“Ăn cơm nhà, vá đường thiên hạ” - Kỳ 1: “Cô gái sửa đường”

01/07/2021 - 08:54

 - Lời tòa soạn: Đó là lời gièm pha của một số người khi thấy các đội vá đường từ thiện hoạt động ở An Giang. Dần dần, thời gian làm phôi phai mọi tiếng bấc, tiếng chì ấy. Giờ đây, các thành viên trêu đùa nhau, sử dụng câu nói này theo nghĩa rất tích cực. Họ sẵn lòng nhận hết khổ cực về mình, chẳng cầu mong hồi đáp, chỉ một lòng dặm vá đường quê.

Đến chân cầu Lò Gạch (ấp Giồng Cát, xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang), tôi hỏi thăm nhà của “Cô gái sửa đường” ở đâu, người dân rổn rảng chỉ tận nơi. Dường như mọi người quên mất tên thật của chị, chỉ gọi chị bằng biệt danh đáng yêu như thế. Nhưng cũng có người nhăn mặt, bật ra câu hỏi: “Kiếm con nhỏ khùng ngày nào cũng đi vá đường hả?”.

Người ta lý giải cái “khùng” của chị bằng hàng loạt minh chứng: hơn 40 tuổi sống mình ên, đem mấy con chó bị bỏ rơi về chăm sóc; nhà nghèo, làm được bao nhiêu đều gom góp mua vật liệu xây dựng đi vá đường; phụ nữ mà trưa nắng chang chang ngồi ở giữa đường lộ trộn xi- măng, đắp đắp vá vá…

Họ không hiểu được: vì sao chị lại “mang cái cực vào thân” như thế? Muốn làm từ thiện, thiếu gì cách nhẹ nhàng hơn, phù hợp khả năng hơn để làm! Tôi mang những thắc mắc ấy hỏi chị. Suốt nhiều giờ đồng hồ lẽo đẽo theo chị, tôi mới hoàn chỉnh chắp nối câu chuyện, vì chị luôn tay luôn chân vá đường cho kịp mưa, nắng.

Chị bảo, lời mắng “con nhỏ khùng điên” chị nghe nhiều lắm rồi, đến mức không còn tổn thương nữa. Điên khùng hay tỉnh táo trong mắt người khác chẳng quan trọng bằng việc, chị cảm thấy mình nặng nợ với những con đường.

… Chuyện bắt đầu từ một ngày cách đây 7-8 năm về trước, chị tận mắt chứng kiến một cô gái trẻ chạy xe máy, về gần đến nhà thì lạc tay lái vào "ổ gà", tử vong. Đêm ấy, cái chết thương tâm của cô gái ám ảnh khiến chị trằn trọc mãi. Nhiều lần khác, chị thấy người này, người kia thương tích cũng vì "ổ gà". Trời nắng, ban ngày còn đỡ. Chứ khi trời tối, trời mưa, các chỗ lồi lõm trên mặt đường bị che khuất, tai nạn giao thông xảy ra liên miên. Tình trạng ấy thôi thúc chị hành động bằng tất cả hiểu biết, sức lực của một phụ nữ gầy gò, nghèo khó.

Lần đầu tiên vá đường, chị ì ạch vác từng bao xi- măng, từng mớ đá đổ xuống cạnh "ổ gà". Rồi chị lóng ngóng trộn chúng lại với nhau. Kết quả thu lại là một mớ nhão nhoẹt, đổ xuống "ổ gà" chỉ tạm bợ vài hôm đã tróc mất. Không nản lòng, chị lẳng lặng quan sát thợ hồ, dần dần rút kinh nghiệm cho mình. "Ổ gà" được vá đẹp hơn, chắc chắn hơn, hạn chế tình trạng lồi lõm so với mặt đường hiện trạng.

Nhưng chị biết, đó chỉ là cách tạm thời. Muốn chỗ vá được bền, đúng chuẩn, phải sử dụng nhựa đường. Chạy ra chỗ bán, nghe xong giá (4,2 triệu đồng/thùng/190kg), chị lủi thủi chạy về, buồn đến mức ngủ không được. Trong đầu chị toàn là suy nghĩ: “Làm gì để có tiền mua nhựa? Ai giúp mình bây giờ?”. Chẳng ai sẵn lòng giúp chị vào thời điểm ấy, vì họ chưa tin tưởng chị. Vậy thì chị tự giúp mình.

