“Chúng ta đi chung một chiếc xuồng”

26/03/2021 - 02:43

 - Thời gian tới, trên địa bàn tỉnh An Giang sẽ diễn ra các sự kiện, lễ trọng của các dân tộc, tôn giáo, như: lễ Phục sinh của Công giáo và Tin lành (ngày 4-4-2021), Tết Chol Chnam Thmay của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer (từ ngày 14-4 đến 16-4-2021), tháng Ramadan của cộng đồng DTTS Chăm (từ ngày 13-4 đến 12-5-2021), lễ Phật đản của Phật giáo (ngày 26-5-2021, nhằm mùng 15-4 âm lịch), lễ khai sáng đạo Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa (ngày 14-6-2021, nhằm mùng 05-5 âm lịch), lễ khai sáng đạo Phật giáo Hòa Hảo (ngày 27-6-2021, nhằm mùng 18-5 âm lịch). Ngoài ra, tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Campuchia sau “Sự kiện cộng đồng ngày 20-2-2021” diễn biến phức tạp, do vậy, nhu cầu nhập cảnh của đồng bào từ nước ngoài về Việt Nam là rất lớn, tạo nên áp lực cho biên giới An Giang.

Điển hình là vụ việc nhập cảnh trái phép xảy ra khoảng 17 giờ 30 phút ngày 20-3: Trạm kiểm soát biên phòng cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên (Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên) phát hiện 61 người nhập cảnh trái phép từ Campuchia về Việt Nam (trong đó có 8 trẻ em dưới 16 tuổi). Toàn bộ đều là đồng bào DTTS Chăm, có hộ khẩu thường trú tại huyện An Phú. Họ xuất cảnh từ Việt Nam sang Campuchia để làm thuê tại tỉnh Kampong Thom. Do sợ ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 tại Campuchia nên họ nhập cảnh trái phép trở lại Việt Nam.

Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên đã tiếp nhận, lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 53 người về hành vi “Qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất, nhập cảnh theo quy định” (không xử phạt 8 người dưới 16 tuổi); đồng thời bàn giao 61 người cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 huyện Tịnh Biên đưa đi cách ly theo quy định.

Ông Châu Nal bày tỏ quyết tâm ngăn chặn người xuất nhập cảnh trái phép ở khu vực mình sinh sống

Để chủ động ngăn chặn, hạn chế tối đa nguồn lây nhiễm từ bên ngoài vào An Giang, ngày 22-3, UBND tỉnh An Giang ban hành công văn yêu cầu các tổ chức tôn giáo phải tuân thủ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trung ương và của tỉnh; thực hiện nghiêm giải pháp 5K “Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế” theo khuyến cáo của Bộ Y tế; bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng, không tụ tập đông người, khi tổ chức phải thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch bệnh theo quy định. Vận động chức sắc, chức việc, người có đạo nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về phòng dịch; chủ động phối hợp chính quyền địa phương rà soát, tuyên truyền vận động tín đồ có thân nhân ở nước ngoài, các tín đồ từ các địa phương khác hạn chế di chuyển về địa phương (tỉnh An Giang); nên ổn định, tham gia các hoạt động lễ hội dân tộc, tín ngưỡng - tôn giáo tại nơi cư trú.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố biên giới tăng cường kiểm soát chặt chẽ 24/24 giờ các tuyến biên giới đường bộ, đường thủy, đường mòn, lối mở, không để lọt các trường hợp nhập cảnh trái phép qua biên giới, nhằm ngăn chặn các trường hợp về tham dự Tết Chol Chnam Thmay của đồng bào DTTS Khmer và tháng Ramadan của đồng bào DTTS Chăm.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nhơn Hội phối hợp chính quyền địa phương tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh trong đồng bào dân tộc thiểu số Chăm

An Phú là huyện đầu nguồn biên giới, có đông đồng bào DTTS Chăm sinh sống, tập trung ở 5 xã: Khánh Bình, Nhơn Hội, Quốc Thái, Vĩnh Trường và Đa Phước. Đại úy Phạm Văn Hòa, Chính trị viên Đồn Biên phòng Nhơn Hội cho biết: “Để ngăn chặn người xuất, nhập cảnh trái phép, nhất là liên quan đến các sự kiện tôn giáo, nhiều ngày nay, đơn vị phân công cán bộ, chiến sĩ đến tận nhà, Thánh đường để gặp gỡ, tuyên truyền cho bà con đồng bào DTTS Chăm.

Nội dung tuyên truyền xoay quanh những biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19, vận động bà con không xuất, nhập cảnh trái phép; vận động hộ dân đang làm ăn, sinh sống tại Campuchia không về Việt Nam để giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào biên giới đất nước. Ngoài ra, cán bộ, chiến sĩ còn xuống tận nhà các hộ dân có người thân đang làm ăn sinh sống ở Campuchia để nhờ họ làm cầu nối tuyên truyền, vận động sâu sát, hiệu quả hơn”.

Trong “cuộc chiến” phòng, chống dịch bệnh COVID-19, ngoài nỗ lực của ngành chức năng, ý thức của cộng đồng sẽ là nhân tố quyết định thắng lợi. Mỗi người dân giữ vai trò quan trọng, đóng góp rất lớn cho địa phương, như câu chuyện của ông Châu Nal (sinh năm 1934, đồng bào DTTS Chăm, sống cố cựu ở ấp Búng Lớn, xã Nhơn Hội). Trước đây, ông hay qua lại Campuchia để cắt cỏ chăn nuôi bò. Từ ngày có dịch bệnh COVID-19, ông chấp hành quy định của nhà nước, tìm đất trồng cỏ xung quanh nhà để không phải sang Campuchia nữa. Bản thân ông cũng là một trong những “Camera quan sát” hiệu quả ở địa phương.

“Hễ gặp bà con đi hái thuốc nam, làm thuê có ý định sang Campuchia, nhất là bà con xóm Chăm, tôi đều khuyên họ quay trở về. Một vài trường hợp lén xuất, nhập cảnh trái phép, tôi báo với lực lượng chức năng, đưa họ đi cách ly chứ không cho họ xâm nhập sâu vào nội địa. Biết rằng bà con có cuộc sống khó khăn, bị ảnh hưởng rất lớn vì dịch bệnh, nhưng dẫu sao vẫn phải tìm cách khắc phục, chung tay vì đất nước. Chúng ta đang đi chung một chiếc xuồng, nếu đã không giúp xuồng bơi về phía trước được, thì cũng đừng cản trở nó. Mình phải có trách nhiệm giữ gìn chung cho cộng đồng, chứ con “COVID” đâu có thương ai, ghét ai, chừa ai ra!” - ông Châu Nal bày tỏ.

Bài, ảnh: GIA KHÁNH