“Bí quyết” trường thọ của các cụ già

05/02/2019 - 07:00

 - Người ta hay chúc nhau “sống lâu trăm tuổi”, dù biết rằng sống đến 70 - 80 đã khó, huống chi là hàng trăm! Nhưng vẫn có nhiều người vượt qua con số ấy “tỉnh bơ”, sống minh mẫn, vui khỏe với đời. Dịp Tết đến Xuân về, chúng tôi tìm gặp họ để hỏi chuyện, mong tìm được vài “bí quyết”.

Chạy xe đạp ư, chuyện nhỏ!

Tết này, cụ Quách Văn Banh (ngụ số 28, đường Huỳnh Thị Hưởng, khóm 1, phường Mỹ Long, TP. Long Xuyên) đã 103 tuổi nhưng vẫn minh mẫn, trẻ hơn so với tuổi, chỉ trừ việc tai hơi ngãng một tí. Nói thật, nếu cụ đứng cùng người con trai lớn của mình (ông Quách Văn Hên, 75 tuổi), có khi người lạ sẽ nhầm lẫn xưng hô. Ở xóm, ai cũng quen cảnh một cụ già trăm tuổi thường xuyên đeo kính mát, chạy xe đạp, thủng thỉnh đi uống cà phê cùng “cậu bạn” 80 tuổi. 

Cụ Banh chạy xe đạp ở tuổi 103

Cụ Banh sống thọ đến từng này tuổi không phải do di truyền, vì cụ là trường hợp đặc biệt duy nhất của nhiều thế hệ gia đình. Cụ sống thọ chẳng phải vì cuộc sống ấm êm, thành đạt mỹ mãn, cũng chẳng phải cả đời gắn bó với môi trường trong lành, thoáng đãng của miền quê. Cụ Banh tâm sự: “Quê tôi ở Tân Châu. Lúc còn trẻ, cuộc sống khó khăn đủ bề, làm rẫy vườn đều không đủ sống. Rồi tôi bỏ xứ đi, một mình tha phương cầu thực. Chỗ nào tôi cũng tìm đến, miễn là có việc làm. Mãi đến 50 tuổi, tôi mới trở về Long Xuyên, vẫn trắng tay như cũ, sống tạm bợ trong chòi. Không ngờ, người và đất xứ này bao dung, tốt bụng, giúp đỡ tôi rất nhiều. Lúc ấy, tôi mới thấm thía rằng: Long Xuyên dễ sống lắm! Rồi cuộc sống khấm khá hơn, các con tôi xuống Long Xuyên ở cùng tôi. Tôi giao lại cho con, dâu mọi thứ, chỉ an nhàn dưỡng già”.

Hỏi “bí quyết” sống thọ, cụ Banh cười khà, chẳng giấu giếm chúng tôi. Thứ nhất, cố gắng sống vui vẻ, lạc quan, kể cả khi gặp khó khăn chồng chất. Thay vì ủ rũ, đau buồn, lo lắng, hãy cứ ăn vừa đủ, ngủ đủ giấc, tuyệt đối tránh xa nhậu nhẹt, thường xuyên tập thể dục, vận động. Cụ chưa bao giờ uống rượu, bia; không ăn quá no, quá nhiều, kể cả món đó rất ngon. Buổi tối, cụ ngủ lúc 21 giờ đến 6 giờ hôm sau; trưa ngủ từ 12 giờ đến 14 giờ; sau đó đi uống cà phê, gặp gỡ bạn bè trò chuyện. Thứ hai, cũng là điều quan trọng nhất trong “bí quyết” sống thọ của cụ: “Hãy cố gắng giữ tâm trong sáng, thiện lương, làm việc tốt trong khả năng của mình. Ngoài việc giúp đỡ tiền bạc cho người khó khăn, có thể giúp lời khuyên đúng đắn cho người lầm đường, dạy bảo con, cháu sống tốt...”.

“Để mẹ tự làm”

Cụ bà Lê Thị Quýt (102 tuổi, ngụ tổ 1, khóm Tây Thạnh, phường Mỹ Thới, TP. Long Xuyên) có một nguyên tắc bất di bất dịch: tự làm việc nhà, không cần con, cháu vướng bận. Cụ Quýt tự may quần áo, đơm nút, giặt quần áo, xếp đồ, không thích ai khác đụng vào, vì sợ bọn trẻ… làm rách đồ mình. Mền mùng, quần áo cụ tự xếp thẳng băng, tươm tất. Sáng, cụ quơ cây chổi cho sạch bụi trên sàn nhà. Lúc nào khỏe trong người, cụ đi bộ cả trăm mét đến nhà con trai thứ 4 chơi.

Cụ Quýt vẫn thường làm việc nhà

Bà Trịnh Hiền Mai (52 tuổi, con gái thứ 9 của cụ Quýt) chia sẻ: “Mẹ tôi minh mẫn, nhớ dai, tỉ mỉ và khó tính lắm. Từ đó tới giờ, bà sống ở đây, chưa bao giờ rời khỏi. Lúc nhỏ, bà theo ông ngoại đi lấy củi, cấy lúa. Lớn lên, sau khi đổ vỡ với người chồng trước, bà gặp cha tôi trong thời chiến tranh loạn lạc, rồi sinh ra 7 anh, chị em tôi. So với những người cùng trang lứa trong xóm, bà được xem là sung sướng nhất, vì mọi việc nặng nhọc đã có cha tôi lo, bà chỉ quán xuyến chuyện nhà. Chăm sóc mẹ nhiều năm nay, tôi biết mẹ ăn uống, nghỉ ngơi rất tốt. Hiện giờ, mỗi bữa bà ăn được chén cơm hoặc chén cháo, kèm thêm nhiều trái cây. Đặc biệt, bà không bao giờ ăn canh hay uống sữa, ít tập thể dục. Tôi nghĩ, bà sống thọ là do ưa chuộng thức ăn lành tính theo nếp sống của người xưa. Thời nay, đồ ăn gì cũng hóa chất độc hại, sao mà khỏe nổi!”

Đó là 2 trong số khoảng 20 cụ già trên 100 tuổi còn khỏe mạnh tại TP. Long Xuyên chúng tôi có dịp hầu chuyện để gửi đến độc giả. Không phải ai làm theo “bí quyết” của cụ Banh, cụ Quýt cũng sẽ trường thọ như các cụ, mà còn tùy thuộc vào thể chất, môi trường sống của từng người. Nhưng phương pháp sống của các cụ thật sự hữu ích. Chẳng có gì tốt hơn việc sống lạc quan, điều độ; duy trì minh mẫn bằng vận động tay chân, trí óc thường xuyên. Được hay mất, hơn hay thua, sang hay hèn... đều là chuyện phù du. Chỉ có trân trọng cuộc sống, trân quý sức khỏe chính mình mới là quan trọng nhất!

KHÁNH HƯNG