“Giữ cái còn trong cái mất” - Kỳ cuối: Chống lửa ở ngoài bằng lửa ở trong tim

13/07/2021 - 13:57

 - Ký ức, truyền thống của ngày hôm qua đang được truyền lại, vun bồi cho hôm nay và mai sau. Các thế hệ chiến sĩ Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) nối tiếp nhau thực hiện nhiệm vụ chống lửa ở ngoài bằng lửa ở trong tim mình.

Tâm tình của người truyền lửa

Trước yêu cầu cấp thiết tại địa phương, đầu năm 1976, Ty Công an An Giang (nay là Công an tỉnh An Giang) đã quyết định thành lập Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH). Lúc đó, toàn đơn vị PCCC chỉ có 3 xe chữa cháy, cùng 18 cán bộ, chiến sĩ.

Mặc dù lực lượng còn mỏng, trang thiết bị còn nhiều thiếu thốn nhưng với sự đoàn kết, nhất trí và tinh thần trách nhiệm cao, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH  (gọi tắt là PC07) An Giang đã vượt qua nhiều khó khăn thử thách, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tham gia chi viện cho các đơn vị Cảnh sát PCCC và CNCH các tỉnh lân cận, góp phần bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, đạt được nhiều thành tích nổi bật.

Điển hình như vụ cháy tàu tại cảng Mỹ Thới (năm 1995), vụ cháy kho đạn của tháng 2-1981; vụ cháy tại Châu Đốc (tháng 4-1977), khi pháo kích của bọn Polpot bắn vào khu dân cư phường Châu Phú B, làm cháy nhiều nhà dân, đã có 2 chiến sĩ trực tiếp tham gia chữa cháy hy sinh; vụ cháy kho đay tại TP. Cần Thơ (tháng 12-1987), khiến trung tá Võ Châu Sơn bị thương...

Nhìn lại một thời gian khổ, đại tá Đặng Quang Trung, nguyên Trưởng phòng PC07 An Giang (giai đoạn 1996-2008), kể: thời điểm ấy, mọi điều kiện công tác, sinh hoạt khó khăn vô cùng. Cán bộ ít được qua đào tạo, chỉ có người cũ truyền kinh nghiệm cho người mới. Tài xế không đủ, có khi 1 tài xế phải quản lý 2-3 xe. Trang thiết bị vừa cũ, vừa ít, lại hay trục trặc nọ kia, buộc cán bộ, chiến sĩ phải mày mò thêm nghề... sửa xe.

“Tôi nhớ, có năm xảy ra cháy ở Long Xuyên, ngay đêm Noel. Một chiếc xe không chịu hoạt động, nên cán bộ, chiến sĩ, thậm chí Trưởng ty Công an cũng góp sức đẩy cùng, để xe kịp đến nơi cháy. Có lúc, vừa đi chữa cháy về, vòi chữa cháy chưa kịp giặt, vẫn còn ướt sũng, nặng trịch. Ai nấy ướt nhẹp mình mẩy, đói run, lại nhận được lệnh đến nơi khác chữa cháy. Toàn bộ lực lượng được huy động, đành nhờ người nhà của cán bộ, chiến sĩ sang đơn vị trực điện thoại giúp. Nơi sinh hoạt của anh em thiếu thốn đủ bề, chật vật sống bằng đồng lương ít ỏi. Dù vậy, chúng tôi vẫn động viên nhau cùng cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, đẩy tinh thần trách nhiệm lên mức cao nhất. Điều khiến tôi nhớ nhất là tình yêu thương, đoàn kết gắn bó giữa đồng đội với nhau, của lực lượng PCCC tỉnh này với tỉnh khác. Những kỷ niệm ấy giúp chúng tôi thêm động lực phấn đấu, vượt mọi khó khăn” – ông bộc bạch.

Về hưu rồi, đại tá Đặng Quang Trung nghe nỗi nhớ nghề rưng rức trong lòng. Ông nhớ những lúc anh em đi chữa cháy, bản thân ông ngồi ở đơn vị mà tâm trạng như lửa đốt. Phương tiện liên lạc chưa phổ biến như bây giờ, muốn biết chữa cháy có thành công không, có anh em nào bị thương không, xe có hư dọc đường không…, chỉ có thể chờ họ trở về hỏi han tình hình. Giờ đây, mỗi lần nghe tiếng xe cứu hỏa hú còi chạy ngoài đường, ông lại nhớ quay quắt ngày mình còn đảm nhiệm công việc. Có dịp, ông lại ghé thăm đồng nghiệp cũ, ngồi ôn chuyện ngày xưa, chẳng muốn dứt ra.

