Cồn Phó Ba (ấp Mỹ Thạnh), thuộc cù lao Ông Hổ (xã Mỹ Hòa Hưng). Có 2 cách để đến với cồn Phó Ba. Khách đi từ phà Trà Ôn theo đò của người dân cồn Phó Ba hoặc đi phà qua xã Mỹ Hòa Hưng, rồi lại tiếp tục đi đò sang cồn Phó Ba. Chúng tôi chọn cách thứ 2, vắt vẻo trên xuồng của chú Hai Đành, lạng qua “chiếc eo” nhỏ xíu giữa “cù lao mẹ” và “cồn con”.
Ấp Mỹ Thạnh rộng gần 30ha, là nơi sinh sống của hơn 300 hộ, 1.200 nhân khẩu. Trước đây, khu vực này được biết đến với tên gọi “cồn 5 không” hoặc “ấp 5 không” (không điện, không nước, không đường, không trường, không trạm). Nguyên nhân cũng do vị trí địa lý đặc thù của cồn Phó Ba, khó đầu tư cơ sở hạ tầng như nơi khác.
Giờ đây, người dân trên cồn Phó Ba đã có cuộc sống khác trước, khi điện, nước được đầu tư; đường sá tráng nhựa từ đầu cồn đến đuôi cồn. Mặc dù vậy, nếp quê dung dị vẫn hiện hữu khắp nơi.
Trường mẫu giáo duy nhất trên cồn (điểm phụ của Trường Mẫu giáo Đoàn Thị Giàu) cũng chỉ có 1 phòng học, 1 cô giáo và 31 học sinh.
Nhà gần, cồn lại nhỏ, các bé tự đi bộ đến lớp mà không sợ lạc. Chỉ có điều, mỗi buổi học, cô và trò lại khóa cửa trường, đề phòng các bé ra ngoài đường chơi giỡn.
Học xong mẫu giáo, các bé sẽ được chuyển sang trường tiểu học gần đó. Nhưng đến cấp trung học cơ sở, học sinh phải đi đò qua xã Mỹ Hòa Hưng. Đây cũng là trăn trở của địa phương lẫn người dân, bởi không phải phụ huynh nào cũng có điều kiện để con em đến trường đến khi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Nguyễn Thị Hoàng Dung (sinh năm 1995) là cô giáo duy nhất ở điểm trường này. “Được phân công về đây 2 năm, tôi gặp không ít khó khăn trong quá trình đứng lớp. Tuy nhiên, ban giám hiệu và đồng nghiệp đã hỗ trợ tôi nhiều. Các bé rất ngoan, đáng yêu” – Dung bày tỏ.
Đa số người dân ấp sống dựa vào nghề nuôi cá bè trên sông Hậu hoặc đánh bắt thủy sản. Bốn bề sông nước dần hình thành nên nếp sống, lao động gắn bó với nguồn lợi thủy sản của họ. Phần còn lại trồng cây, hoặc đi xa tìm sinh kế.
Ông Lê Anh Tuấn (sinh năm 1956) sống ở đây mấy mươi năm, nên hiểu rõ từng khoảnh đất, từng ngóc ngách của cồn Phó Ba. Ông dẫn chúng tôi đến vị trí “đuôi cồn”. Sau hàng rào, không còn là địa phận của ấp Mỹ Thạnh nữa.
Nơi đây đặt hệ thống cấp nước, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường – Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang quản lý, công suất 10m3/h, đảm bảo nhu cầu sinh hoạt cho người dân toàn ấp. Trước khi có công trình này, bà con chỉ có thể sử dụng nước sông.
Buổi chiều yên ả trên cồn Phó Ba, khi lũ trẻ kéo nhau về sân bóng đá duy nhất ở nhà ông Tuấn. Người lớn vào sân phải đóng tiền 3.000 đồng, chơi tới khi nào mệt thì nghỉ. Trẻ nhỏ được miễn phí, nên chúng khoái lắm.
Đặng Minh Khang bước vào tuổi 12, học lớp 6, ở xã Mỹ Hòa Hưng. Ngày nào Khang cũng đến đây, hết làm cầu thủ lại chuyển sang làm thủ môn, lăng xăng trên sân cả buổi.
Trần Hải Long (14 tuổi) cũng đến sân đá banh mỗi ngày, nhưng không đi một mình, mà có “bạn thân”. Đó là chú vịt và chú ếch được Khang nuôi từ nhỏ xíu, đi đâu cũng có nhau. Điều đặc biệt nhất là chúng biết nghe lời Khang, bảo gì làm nấy.
Cơ sở tín ngưỡng duy nhất của người dân cồn Phó Ba là miếu Bà, thờ Bà Chúa Xứ nơi đây. Sau nhiều lần trùng tu, sửa chữa từ nguồn xã hội hóa, ngôi miếu khang trang hơn hẳn.
Gần đây, cồn Phó Ba bắt đầu thu hút khách du lịch đến tham quan, tận hưởng thú vui tắm sông, cào hến, tận hưởng thiên nhiên kỳ thú “cồn của cồn”. Từ bên này, có thể ngắm một góc sông Hậu, nhìn thấy phố thị Long Xuyên sầm uất. Sự giao thoa giữa miệt vườn sông nước và thành phố trẻ năng động khơi gợi cảm xúc rất đáng nhớ của khách phương xa….
KHÁNH ĐĂNG