Bán hàng xe đẩy tay, xe đạp, hay sang hơn thì có xe gắn máy… đều là kế sinh nhai của những người có thu nhập thấp. Vài triệu đồng trang bị một chiếc xe và hàng hóa là đã đủ điều kiện để “khởi nghiệp”. Mỗi ngày họ ngược xuôi bất kể mưa nắng, trở thành một nét văn hóa mua bán quen thuộc trong đời sống người dân miền sông nước.
Không ai để ý kiểu bán hàng di động này có từ hồi nào. Chỉ biết đó là dịch vụ tất yếu từ rất nhiều năm trước, khi đò sông cách trở, chợ họp thì xa… Cái thời ghe xuồng còn thịnh hành, tiểu thương len lỏi theo mấy con sông, kênh, rạch đưa tận hàng hóa về vùng sâu để bán. Về sau đường bộ phát triển, cầu nối liên ấp, liên xã… giúp xe cộ lưu thông thuận lợi, hoạt động mua bán trên bờ sôi động và chiếm ưu thế.
Các huyện cù lao, vùng đầu nguồn biên giới An Giang, như: TX. Tân Châu, Chợ Mới, An Phú, Phú Tân… hàng di động vẫn còn rất thịnh hành. Trăm người bán thì vạn người mua, nên cùng tuyến đường, một ngày lưu thông hàng chục chiếc xe cũng không lo ế khách. Có xe chỉ bán một mặt hàng chuyên biệt, có xe lại như một tiệm tạp hóa thu nhỏ, từ rau, củ, bánh, trái cây, bột giặt, dầu gội, gia vị…
Kể cả hoạt động ngay ở trung tâm chợ, chỉ cần có mặt hàng phù hợp, xe di động vẫn hòa nhịp mua bán rất xôm tụ.
Quần áo được chở vào tận phum, sóc của các huyện miền núi, giá chỉ vài chục ngàn/bộ.
Đồ gia dụng được chào hàng khắp các khu dân cư, đáp ứng nhu cầu phục vụ tận nơi, tha hồ lựa và trao đổi giá cả để thuận mua – vừa bán cả đôi bên.
Hễ đi chợ quên mua bó hành, gói tiêu xay, chai nước mắm… hay bất chợt nhà có khách phải sửa soạn thêm phần ăn, thì bước ra cửa đón mấy chiếc xe di động là giải pháp nhanh gọn. Đó là lý do xe đẩy còn cần thiết giữa nhịp sống hiện đại.
Khách hàng của chợ di động cũng đông đủ thành phần, nhất là mấy chiếc xe đầy ắp bánh kẹo, xôi, chè, bún… giữa ban trưa, lúc nào cũng có khách hàng nhí vây quanh.
Những nơi xa xôi, hẻo lánh, thay cho chiếc xe đẩy tay sẽ là xe đạp, xe gắn máy. Hành trình xa hơn, hàng hóa ít hơn, thu nhập cả ngày của họ là thành quả của sự chịu thương chịu khó.
Phía sau những chuyến xe ngược xuôi là sự tần tảo của người bán đã mồ hôi công sức vượt hàng chục cây số. Hình ảnh ấy trở thành một phần đời sống sinh hoạt, văn hóa, cũng là nét đẹp lao động trong cuộc mưu sinh của những người miền Tây.
HOÀI ANH