“Ai thuê gì làm đó”, được bao nhiêu tiền, chị bỏ "ống heo". Muốn mua một món đồ, chị phân vân tới lui, rồi chặc lưỡi không mua nữa, để dành tiền. Gom góp được 8,4 triệu đồng, mua được 2 thùng nhựa, chị mừng còn hơn trúng số! Người này, người kia hướng dẫn, chị biết cách vá đường thuần thục hơn, hiệu quả hơn.

Nhưng 2 thùng nhựa thoáng chốc hết sạch, mà đường hư cần phải vá còn nhiều lắm. Chị làm liều, hốt hụi sớm, chấp nhận lỗ mười mấy triệu, gom tiền mua 4 thùng nhựa. Chị làm thêm nhiều việc: cấy lúa, chặt thuốc nam, nấu tàu hủ…, tiền công đều được chị nhẩm tính thành thùng nhựa. Thấy hoàn cảnh chị, một số người tin tưởng, gửi cho chị vài thùng.

Chỉ sau 1 năm, 25 thùng nhựa (phần lớn do chị tự mua) được chị chắt chiu tưới trên các ngả đường. Thậm chí, chị còn bỏ ra 4,9 triệu đồng mua chiếc máy đầm bê- tông để “chuyên nghiệp hóa”. Mấy bà hàng xóm can ngăn: “Đừng mua nữa, tui sợ bà bể nợ!”. Chị cười trừ, vẫn tiếp tục việc mình làm, theo kiểu “buổi nay lo buổi mai”. Không phải buổi ăn, mà là buổi vá đường.

Tùy theo thời tiết, đặc thù của đoạn đường hư mà chị có cách vá khác nhau. Mấy "ổ gà" lớn, đường hư nhiều từng mảng, phải sử dụng nhựa nấu mới “ăn thua”. Mỗi tấn nhựa có giá 1,5 triệu đồng, rẻ hơn nhưng cực công hơn rất nhiều. Trừ những ngày đi làm thuê,  thời gian còn lại, chị thức từ 3 giờ sáng, hì hục nấu nhựa thêm mấy tiếng đồng hồ nữa, xong xuôi khệ nệ bưng từng thùng nhỏ ra chỗ vá. Nhựa nấu xong rồi, phải ráng làm cho hết, có khi 9-10 giờ khuya chị mới trở về nhà. Ngày này qua ngày khác, hơi nóng hầm hập của nhựa làm da mặt chị nám sạm. Nhưng làm riết cũng quen, chị không chú ý đến các vết nám ấy nữa.

Lúc đầu, chị chưa quen những lời xì xào của người lạ cứ văng vẳng bên tai: “Đường của nhà nước, rảnh quá đi làm”, “tối ngày ăn cơm nhà, làm chuyện tào lao”. Cực đoan hơn, họ xua đuổi, không cho chị vá "ổ gà" trước nhà mình. Chị tính, đi vá 10 đoạn đường thì hết 8 đoạn chị nghe nằng nặng trong lòng. Thậm chí, có người ác miệng đến mức, thấy nhiều người đàn ông phụ giúp chị vá đường, họ đay nghiến: “Kiếm cớ ra đường để đi với đàn ông chứ gì!”.

Làm một mình, nhưng ai hỏi, chị nói dối “tổ 4-5 người lận, mấy người kia hôm nay bận việc”, để tránh gièm pha, nghi ngại. Chị không cho biết tuổi thật, mà tự cộng thêm vài tuổi, để trông có vẻ già đi. Tích cóp tiền mua được chiếc xe đẩy chất vật liệu xây dựng đi vá đường, chưa được bao lâu thì trộm… đẩy đi mất.

Làm việc nặng, ăn uống qua quýt, dãi nắng dầm mưa, gặp đủ bất trắc, mà ít người thấu hiểu, chị mệt mỏi vô cùng. Nhưng nhớ lại nguyên nhân mình bắt đầu công việc này, chị tập quen và bỏ qua lời dị nghị. Xong từng "ổ gà", nhìn con đường bằng phẳng, xe chạy bon bon, bao nhiêu vướng mắc bỗng dưng nhẹ tênh, hóa thành nụ cười sáng rỡ trên gương mặt khắc khổ của chị.

