn với thời gian.
Các thương hiệu thời trang lớn trên thế giới đang tập trung phát triển xu hướng Quiet luxury. (Ảnh: Hermès)
Điều này là làm gia tăng tính bền vững của sản phẩm, trái ngược với những sản phẩm dùng một lần hoặc có tuổi thọ thấp-nguyên nhân của vấn nạn thời trang nhanh.
Trong giới thời trang, nhiều thương hiệu đã chuyển hướng từ những sản phẩm nổi bật, rườm rà sang những sản phẩm đơn giản hơn, tập trung vào chất liệu, kiểu dáng thay vì logo và họa tiết.
“Phong cách 'Quiet luxury' đang trở nên thịnh hành khi các thương hiệu vốn nổi tiếng thích sự sặc sỡ như Loewe, Saint Laurent, Miu Miu đã chuyển sang phong cách tối giản hơn," Jodi Kahn, phó chủ tịch thị trường thời trang xa xỉ Neiman Marcus, nói.
Thực chất, chủ nghĩa này đã được coi là tôn chỉ của nhiều nhà mốt từ lâu như The Row, Toteme, Tove, Brunello Cucinelli, Loro Piana,... với đa số khách hàng thuộc tầng lớp thượng lưu.
Tuy nhiên, trong 6 tháng qua, “xa xỉ thầm lặng” đã đến với các tuần lễ Thời trang, giúp xu hướng này đến gần hơn với công chúng. Thương hiệu Tove (có trụ sở tại London) đã xuất hiện tại Tuần lễ thời trang London với show diễn giới thiệu bộ sưu tập mùa Thu Đông năm 2023.
Xu hướng “Quiet luxury” hình thành nhờ văn hóa đại chúng
Tại Hollywood, nữ diễn viên Gwyneth Paltrow đã trở thành tâm điểm của xu hướng “xa xỉ thầm lặng” khi xuất hiện trong phòng xử án tại một vụ kiện tụng về tai nạn trượt tuyết. Cô gây ấn tượng với loạt trang phục với gam màu trung tính cùng áo len cashmere đắt đỏ.
Nữ diễn viên Gwyneth Paltrow góp phần lăngxê phong cách xa xỉ thầm lặng. (Nguồn: Getty)
Hay trường hợp Giám đốc điều hành Meta Mark Zuckerberg cùng những chiếc áo thun huyền thoại tưởng chừng đơn giản nhưng có giá trị vô cùng cao - được đặt may từ “ông vua cashmere” Brunello Cucinelli.
Sau đó, loạt phim “Succession” xoay quanh cuộc sống giàu có, quyền lực và đầy mưu mô của giới thượng lưu đã tác động lớn đến xu hướng xa xỉ thầm lặng.
Trong loạt phim nổi tiếng của HBO, các nhân vật thường xuyên đội mũ bóng chày cashmere trị giá 600 USD với màu sắc trung tính và không có logo, đeo kính râm Tom Ford tinh tế nhưng đắt tiền.
Xu hướng xuất phát từ vấn đề kinh tế-xã hội
Leandra Medine Cohen, ký giả của trang Man Repeller, đã ghi nhận tác động của xu hướng này đối với thói quen mua sắm của mình: “Tôi nhận thấy mình mua ít hơn đáng kể, tôi không cần phải mua sắm quá nhiều mà vẫn có đủ quần áo cho những hoàn cảnh khác nhau.”
Cô nhận định các Influencer thời trang hay người nổi tiếng cũng đang hướng đến phong cách tinh tế, ít phô trương hơn.
Ngoài ra, Maja Dixdotter, Giám đốc Sáng tạo của thương hiệu By Malene Birger, chia sẻ: “Do tác động của dịch COVID-19, khi mà chúng ta phải cách ly trong thời gian rất dài, nhiều người nhận ra rằng họ thực sự không cần nhiều quần áo đến vậy."
Trong bối cảnh đại dịch, nhiều người tiêu dùng đã chuyển hướng từ những sản phẩm nổi bật, rườm rà sang những sản phẩm đơn giản, họ ưu tiên sự thoải mái nhiều hơn.
Thời trang từ lâu đã là dấu hiệu phản ánh những thay đổi về kinh tế-xã hội. Trong lịch sử, “xa xỉ thầm lặng” từng xuất hiện và mất đi, lặp lại nhiều lần như thế kể từ thế kỷ 18 tại Pháp, thế kỷ 19 tại Mỹ cho đến nay.
Một ví dụ điển hình là cuộc suy thoái kinh tế năm 2008, sau một thập kỷ của chứng “cuồng logo," các thương hiệu như Céline (dưới thời giám đốc sáng tạo lúc bấy giờ là Phoebe Philo) đã cho ra mắt những mặt hàng có tính ứng dụng cao hơn đối với cuộc sống hàng ngày.
Xét đến thời điểm hiện tại, sự thay đổi về phong cách này một phần là do tình trạng bấp bênh của nền kinh tế, khi thu nhập khả dụng bị thu hẹp và tiềm ẩn một cuộc suy thoái toàn cầu.
Những biến động này khiến bất kỳ tầng lớp nào cũng cần đề cao cảnh giác và tăng cường sự tập trung vào tính bền vững cũng như chủ nghĩa tiêu dùng có ý thức hơn.
Theo Vietnamplus