Những dòng suối đẹp như tranh vẽ vùng Bảy Núi

13/09/2019 - 07:21

 - Mùa mưa, cây cối vùng Thất Sơn - Bảy Núi xanh rì. Xen lẫn tiếng chim hót là tiếng suối róc rách. Những dòng suối len lỏi qua khe đá, được ánh sáng mặt trời chiếu vào, tạo thành cảnh sắc lung linh, cứ ngỡ như chốn tiên bồng.

Sắc màu Thiên Cấm Sơn

Thiên Cấm Sơn (núi Cấm) là ngọn núi cao nhất vùng Bảy Núi, là một danh thắng du lịch tâm linh của An Giang, nơi nổi tiếng với tượng Phật Di Lặc (tượng Phật cao nhất trên đỉnh núi ở Châu Á), chùa Phật Lớn, chùa Vạn Linh, hồ Thủy Liêm... Nơi đây còn có những dòng suối chảy quanh năm. Khi cất nhà, cư dân núi Cấm lựa chọn vị trí cặp theo các con suối, chỉ cần đưa một đầu ống nước vào giữa suối, đầu còn lại dẫn vào nhà là có nước sạch sử dụng miễn phí. Người dân còn dẫn nước từ suối để tưới cho nương rẫy, vườn cây trên núi. “Núi Cấm không khí mát mẻ, tiếng suối róc rách như âm nhạc khiến tâm hồn mình sảng khoái” - bà Trần Thị Hoa, sinh sống hơn 20 năm ở vồ Bạch Tượng (xã An Hảo, Tịnh Biên), chia sẻ.

Với những cư dân vồ Bạch Tượng, những dòng suối đã trở nên bình thường nhưng với những ai mới bước chân đến đây lần đầu, sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh sắc thiên nhiên. Vào mùa mưa, những dòng suối chảy mạnh, tuôn nước xối xả. Ở những vị trí có độ cao chênh lệch, thác nước tung bọt trắng xóa, cộng với ánh nắng mặt trời chiếu vào, tạo thành cảnh sắc lung linh, mờ ảo. Ở những vị trí được đá ngăn lại tạo thành những hồ nước tĩnh lặng, du khách có thể ngâm mình trong nước hoặc chỉ đơn giản là ngồi trên các mõm đá, đưa đôi chân trần xuống nước để cảm nhận sự mát lạnh của dòng suối thiên nhiên. Khi đăng những tấm hình “check in” dòng suối ở vồ Bạch Tượng, chắc chắn bạn sẽ bị “ganh tị” bởi muốn đến được nơi đây, phải đi bộ băng rừng cả giờ đồng hồ nên không có nhiều người tìm đến.

Ở núi Cấm, dòng suối được khá đông du khách biết đến là suối Thanh Long. Trước đây, khi chưa có tuyến đường nhựa và hệ thống cáp treo lên núi Cấm thì tuyến đường bộ dọc theo suối Thanh Long được sử dụng phổ biến nhất để khám phá núi thiêng. Từ lối đi bộ nhìn xuống, suối Thanh Long thoắt ẩn, thoắt hiện dưới những lùm cây, tảng đá. Ở một vài đoạn, do độ cao chênh lệch và những tảng đá chất chồng lên nhau tạo thành những con thác nhỏ và hồ nước tự nhiên nằm giữa suối. “Khám phá núi Cấm bằng lối đi bộ, mang theo vài bộ đồ tắm suối, thưởng thức bánh xèo rau rừng, mua một ít đặc sản như: bơ, sầu riêng, dâu… mang về là một trải nghiệm thú vị khó quên. Khi khoe những bức hình chụp nơi đây, nhiều người không biết cứ ngỡ là vùng Tây Nguyên” - bạn Trần Nhã Đoan, quận 7 (TP. Hồ Chí Minh), bộc bạch.

Tuyệt đẹp núi Dài, núi Tô

So với núi Cấm, núi Dài tuy thấp hơn nhưng lại là ngọn núi dài nhất trong dãy Thất Sơn. Do vậy, những dòng suối tự nhiên nơi đây cũng nhiều hơn, trải dài từ cánh Tà Lọt (xã Lê Trì) vòng qua thị trấn Ba Chúc, xã Lương Phi, Châu Lăng của huyện Tri Tôn. Gần đây, một địa điểm được nhiều bạn trẻ tìm đến khám phá là Ô Đá ở thị trấn Ba Chúc (còn gọi là suối Đá bởi “ô” có nghĩa là suối). Từ ngọn núi Dài, khi nước len theo các khe đá tuôn xuống Ô Đá, tạo thành những thác nước đẹp kỳ vĩ. Chỉ cần giơ điện thoại lên và bấm, du khách dễ dàng có những tấm hình đẹp như tranh vẽ. “Vào mùa mưa, từ khoảng tháng 6 đến tháng 11, các con suối sẽ có nhiều nước, rất thích hợp để tắm suối và picnic (dã ngoại). Bạn cần mang theo thức ăn, lều trại bởi nơi đây không có sẵn. Xin lưu ý một điều, ăn uống, sinh hoạt xong nhớ tự thu dọn rác, đừng quăng xuống suối làm ô nhiễm nguồn nước trong lành nơi đây. Suối Ô Đá cung cấp nguồn nước chính để người dân trên núi Dài ở khu vực này nấu ăn, làm nước uống, tắm giặt, tưới vườn cây ăn trái… nên cần chung tay bảo vệ nguồn nước sạch cho bà con” - bạn Hân Nguyễn, thành viên trang “Lang thang An Giang Team”, thông tin.

Đối với dân “phượt thủ” và những nhiếp ảnh gia, Ô Đá là địa điểm không thể bỏ qua bởi cảnh sắc tuyệt vời, nhất là thời điểm bình minh và hoàng hôn, khi ánh sáng vàng vọt của mặt trời xen qua kẽ lá chiếu vào những dòng suối, khung cảnh càng huyền ảo, lung linh.

Nếu như đường lên Ô Đá hơi khó đi thì có dòng suối cũng đẹp không kém mà giao thông thuận tiện hơn là suối Vàng, chảy từ ngọn núi Tô đổ xuống hồ Soài So nổi tiếng (thuộc xã Núi Tô, Tri Tôn). Nằm gần trung tâm huyện Tri Tôn, hồ nước rộng 5ha với dung tích 400.000m3 này trở thành địa điểm thu hút rất đông du khách. Từ hồ Soài So, du khách có thể đi "xe ôm" hoặc tự đi bộ lên núi Tô, len qua những vườn xoài, vườn cây cổ thụ khám phá những địa điểm độc đáo như: Mũi Tàu, Mũi Hải, vồ Hội lớn, vồ Hội nhỏ, suối Cây Giông, pháo đài, Bàn Chân Tiên, chụp hình với chữ “TRI TÔN” cao 7m, quan sát toàn cảnh vùng Bảy Núi... Suối Vàng khi đổ xuống hồ Soài So tạo thành những thác nước nhỏ rất đẹp, cảnh sắc thơ mộng níu chân du khách.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN