Xung đột Israel - Hamas: Nhà Trắng dùng đặc quyền khẩn cấp

10/12/2023 - 09:24

Lầu Năm Góc ngày 9-12 cho biết chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden sử dụng quyền khẩn cấp để bán gần 14.000 quả đạn xe tăng cho Israel mà không cần quốc hội xét duyệt.

Nhà Trắng đã sử dụng đặc quyền khẩn cấp của Đạo luật kiểm soát xuất khẩu vũ khí để giao ngay một phần đạn dược (14.000 trong số 45.000 quả đạn xe tăng mà Mỹ định bán) cho Israel.

Thương vụ này trị giá 106,5 triệu USD, bao gồm 13.981 quả đạn chống tăng 120 mm, đạn xe tăng Tracer cũng như sự hỗ trợ kỹ thuật, hậu cần từ Mỹ.

Thương vụ này là một phần của cuộc mua bán lớn hơn được hãng Reuters đưa tin lần đầu tiên vào ngày 8-12. Theo đó, chính quyền Tổng thống Biden đang đề nghị quốc hội thông qua hợp đồng bán đạn pháo cho Israel, trị giá hơn 500 triệu USD, để nước này dùng cho xe tăng Merkava đang tham gia chiến dịch tại dải Gaza.

Xe tăng Merkava của Israel hoạt động tại một địa điểm ở dải Gaza. Ảnh: Reuters

Theo tuyên bố của Lầu Năm Góc ngày 9-12, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã trình bày với quốc hội về việc dùng quyền khẩn cấp nói trên. Ông giải thích rằng đạn xe tăng phải được cung cấp ngay cho Israel vì lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ.

Lầu Năm Góc nêu rõ: "Mỹ cam kết đảm bảo an ninh cho Israel và điều quan trọng đối với lợi ích quốc gia của Mỹ là hỗ trợ Israel phát triển và duy trì khả năng phòng vệ mạnh mẽ. Israel sẽ sử dụng năng lực để ngăn chặn các mối đe dọa trong khu vực và tăng cường khả năng phòng thủ".

Tuyên bố của Lầu Năm Góc cũng lưu ý thương vụ này không ảnh hưởng đến năng lực quốc phòng của Mỹ.

Cả Israel lẫn Hamas đều báo cáo giao tranh gia tăng ở phía Bắc. Ảnh: Reuters

Tại dải Gaza, ngày 9-12, Israel đã yêu cầu người dân sơ tán "khẩn cấp" khỏi trung tâm TP Khan Younis ở phía Nam Gaza, trong khi Israel tấn công dọc theo chiều dài khu vực này. Israel cũng đưa ra cảnh báo tương tự trước khi tấn công các khu vực phía Đông thành phố.

Kể từ khi lệnh ngừng bắn sụp đổ vào tuần trước, Israel đã mở rộng cuộc tấn công trên bộ vào nửa phía Nam của dải Gaza bằng cách tiến vào Khan Younis. Theo lời kể của người dân, có nhiều cuộc không kích và pháo kích, kể cả ở TP Rafah phía Nam gần biên giới Ai Cập – khu vực tập trung dân thường sơ tán từ phía Bắc Gaza.

Ở phía Bắc Gaza, theo hãng tin Reuters, cả Israel lẫn Hamas đều thông báo giao tranh gia tăng, tập trung nhiều nhất tại khu vực trại tị nạn lớn nhất Gaza là Jabalia. Lữ đoàn Al-Qassam - cánh quân sự của Hamas - ngày 9-12 cho biết các tay súng đã "giao tranh khốc liệt" với lực lượng Israel ở phía Tây trại tị nạn Jabalia.

Israel cho biết chiến dịch của họ đang đạt được tiến bộ. Cố vấn An ninh quốc gia Israel Tzachi Hanegbi tiết lộ cho đến nay lực lượng Israel đã tiêu diệt ít nhất 7.000 thành viên Hamas.

Theo Cơ quan Y tế Gaza do Hamas điều hành, số người thiệt mạng ở Gaza đã vượt quá 17.700, với hàng ngàn người khác mất tích và được cho là đã chết dưới đống đổ nát. Khoảng 40% số người tử vong là trẻ em dưới 18 tuổi.

Trước tình hình thực phẩm và vật tư y tế khan hiếm, một quan chức cấp cao của Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hiệp Quốc cho biết một hệ thống mới đang được thử nghiệm để đưa viện trợ vào Gaza thông qua cửa khẩu Kerem Shalom với Israel. Tuy nhiên, Israel vẫn chưa đồng ý mở cửa khẩu này.

Theo Người lao động