Trong ảnh chụp năm 2019 là người lao động tại địa điểm vận chuyển than đá ở bang Jharkhand (Ấn Độ). Ảnh: AP
Việc đốt than đá tại Mỹ đang ở giai đoạn phục hồi lớn nhất trong một thập niên. Trong khi đó, Trung Quốc mở lại nhiều mỏ than đã đóng cửa và lên kế hoạch cho những mỏ mới. “Cơn nghiện” than đá toàn cầu từng được cho sẽ sớm tàn lụi nay trở lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Hãng tin Bloomberg (Mỹ) cho biết nhu cầu than đá đã "leo thang mạnh" từ năm 2021 trong bối cảnh thiếu hụt khí đốt tự nhiên và việc sử dụng điện tăng sau các hạn chế vì dịch COVID-19. Nhưng theo Bloomberg, việc Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine đã thay đổi mạnh mẽ thị trường than đá thế giới.
Xung đột Nga-Ukraine tạo hiệu ứng khiến các nhà sản xuất năng lượng chật vật tìm nguồn cung và buộc phải đẩy giá lên mức cao kỷ lục. Mức giá cao sẽ tiếp tục dẫn đến tăng lạm phát. Nhưng ngay cả với thực trạng này, các nhà phân tích đánh giá than đá vẫn là một trong những nhiên liệu rẻ nhất.
Điều này khiến than đá thêm phần quan trọng đối với các nhà cung cấp năng lượng. Trong khi đó, các thợ mỏ gặp khó khăn để tăng sản lượng khai thác than đá. Điều này được cho có thể là bước tiền đề của giai đoạn tiếp theo trong khủng hoảng năng lượng toàn cầu.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), năm 2021, lượng điện năng sản xuất từ than đá trên toàn thế giới đạt mức kỷ lục, tăng 9% so với năm trước đó. Năm 2022, tổng lượng than đá tiêu thụ dành cho sản xuất năng lượng, thép và nhiều mục đích công nghiệp khác, dự kiến tăng gần 2% lên mức kỷ lục hơn 8 tỷ tấn và duy trì ở mốc này cho đến năm 2024.
Diễn biến xoay quanh than đá có liên quan đến khí đốt tự nhiên. Khi thế giới bắt đầu quá trình hồi phục từ dịch COVID-19 vào giữa năm 2021, nhu cầu năng lượng tăng vọt bởi các cửa hàng và nhà máy hoạt động trở lại. Nhưng châu Âu, vốn là nơi dẫn đầu toàn cầu về xu hướng “chia tay” than đá, lại phải đối mặt với tình trạng thiếu điện và khí đốt tự nhiên chưa từng có tiền lệ. Cùng thời điểm, năng lượng tái tạo lại khan hiếm ở châu Âu và nhiều khu vực khác trên thế giới.
Trong tình hình ấy, than đá quay trở lại với vai trò là nguồn thay thế ít tốn kém hơn. Theo báo cáo ngày 1/4 của Ngân hàng Mỹ, than đá trở thành một trong những nguồn nhiên liệu rẻ nhất trên thế giới với giá thành chỉ 15 USD/1 triệu đơn vị nhiệt Anh. Trong khi đó, dầu thô ngốn khoảng 25 USD và khí đốt tự nhiên là 35 USD.
Liên minh châu Âu (EU) ghi nhận mức sử dụng than đá tăng 12% trong năm 2021, lần tăng đầu tiên kể từ 2017. Lượng tiêu thụ than đá cũng tăng 17% tại Mỹ và theo chiều đi lên ở châu Á, châu Phi cùng Mỹ Latinh. Ấn Độ và Trung Quốc cũng là tác nhân dẫn đến tăng nhu cầu than đá toàn cầu.
Châu Âu đang cố gắng tìm cách giảm phụ thuộc vào năng lượng từ Nga. EU theo chiều hướng cấm than đá của Nga. Riêng năm 2021, Nga xuất khẩu 187 triệu tấn than đá đến các nhà máy năng lượng, tương đương 18% thương mại than nhiệt toàn cầu. Vai trò của Nga là không dễ để thay thế.
Động thái của EU xoay quanh quan điểm cho rằng liên minh này có khả năng thanh toán cho các nhà cung cấp than đá khác, điều này có thể đẩy giá trên thị trường toàn cầu khiến các nước đang phát triển đối mặt với nguy cơ thiếu hụt than đá.
Mỏ khai thác than đá gần Decker, Montana (Mỹ). Ảnh: AP
Nhưng trước đó, nguồn cung than đá vốn đã ở tình trạng không ổn định. Một nhà máy năng lượng ở Đức đã phải đóng cửa trong năm 2021 do hết than. Tình trạng thiếu than đá cũng dẫn đến thiếu năng lượng tại Ấn Độ cùng Trung Quốc, hai nước chiếm 2/3 lượng than đá tiêu thụ toàn cầu.
Khi than đá ngày càng được quan tâm thì nguồn cung lại có nguy cơ không theo kịp. Lượng sản xuất than đá toàn cầu vẫn chưa hồi phục được về mức trước đại dịch COVID-19 bắt nguồn từ thiếu lao động, vấn đề vận tải, thời tiết và thiếu đầu tư.
Indonesia đã ngừng xuất khẩu than đá vào đầu năm nay để đảm bảo nguồn cung nội địa. Doanh nghiệp nhà nước Coal India-nhà khai thác than đá lớn nhất thế giới đang hạn chế chuyển than đá cho các nhà sản xuất công nghiệp để ưu tiên các nhà máy năng lượng nhằn giảm rủi ro mất điện đối với hàng triệu gia đình.
Trong trường hợp giá than đá tiếp tục tăng, về dài hạn điều này có thể khuyến khích các quốc gia chuyển sang năng lượng tái tạo.
Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu trong tháng 4 công bố báo cáo cho thấy đến năm 2050, tình trạng đốt than đá cần về mức 0 để đạt mục tiêu toàn cầu hạn chế mức nhiệt tăng chỉ ở 1,5 độ C.
Theo HÀ LINH (Báo Tin Tức)