Phòng ngừa lao động trẻ em - Kỳ 2: Hiệu quả dự án ENHANCE

28/08/2019 - 09:58

 - An Giang là một trong 3 địa phương (cùng với TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh) được chọn thực hiện dự án ENHANCE (tăng cường năng lực quốc gia phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em tại Việt Nam). Mục tiêu dự án sẽ hỗ trợ hơn 2.000 trẻ em An Giang thuộc các nhóm đối tượng hưởng lợi và hơn 1.000 hộ gia đình của trẻ sẽ được nhận hỗ trợ để phát triển kinh tế và cải thiện thu nhập thông qua phát triển chuỗi giá trị và các hỗ trợ sinh kế.

Phòng ngừa lao động trẻ em - Kỳ 2: Hiệu quả dự án ENHANCE

Lắng nghe tâm tư, nguyện vọng để chăm lo cho trẻ tốt hơn.

Phòng ngừa lao động trẻ em - Kỳ 2: Hiệu quả dự án ENHANCE

Tổ chức sân chơi cho trẻ em có nguy cơ lao động sớm.

Năm 2016, UBND tỉnh An Giang chấp nhận chủ trương triển khai các hoạt động dự án “Tăng cường năng lực quốc gia phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em tại Việt Nam” (gọi tắt là dự án ENHANCE) tại An Giang. Ban Quản lý dự án gồm: Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các ban ngành liên quan trong tỉnh, như: Sở Giáo dục - Đào tạo, Phòng Giáo dục - Đào tạo và các Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội của 4 huyện dự án, UBND 9 xã thực hiện dự án: xã Mỹ Phú, Khánh Hòa (huyện Châu Phú); phường Châu Phú A, phường Núi Sam (TP. Châu Đốc); xã Nhơn Hội, Phú Hữu (huyện An Phú); xã Mỹ An, An Thạnh Trung, Tấn Mỹ (huyện Chợ Mới). Hội Nông dân, Liên minh hợp tác xã tỉnh, Hiệp hội Thủy sản, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh… đã tiến hành ký kết các thỏa thuận, lập kế hoạch hoạt động dự án và thực hiện các hoạt động theo kế hoạch đã phê duyệt. Các lĩnh vực nông nghiệp và thuỷ sản đã được xác định trước là các ngành ưu tiên để thực hiện các can thiệp trực tiếp. Mục tiêu của dự án sẽ hỗ trợ hơn 2.000 trẻ em An Giang thuộc các nhóm đích đối tượng hưởng lợi và hơn 1.000 hộ gia đình của trẻ trong dự án sẽ được nhận hỗ trợ để phát triển kinh tế và cải thiện thu nhập thông qua phát triển chuỗi giá trị và các hỗ trợ sinh kế.   

An Giang là tỉnh có thế mạnh nông nghiệp, tỷ lệ lao động nông nghiệp chiếm 55 - 60% trong cơ cấu lao động. Đặc thù trong sản xuất nông nghiệp là hàng năm còn có 2 - 3 tháng nông nhàn, một bộ phận trẻ em ngoài thời gian đến trường sẽ phụ giúp cha mẹ làm việc đồng áng. Ngoài ra, còn có nhiều trẻ em theo gia đình đi làm công nhân ở các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và có nhiều em phải bỏ học, tham gia lao động sớm. Sự hỗ trợ kỹ thuật của các chuyên gia từ ILO và các cơ quan tổ chức ở Trung ương giúp nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tỉnh, huyện, xã, qua đó tạo điều kiện hỗ trợ trong công tác bảo vệ trẻ em, nhất là đối với trẻ em lao động sớm tại các địa phương.

Đặc biệt, dự án này còn góp phần tích cực vào việc thực hiện kế hoạch hành động của tỉnh An Giang về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em trong giai đoạn 2016-2020 do UBND tỉnh ban hành ngày 23-9-2016 và góp phần thực hiện Chương trình hành động quốc gia về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em theo Quyết định 1023/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đến nay, An Giang đã có hồ sơ của 2.398 trẻ trên hệ thống DBMR (theo dõi và báo cáo đối tượng hưởng lợi trực tiếp), vượt kế hoạch so với số lượng phân bổ ban đầu là 2.000 trẻ. Số trẻ này được duyệt theo các tiêu chí và đủ điều kiện nhận các hỗ trợ từ dự án, cụ thể: huyện An Phú (490 trẻ), huyện Châu Phú (566 trẻ), TP. Châu Đốc (365 trẻ), huyện Chợ Mới (979 trẻ). Đồng thời, đang tiến hành rà soát lại thông tin trẻ thuộc địa bàn 9 xã dự án theo hệ thống DBMR (do một số trẻ rời khỏi địa phương theo cha mẹ đi làm ăn xa).

Hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội còn phối hợp các ban, ngành liên quan hỗ trợ trực tiếp cho trẻ em về học nghề, tư vấn việc làm; hỗ trợ giáo dục, hỗ trợ sinh kế cho các hộ gia đình. Trong đó, hoạt động nổi bật là phương pháp Scream (trại hè với chuỗi hoạt động truyền thông và huấn luyện kỹ năng) tại 9 xã dự án, góp phần nâng cao nhận thức tại cộng đồng.

Tổ chức lớp tập huấn về sử dụng hệ thống giám sát và báo cáo đối tượng hưởng lợi trực tiếp (DBMR) cho đội ngũ cán bộ các cấp (tỉnh, huyện, xã) thuộc dự án ENHANCE cho cán bộ là cộng tác viên khóm ấp, cán bộ làm công tác trẻ em cấp huyện và cán bộ phụ trách trẻ em tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Qua tập huấn, các cộng tác viên được phổ biến về phương thức lập phiếu giám sát số lượng trẻ thuộc nhóm đối tượng đích của dự án trên địa bàn từng xã. Cụ thể việc lập phiếu giám sát sẽ được thực hiện 3 tháng/lần/trẻ. Phiếu giám sát trẻ sẽ được cung cấp bởi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đến các cộng tác viên để tổng hợp lại quá trình hỗ trợ từ dự án cũng như những thay đổi sau khi trẻ được nhận hỗ trợ. Các phiếu giám sát này sẽ được chuyển giao đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tiến hành nhập vào hệ thống giám sát DBMR. 

Phối hợp Phòng Giáo dục & Đào tạo và Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội của 4 huyện dự án tiến hành trao các hỗ trợ giáo dục từ dự án ENHANCE cho trẻ em đang đi học thuộc nhóm đích tại 4 huyện dự án. Cụ thể, đã hỗ trợ 968 trẻ về nhu cầu giáo dục (sách giáo khoa, balo, tập vở, giày dép), gồm: huyện Chợ Mới (589 em), huyện Châu Phú (44 em), huyện An Phú (219 em), TP. Châu Đốc (116 em).

Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu khoa học xã hội và Nhân văn (Trường ĐH An Giang) tham gia khảo sát nhu cầu học nghề của trẻ tại địa bàn 9 xã dự án. Kết quả, đã khảo sát được 122 trẻ (trong đó An Phú 14 trẻ, Châu Đốc 23 trẻ, Châu Phú 69 trẻ và Chợ Mới 16 trẻ) thuộc đối tượng từ 14 - 17 tuổi có nhu cầu học nghề trên tổng số 326 trẻ có nhu cầu học nghề trong hệ thống DBMR. Số lượng trẻ được khảo sát theo danh sách là 104 trẻ và 18 trẻ ở ngoài danh sách dự án (đề xuất thay thế số lượng trẻ đã bỏ đi khỏi địa phương và không có nhu cầu học nghề sau khảo sát).

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Phan Văn Tuấn, đánh giá: Hoạt động dự án ENHANCE được triển khai trong thời gian qua đã giúp An Giang thực hiện hiệu quả kế hoạch hành động của tỉnh về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em. Đặc biệt, đã tập trung mạnh mẽ vào các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng và các ban, ngành, đoàn thể về công tác bảo vệ và hỗ trợ trẻ em... Với nhiều giải pháp do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) triển khai đem lại kết quả rất hữu hiệu, góp phần giảm thiểu tình trạng trẻ em lao động sớm, không để trẻ em bỏ học giữa chừng do lao động sớm. Tỉnh mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ dự án để góp phần thực hiện hiệu quả công tác phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em.

Cùng với đó, tỉnh An Giang tiếp tục thực hiện các giải pháp, đặc biệt tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm toàn xã hội đối với công tác bảo vệ trẻ em, phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em; kiểm soát tình hình tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt là tai nạn đuối nước… Tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh để mọi trẻ em đều được bảo vệ, giảm nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Chú trọng bảo vệ trẻ em để không bị xâm hại; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, hòa nhập cộng đồng và có cơ hội phát triển. Đồng thời, tạo môi trường thuận lợi và nâng cao năng lực cho trẻ em trong việc thực hiện quyền tham gia vào các vấn đề liên quan đến trẻ em theo quy định của pháp luật và Công ước của Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em. 

Bài, ảnh: HỮU HUYNH