“Cánh diều no gió!”

31/03/2021 - 03:38

 - Hè đến, những cơn gió từ đâu mang ký ức ùa về qua những cánh diều tung tăng bay lượn. Khi ấy, tôi lại bâng khuâng nhớ đến cánh diều tuổi thơ, nơi đầy ắp những nụ cười vô tư và hình ảnh một thuở chân đất đầu trần ở chốn quê nghèo.

Những cánh diều bay lượn mang theo ước mơ tươi đẹp của tuổi thơ

Cuối tháng 3, những đám mây trắng trên nền trời xanh bao la dường như cũng vắt nửa mình sang hạ. Lúc ấy, đã thấy thấp thoáng những cánh diều uốn lượn trong cái nóng hầm hập của những buổi chiều tà. Dù tuổi thơ đã trôi về ký ức xa xôi, nhưng mỗi lần nhìn thấy hình ảnh những cô, cậu nhóc tung tăng vui đùa với thứ trò chơi dân gian ấy, tôi bỗng sực nhớ đến những năm tháng ngây thơ mà sôi nổi của mình.

Ngày trước, đám con nít quê tôi cứ lẩn quẩn với mấy trò chơi quen thuộc. Từ tạt lon cho tới bắn bi, làm ống thụt và nhiều trò khác nữa. Nói chung, chúng tôi chơi theo mùa, bởi đời sống hồi ấy không có nhiều trò giải trí như bây giờ. Mà nhớ nhất là những tháng mùa hè, khi cánh đồng lúa mênh mông vào vụ “đông ken” rồi để lại những gốc rạ trơ trọi dưới cái nắng như thiêu đốt. Lúc ấy, chúng tôi bước vào mùa thả diều.

Trong những trò chơi tinh nghịch của đám trẻ thơ, thả diều được xếp vào hàng kỳ công nhất. Bởi, muốn có được một con diều đẹp, chúng tôi phải bọc ny-lon về cắt ra thành những khổ vuông to bản để làm thân diều. Tiếp đến là vót tre để làm cung - tên mà thực chất là khung xương để giúp diều có thể bay lượn trên trời cao. Thường thì mỗi đứa mất tầm nửa ngày để làm xong một con diều theo ý của mình. Người khéo tay thì không nói, những đứa vụng về phải mất cả ngày chỉ để làm ra những con diều… không biết bay! Chúng cứ lạng vòng vòng không chịu bay lên, hoặc chúi đầu xuống đất. Khi đó, chủ nhân của con diều ấy cũng dở khóc, dở cười.

Cực khổ là vậy nhưng đến khi mặt trời ngả dần về phía Tây, đất trời dịu mát thì mấy chục đứa con nít ở đâu lại lũ lượt, háo hức kéo nhau ra đồng thả diều. Tiếng cười, tiếng nói vang cả một góc quê. Mấy cánh diều căng mình, nuốt những cơn gió hào sảng rồi tung bay trên nền trời xanh vời vợi. Những cặp mắt háo hức cứ chực nhìn theo con diều của mình mà miệng cười toe toét. Thi thoảng, có cậu bạn hăng quá chạy vấp ngã lăn nhào trên bờ ruộng rồi bật dậy chạy tiếp, vì sợ diều rơi xuống.

Khi những con diều đạt đến độ cao nhất định, chúng tôi tìm một vật nặng nào đó để giữ dây rồi mặc cho chúng nhởn nhơ bay lượn. Lúc này, đám nhóc lại nằm cạnh nhau trên một đống rơm hay bờ ruộng nào đó để bàn luận sôi nổi xem diều của đứa nào bay “đầm”, diều đứa nào bay “niểng”. Cãi nhau chán mà không bao giờ có kết quả, lại rủ nhau chơi đùa với đống rơm thơm nồng hương vị quê nghèo. Cái mùi hương dân dã ấy đã len vào ký ức của tôi khi nào không biết và nó cứ tồn tại cho đến bây giờ.

Theo thời gian, tôi không còn chơi thả diều nữa nhưng mỗi lần nhìn thấy những cô, cậu nhóc hớn hở, vui vẻ với trò chơi ấy thì lòng cũng miên man nhớ về ký ức đẹp. Những cánh diều ngày trước không đa dạng kiểu dáng như bây giờ. Hầu như chỉ có một kiểu và chúng khác nhau ở đuôi dài hay ngắn, có cánh hay không có cánh, còn lại đều làm bằng bọc ny-lon. Bây giờ, đám con nít có đủ kiểu diều, nào là hình con én, hình cá mập, hình rồng, phụng, doraemon… với chất liệu bằng vải dù nên cũng bền hơn.

Những ngày này, đã thấy phụ huynh dẫn con em ra đồng hoặc tìm những vị trí thuận lợi để cho đám nhóc chơi thả diều. Với sự phát triển của công nghệ số và tính phổ biến của smartphone (điện thoại thông minh)như hiện nay, những trò chơi truyền thống như thả diều vẫn còn tồn tại là tín hiệu tích cực. Bởi, thả diều mang trong mình vẻ đẹp của tuổi thơ nhiều thế hệ, nó góp phần nuôi dưỡng tâm hồn các em với những ước mơ trong sáng. Và những ai thuộc thế hệ 8X, 9X cũng không thể nào quên bài thơ “Thả diều” trong bộ sách giáo khoa ngày ấy: “Cánh diều no gió/sáo nó thổi vang/ sao trời trôi qua/diều thành trăng vàng…”.

THANH TIẾN