“Châu Đốc tân cương” - vùng trọng trấn cõi trời Nam

01/11/2022 - 05:46

 - Tiếp giáp Vương quốc Campuchia, trước có ngã ba sông, sau có dãy Thất Sơn hùng vĩ (“tiền tam giang hậu thất lĩnh”), trải qua hàng thế kỷ, “Châu Đốc tân cương” đập tan nhiều cuộc xâm lăng, làm tốt vai trò trấn giữ vùng đất phía Nam của Tổ quốc.

Năm 1757, chấp thuận ý kiến của Nguyễn Cư Trinh, chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765) cho đặt 3 đạo (Tân Châu đạo, Châu Đốc đạo và Đông Khẩu đạo) quản lý về mặt quân sự, đồng ý đặt Giá Khê (Rạch Giá) và đạo Long Xuyên (Cà Mau) do Tổng trấn Hà Tiên Mạc Thiên Tích (con ông Mạc Cửu) xin đặt. Đây là lần đầu tiên danh xưng Châu Đốc xuất hiện.

Để bảo vệ vùng giới tuyến địa đầu, năm Gia Long thứ 14 (1815), triều đình ra lệnh cho trấn thủ Vĩnh Thanh Lưu Phước Tường tập hợp trên 3.000 dân binh đào hào, đắp lũy xây dựng đồn Châu Đốc (phía Tây sông Hậu, có giao thông hào ăn thông với sông) để tiện việc chuyển quân, lương thực khi có biến. Xây xong, vua báo cho quốc vương Chân Lạp biết, xây đồn Châu Đốc chẳng những là bảo vệ Hà Tiên, mà còn để ứng cứu cho Nam Vang.

Nhằm khai thác vùng tân cương, xác định rõ biên giới giữa 2 nước, năm 1817, vua Gia Long lệnh cho Nguyễn Văn Thoại đào kênh Thoại Hà, 2 năm sau, cho đào kênh Vĩnh Tế, sau 5 năm mới hoàn thành. Lúc bấy giờ, Nguyễn Văn Thoại là Khâm sai Thống chế, án thủ đồn Châu Đốc, lãnh ấn Bảo hộ Cao Miên quốc, kiêm quản Hà Tiên trấn biên vụ.

Năm 1832, Châu Đốc tân cương lập ra phủ Tuy Biên, Tân Thành với 4 huyện, là cương vực ban đầu của tỉnh An Giang. Đến năm 1836, chia Vĩnh Thanh thành An Giang và Vĩnh Long. Tỉnh An Giang bao gồm cả Châu Đốc, nơi đây trở thành tỉnh lỵ, chỗ trú đóng của Tổng đốc đầu tiên Trương Minh Giảng.

Địa phận tỉnh An Giang thời bấy giờ, gồm: Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng và một phần tỉnh Đồng Tháp ngày nay. Có thể nói, Châu Đốc là nơi được khai thác muộn nhất (1757), hưởng chủ quyền độc lập ngắn nhất, vì đến năm 1867 bị Pháp chiếm. Vậy mà trong hơn 100 năm, Châu Đốc phải 4 lần đối phó với người Xiêm sang xâm lược.

Năm 1771, sau lăm le bờ cõi, quân Xiêm tiến thẳng vào nước ta, đánh Hà Tiên rồi Châu Đốc. Do viện binh không kịp đến, Hà Tiên thất thủ, không lâu sau Châu Đốc cũng thất thủ. Do chưa có kinh nghiệm, chưa chuẩn bị và lần đầu đối phó với giặc ngoại xâm nên Châu Đốc lâm vào cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”. Được tin, danh tướng nhà Nguyễn Tống Phước Hiệp từ Long Hồ đưa binh lực đến tái chiếm lại Châu Đốc.

Ngay năm sau, theo đường sông, tướng Nguyễn Cửu Đàm dẫn quân từ miền Trung kéo vào đánh đuổi quân Xiêm. Đến năm Quý Tỵ (1833), Lê Văn Khôi nổi dậy chống triều Nguyễn, chiếm giữ thành Phiên An (Gia Định), làm nhà Nguyễn trước nguy cơ thay chủ.

