Ý nghĩa đêm Dạ hội văn học

23/05/2024 - 06:43

 - Dạ hội văn học - chương trình ngoại khóa của ngành Sư phạm Ngữ văn (Trường Đại học An Giang, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) mang nét sáng tạo, hấp dẫn riêng, thu hút đông đảo sinh viên tham gia, tạo thành nét đặc trưng của khoa.

Thầy Trần Tùng Chinh, giảng viên bộ môn Ngữ văn (Khoa Sư phạm, Trường Đại học An Giang) cho biết, từ năm đầu tiên của khóa 1 (năm 2001), Dạ hội văn học có tiền thân là những chương trình ngoại khóa, như: “Ngoại khóa Văn học dân gian”, “Đêm Nguyễn Trãi”... Sau đó, đổi tên thành Dạ hội văn học và duy trì hàng năm như một chương trình truyền thống của ngành Ngữ văn (ngoại trừ những năm dịch bệnh không tổ chức được).

Đêm Dạ hội văn học trở thành niềm mong chờ háo hức của các sinh viên Ngữ văn nói riêng và sinh viên Trường Đại học An Giang nói chung. Chương trình mang lại những tiết mục sân khấu hóa đặc sắc và là sân chơi tài năng dành cho các bạn sinh viên đam mê văn chương, nghệ thuật. Dạ hội văn học hàng năm cũng mang đến những trải nghiệm đầy cảm xúc để sinh viên được thâm nhập vào thế giới văn học đầy màu sắc với những tác giả, tác phẩm vừa quen thuộc, vừa mới lạ cùng những thông điệp nhân văn ý nghĩa.

Những tiết mục ấn tượng trong đêm Dạ hội văn học năm 2024 (nhân vật cung cấp)

Trải qua hơn một tháng ròng rã trên sàn tập sau những giờ học tập vất vả, những tiết mục được trình diễn trong đêm Dạ hội văn học năm 2024 là kết quả từ nỗ lực của sinh viên Ngữ văn, nhằm cống hiến cho sinh viên toàn trường một chương trình nghệ thuật sáng tạo, được đầu tư nghiêm túc. Lê Văn Nhân (sinh viên năm thứ 3, ngành Sư phạm Ngữ văn) tham gia hoạt động Dạ hội văn học được 2 lần, nhưng vẫn không quên được cảm xúc khi hóa thân thành những nhân vật văn học.

“Trong 2 lần tham gia, có sự trùng hợp thú vị là em đều hóa trang thành nhân vật võ tướng. Lần đầu tiên trong vai tướng quân Cao Lỗ (trong truyền thuyết Trọng Thủy, Mỵ Châu). Lần thứ 2 là danh tướng Phạm Ngũ Lão (tiết mục đọc diễn cảm bài thơ Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão kết hợp với võ thuật). Khi được hóa thân thành những nhân vật trong tác phẩm văn học đặc biệt là văn học Việt Nam, cảm xúc của em là lòng tự hào. Tự hào vì có thể góp chút sức nhỏ để truyền bá những giá trị trường tồn của các tác phẩm văn học đến với bạn bè trong và ngoài trường.

Mỗi vai diễn để lại nhiều ấn tượng đáng nhớ. Thông qua việc hóa thân vào nhân vật văn học, em có cơ hội được trải nghiệm, khám phá và tìm hiểu. Từ đó, nắm bắt rõ hơn về những đặc điểm khí chất, hành động của nhân vật trong tác phẩm văn học. Điều này thật hữu ích cho nghề nghiệp của em sau này là giáo viên Ngữ văn” - bạn Lê Văn Nhân chia sẻ.

“Dạ hội văn học là một hoạt động thiết thực và bổ ích đối với mỗi sinh viên Trường Đại học An Giang nói chung và sinh viên ngành Ngữ văn nói riêng. Thông qua mỗi vai diễn, vở diễn trong đêm dạ hội, các bạn tham gia biểu diễn có thể lan tỏa được tình yêu văn học đến với các bạn sinh viên, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị nghệ thuật và tinh thần dân tộc trong từng tác phẩm.

Đây là sân chơi bổ ích và lý tưởng cho sinh viên sau những giờ học tập căng thẳng. Hoạt động giúp sinh viên chuyên ngành Ngữ văn và các sinh viên, giảng viên có điều kiện thưởng thức tác phẩm văn chương bằng nhiều hình thức diễn xướng sân khấu. Qua đó, bồi dưỡng niềm đam mê nghiên cứu, giảng dạy và học tập” - thầy Trần Tùng Chinh chia sẻ thêm.

Cùng dư âm của Dạ hội văn học năm 2024, bạn Lê Văn Nhân bày tỏ: “Không chỉ riêng em mà tất cả sinh viên ngành Ngữ văn đều hy vọng hoạt động Dạ hội văn học sẽ được duy trì và phát huy. Thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước gìn giữ, lưu truyền như một hoạt động truyền thống thường niên của bộ môn Ngữ văn. Với những giá trị đẹp, em tin rằng hoạt động này sẽ được duy trì và phát triển với nhiều sự sáng tạo và đột phá”.

PHƯƠNG LAN