“Hành tứ ân, sống hiếu nghĩa”

09/03/2020 - 06:41

 - Dựa vào triết lý này, tín đồ đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa vừa nghiêm chỉnh hành đạo, vừa chú trọng giúp đời. Khi đất nước bị Pháp, Mỹ xâm lược, các tín đồ sát cánh cùng cách mạng đánh đuổi quân thù. Khi đất nước độc lập, bà con tích cực lao động, sản xuất, sẵn sàng góp công, góp của xây dựng quê hương giàu đẹp.

“Tu nhân - học Phật”

Thị trấn Ba Chúc ngày nay được biết đến là một trung tâm đô thị trù phú ở vùng biên của huyện Tri Tôn nhưng trước đây, thời điểm Đức Bổn Sư Ngô Lợi đưa đệ tử vào khai hoang, mở thôn ấp mới vùng núi Tượng - Ba Chúc và sáng lập đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa (năm 1876), vùng đất này vẫn còn hoang vu, ít người lui tới.

Để tập hợp đông đảo nông dân tham gia mở đất cũng như hưởng ứng phong trào Cần Vương chống Pháp, Đức Bổn Sư gọi tôn giáo do mình sáng lập là đạo Thờ ông bà (sau này tín đồ gọi là đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa hay gọi tắt là đạo Hiếu Nghĩa). Tương tự như đạo Bửu Sơn Kỳ Hương do Phật Thầy Tây An sáng lập, Đức Bổn Sư cũng phát triển Phật giáo theo hình thức “cư sĩ”, nghĩa là tu tại gia, duy trì cuộc sống bình thường.

Để truyền tải tôn chỉ “Tu nhân - học Phật”, Đức Bổn Sư đã biên soạn các bộ kinh hoặc chuyển thành các thể thơ với lời lẽ bình dị, mộc mạc, dễ nhớ và dễ đi vào lòng người, rất phù hợp với trình độ của người dân lúc bấy giờ nên nhanh chóng được tín đồ hưởng ứng.

Cùng với kính thờ và phụng sự tứ ân (ân tổ tiên, ân đất nước, ân tam bảo, ân đồng bào - nhân loại), tín đồ phải hành xử hiếu nghĩa, trong đó “hiếu” là hiếu thảo với ông bà tổ tiên, còn “nghĩa” là nghĩa vụ với đất nước, đồng bào và nhân loại.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm (thứ 3, từ trái sang) chúc Tết đạo hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa

Là một tôn giáo thuần túy nội sinh, ra đời từ phong trào yêu nước nên trong quá trình phát triển, đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa có đóng góp to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Rất nhiều tín đồ đã tích cực tham gia các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam.

Trưởng ban Đại diện Đạo hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa Nguyễn Ngọc Trác cho biết, toàn đạo có 5 mẹ Việt Nam Anh hùng, 3 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và 430 gia đình có công với cách mạng.

Sáng tạo đóng góp cho xã hội

Trong chiến tranh biên giới Tây Nam, vùng Ba Chúc gắn với lịch sử đau thương. Trong 12 ngày chiếm đóng Ba Chúc (từ ngày 18 đến 30-4-1978), quân diệt chủng Pol Pot đã giết hại 3.157 dân thường vô tội, phần lớn là tín đồ đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa.

Sau khi đánh đuổi Pol Pot ra khỏi biên giới, vào cuối năm 1979, chính quyền và đạo hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa, cùng nhân dân, tín đồ đã xây dựng quần thể chứng tích tội ác, trong đó có nhà mồ là công trình chính chứa đựng 1.160 bộ sọ cốt của những nạn nhân thu gom được.

Trong thời gian bị quân Pol Pot tàn sát, nhiều người đã chạy vào chùa Phi Lai, Tam Bửu và chạy lên núi Tượng ẩn náu nhưng cũng không thoát nạn.

Ngày nay, mỗi khi đến lễ giỗ tập thể nạn nhân Ba Chúc (ngày 15 và 16-3 âm lịch), lễ tưởng niệm ngày Đức Bổn Sư Ngô Lợi viên tịch (ngày 12 và 13-10 âm lịch), các lễ cúng, nghi thức tôn giáo, các tín đồ đều đến cúng viếng tại chùa Tam Bửu, Phi Lai và thắp hương tại nhà mồ Ba Chúc. Trong đó, chùa Tam Bửu gắn với lịch sử hình thành và phát triển của đạo, là nơi Trung ương Đạo hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa đặt làm trụ sở.

Công trình đã được công nhận Di tích kiến trúc cấp quốc gia. Trong khi đó, nhà mồ Ba Chúc là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Cả 2 công trình này vừa được trùng tu, tôn tạo tương xứng với giá trị lịch sử, thỏa lòng mong mỏi của nhân dân trong vùng.

Trải qua gần 150 năm hình thành và phát triển, tín đồ đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa vẫn nghiêm chỉnh thực hành tôn chỉ “Tu nhân - học Phật” của Đức Bổn Sư Ngô Lợi. Cùng với hành đạo, bà con tín đồ luôn chăm lo lao động, sản xuất, thi đua yêu nước cũng như tham gia các hoạt động có ích cho cộng đồng.

Trưởng ban Đại diện Đạo hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa Nguyễn Ngọc Trác cho biết, đạo hội thường xuyên kết hợp với chính quyền địa phương thực hiện công tác an sinh xã hội, các mô hình giữ gìn an ninh trật tự, thu gom rác thải…

Thời gian qua, Ban Chỉ đạo mô hình “Tôn giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa đoàn kết giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn thị trấn Ba Chúc”; phối hợp UBMTTQ thị trấn vận động quỹ Cây mùa xuân được 315,5 triệu đồng để hỗ trợ hộ nghèo, khó khăn, người cao tuổi, người già neo đơn vui xuân, đón Tết; vận động cấp 680 phần quà cho hộ cận nghèo với trị giá 190 triệu đồng. Bà con tín đồ thường xuyên hỗ trợ đổ cột bê-tông để xây nhà cho hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn.

“Qua vận động, 405 hộ trong đạo hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa trên địa bàn thị trấn Ba Chúc tự nguyện ký cam kết xây dựng khóm đạt chuẩn an toàn về an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống ma túy, xây dựng gia đình đạt chuẩn văn hóa và cam kết thực hiện đảm bảo vệ sinh môi trường” - ông Trác thông tin.

Tôn giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa trên địa bàn thị trấn Ba Chúc là một trong những tập thể được Huyện ủy Tri Tôn giới thiệu là gương điển hình tiêu biểu trong thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

NGÔ CHUẨN