Lợi dụng “lời cầu viện” của tướng Lê Văn Khôi, thấy cơ hội trả thù do nhiều lần thất bại đã tới, 4 vạn quân Xiêm chia 5 đạo do tướng người Chiêm Phi Nhã Chất Tri (Chao Phraya Bodin) và tướng người Xiêm Chiêu Phi Nhã Phật Lăng (Phra Klang) cầm đầu, đánh một số tỉnh miền Trung, Châu Đốc và Hà Tiên. Tuy rằng, cả 5 đạo quân với 350 chiến thuyền cùng tiến, bằng nhiều hướng, nhưng chủ đích của họ cốt đánh Chân Lạp và Nam kỳ. Vua Minh Mệnh hay tin, phong cho tướng Trần Văn Năng làm Bình khấu Tướng quân cùng Hiệp biện đại học sĩ Lê Đăng Doanh, Thống chế Nguyễn Văn Trọng làm Tham tán đại thần với các tướng, như: Trương Minh Giảng, Nguyễn Văn Xuân... đi dẹp giặc.

Tháng 11 (âm lịch) năm 1883, hơn 100 thuyền chiến của nước Xiêm đánh chiếm Hà Tiên, rồi chia thành 2 đạo hạ được đồn Châu Đốc, 2 tỉnh lỵ này bị thất thủ. Trước tình hình nguy cấp, quan quân nhà Nguyễn tức tốc điều quân, trong đó lập phòng tuyến quyết chiến ở sông Vàm Nao.

Từ Châu Đốc, sau khi chuẩn bị xong, thủy quân Xiêm theo ngã ba sông tiến xuống Vàm Nao. Nơi đây trở thành địa điểm then chốt của trận thư hùng chiến lược. Nếu không chiến thắng họ thì nhà Nguyễn nhiều khả năng sẽ vỡ trận và mất miền Nam. Trong sách viết về An Giang, nhà văn Sơn Nam nói: “Sông Vàm Nao với đặc tính “nước xoáy tròn” vô cùng hung hiểm, nối sông Tiền và sông Hậu.

Tuy chỉ dài khoảng 7km, nhưng nó lại là dòng sông nổi tiếng linh thiêng đối với người miền Tây từ bao đời nay. Nơi xảy ra trận thủy chiến khốc liệt giữa quân Việt và quân Xiêm nhưng không phải ai cũng biết. Quân Xiêm dùng hỏa công, thả bè lửa theo nước ròng chảy xiết (thủy triều) để đốt chiến thuyền của quân Việt. Trận chiến kéo dài từ khoảng 3 giờ khuya đến 10 giờ trưa mới dứt. Nếu quân dân Đại Việt không ngăn được, quân Xiêm sẽ tiến xuống Sa Đéc rồi Rạch Gầm, Mỹ Tho...”.

Trong “Minh Mệnh chính yếu” chép: Giặc Xiêm dẫn binh thuyền hơn trăm chiếc, từ Thuận Cảng xuôi xuống, bày ngang giữa dòng sông để chống lại thuyền của quân ta, đánh đồn của ta đóng bên tả ngạn. Quản vệ giữ đồn là Phạm Hữu Tâm chống đánh, chém chết kẻ cầm đầu của giặc là Phi Nhã Khổ Lặc. Giặc dựng trại ngang đồn, ngày đêm dùng đại bác bắn phá...

Ở phía thượng nguồn bèn nhân đêm tối, thừa lúc nước ròng, noi theo 2 bên tả hữu bờ sông, phóng lửa đốt thuyền quân ta, rồi giặc đem quân đến đồn phía tả ngạn mà đánh từ giờ Dần đến giờ Tỵ. Thủy quân ta thuyền chiến nối nhau, lửa ở giữa sông không cháy lan lên được 2 bên bờ. Khi bè lửa trôi qua rồi, thủy bộ quân ta đánh giáp lá cà. Giặc chết rất nhiều. Quân Xiêm thua to.

Tuy nhiên, dù Mộc bản Triều Nguyễn ghi khá đầy đủ về sự kiện trận đánh, hậu nhân khai thác chưa đầy đủ câu nói ghi trong “Đại Nam Thực Lục” mà người Việt Nam vẫn lấy làm tự hào. Đó là “Người Xiêm từ sau cuộc bại trận thảm hại ở Rạch Gầm Xoài Mút năm Giáp Thìn (1784) miệng tuy nói khoác mà lòng thì sợ Tây Sơn như cọp”.

 Việt Nam lập quốc đã ngàn năm, nhưng ông cha ta chưa bao giờ ngừng nghỉ chống lại sự xâm lăng của kẻ thù. Có một sự trùng hợp là tất cả chiến công vĩ đại nhất trong lịch sử chống xâm lăng của dân tộc đều diễn ra trên những con sông. Tuy không thể so với trận Bạch Đằng, trận Rạch Gầm Xoài Mút... nhưng trận thủy chiến ác liệt trên sông Vàm Nao góp phần làm cho đất nước được toàn vẹn lãnh thổ đến ngày nay.

NGUYỄN RẠNG