Điều đặc biệt là ông đã có người nối nghiệp mình. Đặng Quang Sang, con trai út của ông được sinh ra, lớn lên trong khu tập thể của đơn vị, sống trong môi trường toàn là lính PCCC, nghe dòng máu nghề nghiệp chảy sẵn trong người. Vậy nên, rất dễ hiểu khi Sang chọn trở thành cảnh sát PCCC, thay ông tiếp tục gắn bó với nghề.

Biết chúng tôi thực hiện loạt phóng sự này nhân kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát PCCC (4-10-1961 – 4-10-2021), đại tá Đặng Quang Trung gửi gắm: “Truyền thống của lực lượng PCCC và CNCH ở An Giang nói riêng, cả nước nói chung là sự đoàn kết, yêu thương nhau như người một nhà. Rất mong truyền thống tốt đẹp này sẽ được gìn giữ, vun bồi. Tôi mong muốn lực lượng PCCC sẽ ngày càng phát triển về mọi mặt, người sau tiếp lửa của người đi trước”.

Chỉ còn vài tháng nữa là nghỉ hưu sau gần 40 năm công tác, Trung tá Võ Châu Sơn (Đội trưởng Đội Hậu cần, quản lý phương tiện PCCC và CNCH, Phòng PC07 An Giang) cũng kỳ vọng: “Tôi mong các đồng chí còn công tác tại đơn vị tiếp tục trau dồi đạo đức người chiến sĩ PCCC và CNCH, học hỏi thêm từ thực tiễn để đạt hiệu quả cao nhất trong công việc, đáp ứng tốt yêu cầu đặt ra trong tình hình mới”.

… và người tiếp lửa

Chẳng phụ lòng người đi trước, trải qua 45 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng PC07 An Giang không ngừng lớn mạnh về mọi mặt. Đến nay, toàn tỉnh có 11 đội trực thuộc (gồm 4 đội nghiệp vụ, 7 đội chữa cháy và CNCH khu vực). Quân số đơn vị hơn 200 đồng chí, với 31 xe chữa cháy, 8 xe chuyên dùng, 4 ca-nô chữa cháy và CNCH, 32 máy bơm chữa cháy... Lực lượng luôn đi đầu trong phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc”, được Bộ Công an, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, UBND tỉnh và Công an tỉnh An Giang trao tặng nhiều danh hiệu cao quý.

Dự báo trong thời gian tới, tình hình cháy, nổ trên địa bàn tỉnh tiếp tục diễn biến phức tạp. Cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, nhu cầu sử dụng điện, xăng dầu, khí gas, hàng hóa, vật tư dễ cháy trong sinh hoạt, sản xuất- kinh doanh ngày càng tăng nên nguy cơ xảy ra cháy, nổ rất cao; một số hộ gia đình vừa sử dụng nhà để ở, vừa làm nơi sản xuất, kinh doanh, chứa hàng hóa, nhất là các mặt hàng, vật liệu dễ cháy, nên khi xảy ra cháy, dễ dẫn đến cháy lan, cháy lớn.

Tình hình cháy xảy ra ở các khu đông dân cư, khu đô thị, khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, các cơ sở kinh doanh, dịch vụ có chiều hướng gia tăng do ý thức chấp hành pháp luật về PCCC của các cá nhân, tổ chức chưa cao, còn vi phạm các quy định về an toàn PCCC. Sự bất cẩn, chủ quan trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt cũng là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy, ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

