“Nhà nước lo việc lớn, dặm vá để bà con chúng tôi!”
Thường xuyên làm từ thiện bằng nhiều hình thức (cất nhà Tình thương, chăm lo cho người nghèo…), năm 2018, Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo (PGHH) xã Định Thành (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) thành lập thêm đội vá đường. “Chúng tôi thấy trong tỉnh đã có các đội vá đường, làm rất hiệu quả. Trong khi đó, Thoại Sơn đang hướng đến xây dựng “huyện đạt chuẩn nông thôn mới”, tiêu chí về giao thông cần quan tâm. Người lưu thông ngày càng đông, một số con đường chưa được mở rộng, có dấu hiệu xuống cấp, mà kinh phí sửa chữa của địa phương đang eo hẹp. Giáo lý PGHH răn dạy “tứ đại trọng ân”, gồm: ân tổ tiên cha mẹ, ân đất nước, ân tam bảo, ân đồng bào và nhân loại. Để báo ân cho đất nước, cho đồng bào, nhà nước lo việc lớn, dặm vá để bà con chúng tôi lo!” – ông Lê Văn Thân (65 tuổi, Phó Trưởng ban Trị sự PGHH xã Định Thành) bày tỏ.
Ngoài 10 cá nhân cốt cán, đội vá đường xã Định Thành còn thu hút nhiều người dân tham gia, tùy theo thời điểm. Trẻ thì có nhóm thanh niên trên dưới 30 tuổi, còn lớn tuổi nhất là cụ già 77 tuổi Nguyễn Hữu Tặng (thành viên Ban Trị sự PGHH xã Định Thành). “Phước đức không thấy mà còn/ Tài vật thấy đó mà mòn như cưa”. Cha mẹ đặt tên “Tặng”, nên tôi muốn sống đúng với ý nghĩa ấy – tặng cho đời. Sau nhiều năm mưu sinh, tôi bàn giao toàn bộ việc đồng áng, kinh tế để con cái gánh vác, còn tôi tham gia từ thiện theo sức của mình. Già rồi, sức khỏe yếu dần, nhưng bữa nào đi vá đường, hoạt động xã hội, tự nhiên thấy khỏe re! Ở nhà nằm dàu dàu, buồn bực lắm. Mỗi mùa lúa, tụi nhỏ gửi tôi 10 triệu đồng “phí sinh hoạt”. Vừa cầm tiền, tôi đi mua ngay 5 thùng nhựa đường, góp vào cho đội. Mùa lúa năm nay sắp tới, lại có thêm nhựa cho bà con nữa rồi…” – ông Tặng hóm hỉnh.
Người có điều kiện chút đỉnh, tham gia đội vá đường âu cũng là chuyện dễ thấy. Còn ông Phan Văn Béo (65 tuổi) mưu sinh bằng nghề làm thuê, làm mướn, nhiều hôm chẳng kiếm được đồng nào. Vậy mà hễ đội vá đường đi “làm nhiệm vụ”, ông cũng hồ hởi xách chiếc xe ba gác chạy theo, phụ kéo máy trộn hồ. Ông Béo chia sẻ: “Tôi quan niệm, làm công tác xã hội thì không phân biệt sang hèn, hễ có tâm trong sáng là được. Tôi nghèo, không giúp được vật chất, thì đóng góp bằng sức lao động của mình. Bữa cơm thiếu thốn một chút, bù lại tinh thần mình vui vẻ vì làm được chuyện có ích cho quê hương”.