Một cánh én không làm nên mùa xuân. Nhưng cánh én nhỏ bé của “cô gái sửa đường” lại làm nên những lan tỏa tốt đẹp. Trời chẳng phụ lòng, người dân các xã lân cận đều biết mặt, biết biệt danh chị, yêu mến chị. Thấy chị vá đường, người qua lại cất tiếng chào hỏi. Có người xắn áo lên phụ chị một tay. Có người dúi vào tay chị mấy chục ngàn đồng, góp chút tiền vào “hành trình vá đường”.

Có công ty kinh doanh sẵn lòng cho một số lượng lớn vật liệu xây dựng. Có người mua tặng mấy thùng nhựa đường. Người khác lại “nửa bán, nửa cho”, lấy giá vật tư thấp nhất, ủng hộ chị. Chủ nhà đem nước uống ra mời, thay lời cảm ơn vì chị vá "ổ gà" trước nhà họ… Bao nhiêu tiền, bao nhiêu sức sẻ chia, chị cũng quý trọng, cũng bật khóc cảm động. Mọi chuyện dần thay đổi, 10 con đường thì đã có 8 con đường đầy ắp nụ cười chào đón chị!

Nhiều người sẵn sàng chung tay cùng chị dặm vá đường, bất kể tuổi tác, như chú Trần Văn Nghiệp (68 tuổi, ngụ ấp Giồng Cát). Trời mưa, đang bệnh trong người, nhưng chú vẫn xông xáo trộn hồ, rải cát đá. Chú tâm sự: “Tôi từng làm ở Hội Chữ thập đỏ xã, thấy cổ (cô ấy – PV) có cái tâm lớn lao như thế, đáng quý lắm. Phụ nữ một thân một mình đi vá đường, tâm huyết với công việc xã hội như vậy, chưa chắc đàn ông làm giỏi bằng!”.

Hai năm nay, thêm một phụ nữ đồng hành cho có chị có em. “Thường xuyên thấy chị vá đường một mình, không biết chị tên gì, ở đâu, nhưng tôi đoán chắc chị là “Cô gái sửa đường”. Mấy lần chạy qua chạy lại, tôi định trò chuyện với chị, mà cứ ngại. Một hôm, tôi mạnh dạn xuống xe, bước lại gần, hỏi: “Chị cho em làm chung với nghe!”. Chị gật đầu cái rụp. Kể từ đó, đi đâu chị cũng rủ tôi theo. Mỗi người một chiếc xe máy, chị chạy đi mua xi- măng thì tôi đi chở cát, đá. Đủ vật liệu sẽ xúm nhau trộn hồ, rải đá, tưới nhựa. Vẫn còn người mỉa mai “Bữa nay có thêm một đứa điên”. Nghe vậy, tôi và chị nhìn nhau cười thay cho lời an ủi. Họ đâu hiểu được niềm vui khi tận mắt nhìn thấy sự thay đổi của con đường, nhìn thấy bà con yên tâm đi lại, không vất vả né "ổ gà" nữa” – chị Phạm Thị Chi (28 tuổi, ngụ cùng xã, bày tỏ).

Căn nhà của “Cô gái sửa đường” chẳng có vật dụng gì đáng giá, ngoài mớ đồ cũ chị thu gom cho người khó khăn, ngoài 4 chú chó bị bỏ rơi ven đường mà chị đem về chăm sóc như người thân, cùng các giấy khen của địa phương được chị đặt trang trọng trên bàn. Nhưng chị tự hào khoe với tôi rằng chị giàu lắm! Của nả, tiền bạc làm được bao nhiêu, chị đã rải đều trên những con đường quê. Đó là hàng trăm tấn nhựa, vật liệu xây dựng, cả ngàn ngày công chị tận tâm, gắn bó với các ngả đường trong gần 1 thập kỷ.

Chị có 2 mong ước, đều dành cho bản thân. Mong ước lớn nhất, chị muốn được trời thương, ban cho sức khỏe, để ngày ngày đi “trả nợ” cho quê mình. Mong ước còn lại là được… trúng số, có thật nhiều tiền để chị thỏa lòng làm từ thiện. “Cô gái sửa đường” ấy tên thật là Nguyễn Thị Minh (43 tuổi, ngụ ấp Giồng Cát, xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang).

 (còn tiếp)

GIA KHÁNH - Thiết kế: TRUNG HIẾU