“Chính vì thế, chúng tôi đặt ra 6 nhiệm vụ trọng tâm trong toàn lực lượng. Thứ nhất, tăng cường, đẩy mạnh hơn nữa công tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia công tác PCCC; tiếp tục tổ chức, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC và CNCH đến từng cán bộ, công nhân viên chức và mọi người dân bằng nhiều hình thức, biện pháp phong phú và đa dạng. Thứ hai, lấy phòng ngừa làm chính, kiên quyết làm giảm đến mức thấp nhất số vụ cháy lớn gây thiệt hại về người và tài sản. Thứ ba, củng cố, kiện toàn lực lượng PCCC cơ sở, dân phòng; tăng cường xây dựng lực lượng PCCC và CNCH thuộc công an huyện, thị xã, thành phố để lực lượng này đủ sức thực hiện nhiệm vụ chữa cháy và CNCH; đảm bảo thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ" trong công tác PCCC (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, hậu cần – kỹ thuật tại chỗ). Thứ tư, tăng cường bảo quản bảo dưỡng phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thường trực sẵn sàng chiến đấu, đủ sức hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao. Thứ năm, mục tiêu của công tác PCCC và CNCH luôn là: “Kiềm chế sự gia tăng về số vụ và thiệt hại do cháy gây ra, phấn đấu làm giảm đến mức thấp nhất số vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng; xây dựng lực lượng PC07 chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại”. Cuối cùng là tiếp tục tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện có hiệu quả về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC” - thượng tá Võ Phúc Thọ, Trưởng phòng PC07 An Giang, nhấn mạnh.

Năm nay 26 tuổi, quê Thanh Hóa,  trung úy Lê Đình Hưng, về công tác tại  Phòng PC07 An Giang tháng 9-2018. Xa xứ, anh xem An Giang - một vùng đất nắng gió thuận hòa - là quê hương thứ 2 của mình. Xa người thân, nên anh đưa vợ con vào thuê nhà ở cạnh đơn vị, vun vén tổ ấm nhỏ. Anh cho rằng, công tác ở bất kỳ đâu đều là công tác, đều có thể cống hiến cho đất nước, cho ngành.

Yêu thích lực lượng vũ trang từ trước, cộng với sự định hướng của gia đình, được tư vấn tuyển sinh quân sự…, anh quyết định thi vào ngành PCCC. Thi lần đầu không đậu, anh quyết tâm ôn luyện, thi lần 2. Ngày nhận giấy báo trúng tuyển, trong lòng anh quẩn quanh hình ảnh người chiến sĩ PCCC trong biển lửa. Hơn bao giờ hết, anh muốn mình trở thành một phần của lực lượng lính cứu hỏa, một người sẵn sàng hy sinh bản thân, để “giữ cái còn trong cái mất”.

Tâm sự với chúng tôi, đôi lúc anh nghẹn lời: “Thời điểm làm thực tập sinh, tôi từng chứng kiến một vụ cháy xưởng bánh kẹo lớn ở quê, thiệt hại rất lớn về tài sản, thậm chí có người chết. Hiện trường là một khoảng không gian tang thương. Các anh cảnh sát PCCC ứng trực suốt đêm để khống chế ngọn lửa, kiệt sức đến mức gục ngã xuống đất, lấy đường vòi làm gối kê đầu chợp mắt, trong khi quần áo ướt sũng, xung quanh là tro tàn. Hình ảnh ấy đập vào mắt, trong giây lát, tôi hoang mang, tự hỏi: vì sao mình lại đi theo ngành này? Nhưng đội trưởng thực tập đã yêu cầu mọi người vực dậy tinh thần, tiếp tục tìm kiếm xác nạn nhân. Mãi đến bây giờ, tôi vẫn không thể nào quên cảnh tượng bi thảm sau đám cháy. Nhưng chính câu chuyện ấy lại giúp tôi trả lời câu hỏi của bản thân mình. Nếu không có lực lượng cảnh sát PCCC, sẽ còn bao nhiêu người nằm xuống trong biển lửa, bao nhiêu của cải tài sản của người dân mất sạch? Vậy nên, tôi hạnh phúc vì đã chọn đúng nghề, vì đã trở thành cảnh sát PCCC”.

Chúng tôi cũng cảm thấy hạnh phúc khi được viết về đề tài này, được lắng nghe nhiều câu chuyện ý nghĩa, tích cực và có điều kiện để chuyển tải đến với bạn đọc, dù rằng bút lực còn hạn chế.

Các chiến sĩ PCCC và CNCH đã trở thành “vàng thật không sợ lửa”, là “lá chắn” kiên cường trước mọi hiểm nguy, là hình tượng người anh hùng dung dị giữa đời thường, được toàn xã hội quý mến…

Bài, ảnh: GIA KHÁNH – NGUYỄN HƯNG

Thiết kế: TRUNG HIẾU