Điều thú vị là, thành viên chiếm đa số trong các đội vá đường thường nằm ở lứa tuổi trung niên, lão niên. Đối với họ, tuổi tác chỉ là những con số, còn nhiệt huyết trong lòng thì họ vẫn đang “tráng niên”. Ông Lê Văn Ngực (81 tuổi, thành viên đội vá đường xã Tân Tuyến, huyện Tri Tôn) bứt rứt khi nghe lời khuyên “lớn tuổi ở nhà dưỡng già đi”. Ông Ngực phản bác: “Chọn ở nhà thì khỏe rồi, ai không biết điều đó. Nhưng đám thanh niên lo học hành, lo đi làm nuôi gia đình, đâu dư thời gian như mấy ông già chúng tôi! Mình tị nạnh tụi nhỏ làm gì, thay vào đó, dùng quỹ thời gian rỗi rãi, toàn tâm toàn ý làm việc xã hội theo sức khỏe cá nhân. Tôi không trộn hồ được, không vác nặng được, thì tôi bươi cát, đá cho bằng phẳng, chà láng chỗ "ổ gà" vừa vá… Mỗi người góp một chút sức, thế nào cũng xong!”.
Trăm hoa đua nở
Vượt qua trở ngại về tuổi tác, nhiều thành viên của các “đội quân vá đường” còn phải sắp xếp thời gian ít ỏi giữa đi làm công việc chính và việc vá đường. Ngoài ngày trực, y sĩ Tạ Ngọc Cường (57 tuổi, công tác tại Trung tâm Y tế huyện Chợ Mới) xông xáo điều hành hoạt động đội vá đường từ thiện của huyện. Chính công việc hiện tại là chất xúc tác khiến ông quyết định duy trì hoạt động ý nghĩa này. “Tôi làm việc ở khoa ngoại, gặp rất nhiều trường hợp bị chấn thương do đường giao thông xuống cấp. Nhẹ thì trầy xước, gãy tay chân, nặng thì để lại di chứng mãi mãi, thậm chí tử vong. Bản thân tôi, mỗi lần chạy xe trên đường, nhìn thấy ổ gà, trong lòng khó chịu vô cùng. Nguy cơ tai nạn rình rập người dân mình hàng ngày như thế, bỏ mặc sao đành!” – ông Cường tâm sự.
Ấp ủ ý tưởng, đến năm 2016, đội vá đường từ thiện huyện Chợ Mới chính thức xuất hiện. Ông Cường cũng không ngờ rằng, đội được nhiều người dân ủng hộ tích cực đến mức, có đợt “ra quân” gần 70-80 người tham gia! Họ thuộc đủ thành phần, nghề nghiệp: giáo viên, nông dân, cán bộ, trưởng ấp… “Đội quân” ấy kiêm nhiệm đủ nghề: vá đường, cất nhà Tình thương, xây dựng cầu, đường…, mà việc nào thù lao cũng bằng 0. Người cho mượn đất để tập kết phương tiện; người nhường miếng sân trống để vật liệu, dụng cụ vá đường. Đi làm tới đâu, bà con chỗ đó ra tiếp rần rần.
Ngay cả vợ ông, bà Tống Thị Thu Thủy (58 tuổi) cũng hào hứng góp một tay. “Trước giờ tôi chỉ ở nhà làm nội trợ. Từ lúc ổng (ông ấy – PV) quyết tâm đi vá đường, tôi không những không ngăn cản, mà còn ủng hộ ổng nhiệt tình. Chuyện này là chuyện mang lại lợi ích cho xã hội, đâu có gì phải băn khoăn. Ổng đi làm, tôi cũng theo xúc cát, rải đá, cái nào phù hợp sức khỏe thì giúp. Nếu không, tôi ở nhà đi chợ, nấu cơm đem ra cho cả đội cùng ăn. Thấy có tôi, nhiều chị em phụ nữ khác đăng ký thêm. Đến giờ, trong đội có mười mấy chị em” – bà Thủy cho biết.
Những ngày âm thầm lặng lẽ vá đường của các tập thể, cá nhân dần trở thành quá khứ. Thời gian chứng minh rõ tâm huyết và hiệu quả công việc họ mang lại. Ngày nào cũng có người gọi điện thoại vào “đường dây nóng”, gửi hình ảnh qua Zalo, Facebook nhờ hỗ trợ vá đoạn này, sửa đoạn kia. Hoặc có khi đang đi trên đường, phát hiện ổ gà mới, các thành viên tự thông tin với nhau, “đánh dấu” vị trí ấy trong danh mục “công tác” sắp tới.
