Bén duyên với gốm Nhật
Lần theo địa chỉ, chúng tôi đến nhà ông Bình để chiêm ngưỡng những “món” gốm cổ như: tách trà, chén, đĩa, bình… quý giá, có niên đại từ vài chục đến vài trăm năm. Nhìn quanh nhà, những món gốm cổ được ông Bình trưng bày cẩn thận và đẹp mắt.
Bưng chiếc đĩa Nhật tròn vo, trên mặt đĩa có hình ngọn núi Phú Sĩ và câu đối “Sơn cao thủy trường”, ông Bình khoe: “Trong số hàng ngàn chiếc đĩa sưu tập, tôi ưng ý nhất là chiếc đĩa này, bởi có tuổi thọ trên 300 năm. Trong tỉnh An Giang chỉ duy nhất mình tui sở hữu được chiếc đĩa hiếm hoi này”.
Khi bàn về “cái thú” sưu tầm đĩa cổ xuất xứ từ nước Nhật, chắc chắn ông Bình là người “vô đối”. Bởi, hiện tại ông Bình đã sưu tầm được 1.500 cái đĩa Nhật màu xanh Cô Ban cùng hàng ngàn món đồ gốm cổ khác. Ông Bình mê sưu tầm đĩa Nhật đến nỗi, hễ nghe ai có ý định rao bán là ông đến tận nơi mua cho bằng được. Nhiều lúc, ông Bình rủ bạn bè sang tận chợ Gò Tà Mâu (Campuchia) để tìm mua đĩa Nhật mang về.
Kể về “cái duyên” đam mê sưu tầm đĩa Nhật, ông Bình chia sẻ: “Trước đây, tôi có dịp lên Sài Gòn thấy bạn bè đem gốm từ bên Nhật về, trong đó có vô số chiếc đĩa màu xanh Cô Ban. Ban đầu chưa đam mê loại đĩa này, về sau tôi bắt đầu đọc sách, tìm hiểu qua bạn bè về nguồn gốc cũng như giá trị của loại đĩa này, rồi bén duyên từ đó”.
Theo ông Bình, muốn đạt đến độ uyên thâm về sưu tầm loại đĩa Nhật, người chơi phải cực công tìm hiểu nguồn gốc xuất xứ, nghiên cứu công thức chế tác ra sản phẩm… Nếu không hiểu sâu dễ bị gạt, bởi sản phẩm đĩa Nhật ngoài thị trường “vàng thau lẫn lộn”.
Theo kinh nghiệm sưu tầm gốm của ông Bình, trên thế giới chỉ có nghề gốm của người Nhật là chất lượng bậc nhất do được chế tác bằng chất liệu đất, men hết sức công phu và tinh xảo.
Những người chuyên sưu tầm gốm cổ truyền miệng với nhau rằng: “Một chiếc đĩa đẹp, phải hội đủ nhiều yếu tố như: hoa văn, đường nét tinh xảo. Đồng thời, đạt thêm 4 tiêu chuẩn: “nhất liệu, nhì nung, tam hình, tứ trí”. Còn đối với ông Bình, ngoài những tiêu chuẩn trên, người chơi gốm còn phải am hiểu “dáng hình, màu men, sự toàn mỹ, đặc biệt là niên đại”.
Truyền cảm hứng
Để cái thú đam mê sưu tầm gốm Nhật đạt đến độ “thâm sâu”, ông Bình đã tạo sự khác biệt của mình bằng cách làm “lạ đời”. Cách đây vài tháng, ông Bình mời các ông đồ giỏi ở miền Bắc vào tận nhà để thảo lên bề mặt những chiếc đĩa câu đối, phong cảnh “hồn thiêng sông núi”. Từng chữ, từng câu đối trên mặt đĩa ẩn chứa nội dung vô cùng thâm thúy, thể hiện sự riêng biệt, ai nhìn vào cũng sẽ nhận ra.
Ông Bình giải thích: “Mỗi chiếc đĩa thể hiện ý tưởng của từng ông đồ. Người xem sẽ nhận thấy những chữ, những phong cảnh toát lên được “Tâm - Ý - Khí - Lực” của từng ông đồ. Tức là sự suy nghĩ, ý tưởng, dũng khí và sức mạnh của người cầm bút. Mỗi ông đồ đều thể hiện một nét phác thảo riêng, không ông nào trùng lắp với ông nào”.
Theo ông Bình, Việt Nam và Nhật Bản có nét văn hóa tương đồng. Từ lâu, sự giao thoa giữa 2 nền văn hóa ấy luôn ăn sâu vào con người ông. Ông Bình tâm sự: “Những câu danh ngôn “đời, đạo, tâm, tài, đức” trong mỗi chiếc đĩa, xét cho cùng nó không chỉ đơn thuần là tiền bạc và vật chất, mà nó mang cả một giá trị cuộc sống. Tôi muốn cho thế hệ mai sau hiểu được sự tinh tế của 2 nền văn hóa được trường tồn theo thời gian”.
Ban đầu, nhiều người đến nhà chơi thấy ông Bình trưng nhiều đĩa khắp trên vách tường lẫn lối đi lên lầu, thậm chí còn “đóng thùng” vô số chiếc đĩa Cô Ban, người ta rỉ tai nói ông “chơi ngông”, phí tiền. Nhưng ít ai nghĩ rằng, đó là sự đam mê, giúp ông thư giãn và quẳng gánh lo toan sau những ngày làm việc mệt nhọc.
“Mỗi người đều có đam mê riêng. Bản thân tôi thì mê nhất là sưu tầm gốm Nhật. Mình đam mê có sự chọn lọc. Hiểu được giá trị văn hóa của từng món đồ gốm, làm cho tâm hồn trong sáng hơn” - ông Bình bày tỏ.
Anh Tống Thanh Tâm (thanh tra viên Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch) cũng là người đam mê sưu tầm những món gốm cổ độc, lạ, đồng thời là người chơi rất thân với ông Bình nói rằng, hiện nay ở tỉnh An Giang nói riêng và cả nước nói chung, nếu nói về sưu tầm đĩa Nhật màu xanh Cô Ban thì ông Bình là người duy nhất sở hữu hàng ngàn chiếc. Ông Bình dồn hết tâm huyết của mình cho việc sưu tầm đĩa Nhật để truyền cảm hứng cho cộng đồng.
THÀNH CHINH