Hầu như người dân TP. Long Xuyên (tỉnh An Giang) đều quen mặt cụ bà Phan Thị Bảnh ở góc chợ Mỹ Long. Bà theo nghề “mới” 62 năm, từ khi 21 tuổi, đến giờ sắp bước sang tuổi 83.
Nguyên nhân gắn bó lâu dài với nghề, bà lý giải đơn giản lắm: “Bán trầu giúp tôi nuôi 8 đứa con lớn khôn, rồi nuôi theo bầy cháu. Tụi nhỏ theo trầu cau mà lớn”. Bà kể, thấy người già ăn trầu ngon miệng, bà ăn thử. Ai dè, bà say ngật ngừ cả ngày trời. Từ đó, bà chỉ chuyên tâm bán trầu, không dám ăn lần nào nữa!
Bà lấy hàng ở nhiều nơi, nhiều tỉnh, thành phố ở ĐBSCL, để nguồn hàng phong phú, giá cả cạnh tranh. Dịp Tết này, bà gom hàng nhiều hơn hẳn, chuẩn bị cho mùa tiêu thụ lớn nhất năm, khi mọi hoạt động cúng kiếng đều cần trầu cau.
Bà tự hào rằng mình là người đầu tiên kết trầu cau đám cưới theo kiểu cách hiện đại, có thêm đôi câu thơ chúc phúc, gắn hoa, gắn chữ sinh động thế này. Dần dần, nhiều người học hỏi theo, nên bà cũng thay đổi mẫu mã, câu chữ.
Ông Tuấn (57 tuổi) khi làm rể của bà Bảnh một thời gian, cũng bắt đầu bén niềm đam mê với lá trầu miếng cau. Ông khéo tay têm được miếng trầu cánh phượng, trầu lưỡi liềm, con ốc… theo yêu cầu của khách.
Miếng trầu cánh phượng có thêm sắc đỏ của hoa hồng, còn trầu lưỡi liềm thì đơn giản hơn. “Đám cưới cần 8 miếng trầu têm, đám thôi nôi đầy tháng thì cần 12 miếng… Hễ có khách đặt trầu cau cho đám tiệc, tôi đều nhận lời têm, lựa từng lá trầu đẹp, từng cánh hoa tươi để làm thật bắt mắt” – ông Tuấn chia sẻ.
Gần đó, sạp trầu cau của bà Loan (47 tuổi) cũng bán lâu đời. Theo họ nhẩm tính, ngày xưa bán 10, thì giờ chỉ còn 2-3. Người già biết ăn trầu đã khuất bóng gần hết. Những thế hệ sau đâu còn giữ tập tục cũ. Trầu cau chỉ còn dùng trong lễ cúng khai trương, động thổ, đám tiệc, đặc biệt là các ngày Tết.
Những quả cau to tròn, xanh ngắt được cột lại thành chùm, theo số lượng khách yêu cầu (30, 32, 60, 105…), giá cũng dao động từ 150.000 – 300.000 đồng. Chúng được phủ thêm lớp sơn bóng, phục vụ cho mâm cưới tươi vui.
Khách muốn mua cau tự nhiên, người bán vẫn sẵn sàng đáp ứng. “Cau xanh bán không kịp, chừng 4-5 ngày sẽ ngả màu vàng. Nếu vẫn bán không được, chúng tôi phơi khô, làm thuốc, giá 20.000 đồng/gram. Lá trầu chỉ 1.000 đồng/lá. Trầu têm sẵn 10.000 đồng/3 miếng. Ngày thường ế ẩm lắm, chỉ trông mong ngày lễ, Tết thôi” – bà Loan kể.
Những lúc vắng khách, bà tranh thủ làm sẵn mâm cau đám cưới. Nhẩm tính, bà là thế hệ thứ 3 trong gia đình tiếp nối nghề bán trầu cau. Bà ngoại và mẹ đã qua đời, bà cứ thế theo nghề như lẽ tự nhiên. Nhưng có lẽ, nghề dừng lại ở đời của bà, bởi các con có chí hướng riêng, không muốn “lượm bạc cắc” từ miếng trầu, quả cau nữa.
Cuộc trò chuyện giữa tôi và những người bán trầu cứ bị ngắt quãng, khi khách lai rai đến mua ít miếng trầu, vài quả cau. Chỉ cần tục lệ cúng trầu cau theo truyền thống còn được lưu giữ, thì nghề sẽ không mất đi, chắc chắn là vậy. Chỉ có điều, không còn ai thấm thía được vị cay, vị say của trầu cau mà thôi…
GIA KHÁNH