Đa số các đội vá đường trong tỉnh bỏ tiền ra mua xe tải để chở vật liệu xây dựng, leng, cuốc, nhựa đường… Trước mỗi chuyến “ra quân”, họ phân công người đi “tiền trạm”, xem xét mức độ xuống cấp của đoạn đường, kích thước ổ gà, tính toán chi phí cần bỏ ra. Rồi còn phải “trông trời, trông đất, trông mây”, xem tình hình thời tiết để chọn cách thức, thời gian vá đường phù hợp.
Sau đó, họ bàn tính chuyện quan trọng nhất: kinh phí. Đã xác định ngay từ đầu, vá đường bằng hình thức từ thiện, nên mọi chi tiêu đều xã hội hóa, bà con đóng góp được bao nhiêu thì hay bấy nhiêu. “Nhiều khi bà con gửi tiền đóng góp mà chúng tôi không nỡ nhận. Có người đi bán vé số được 200.000 đồng, đưa chúng tôi 100.000 đồng. Có người vét hết còn được ba mươi mấy ngàn, nhất quyết góp 30.000 đồng cho đội “mua nước uống”, chỉ chừa lại mấy ngàn trong túi. Có người cho bánh trái để “ăn lấy thảo”. Thương cảnh khổ của bà con, chúng tôi ghi nhận tấm lòng của họ. Nếu kinh phí còn thiếu thì các thành viên trong đội chia nhau góp vào, không sao cả. So với nhiều nơi, đội của chúng tôi tương đối nghèo hơn, mọi thứ phải cân nhắc thật kỹ. Thấy mọi người vá đường bằng nhựa, chúng tôi ham lắm, ngặt nỗi tốn cả chục triệu đồng cho chưa tới 500m đường. Trong khi đó, với số tiền này, chúng tôi có thể dặm vá bê tông tới 1km, tạm thời giảm bớt chỗ xuống cấp để bà con đi lại” – ông Phạm Văn Tới (67 tuổi, đội vá đường xã Tân Tuyến, huyện Tri Tôn) nhẩm tính.
Hay cách làm ít tốn kém nhất của “ông lão vá đường” Cao Văn Long (78 tuổi, ngụ khóm Đông An 4, phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên). Tận dụng lúc mát trời, ông đi tìm phế phẩm nhựa đường ở các công trình vừa hoàn thành. Nhựa đường đã khô cứng lại, ông dùng dao nạy lên, kiên nhẫn chở về nhà từng chút. Rồi ông đem nhựa ra đập nhỏ, loại bỏ “tạp chất” như cỏ, rác. Cứ canh lúc trời nắng gắt, ông bỏ tất cả vật liệu, đồ nghề vào một chiếc giỏ nhỏ, chạy xe đạp đến nơi cần vá. Phần nhựa đường được bỏ vào lấp đầy "ổ gà", cộng thêm ít dầu lửa. Ông giải thích cách làm của mình: “Dầu lửa và độ nóng của mặt trời sẽ làm tan chảy nhựa, làm chúng kết dính với nhau. Hỗn hợp này được nén bằng các loại phương tiện ô tô chạy ngang. Vài giờ sau, mặt đường sẽ được bằng phẳng hơn trước, không còn vết tích của "ổ gà" nữa”.
Cũng như chị Nguyễn Thị Minh – nhân vật tôi đề cập ở kỳ 1, sau tất cả, điều mọi người nhận được là sự bình yên. Họ bớt đi nỗi lo con cháu đi học bị vấp "ổ gà". Họ không còn bứt rứt khi nhìn thấy con đường lồi lõm xấu xí. Họ được tặng rất nhiều nụ cười, sự tin tưởng, quý mến của bà con làng xóm. “Vá này là vá nghĩa, vá tình. Nếu không có những người “ăn cơm nhà…” như chúng tôi, ai sẽ đứng ra giúp cho xã hội?” – ông Phạm Văn Tới cười thật hiền.
(còn tiếp)
GIA KHÁNH - Thiết kế: TRUNG HIẾU