“Hãy ở nhà, mọi gian khó để chúng tôi lo”

01/08/2021 - 13:25

 - Cùng với nhiều tỉnh, thành phố phía Nam, An Giang tiếp tục hành trình 14 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Thông điệp đối với mọi người dân được cả hệ thống chính trị nhắc đi nhắc lại lúc này là “hãy ở nhà”. Trách nhiệm “ở nhà” thuộc về người dân, còn trách nhiệm của lực lượng chức năng trải đều trên các ngả đường.

Đó là những lực lượng được phân công nhiệm vụ kiểm soát tại các chốt kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt là khu vực cửa ngõ của tỉnh. Lưu lượng người và phương tiện di chuyển liên tục, nên cán bộ, chiến sĩ thay phiên nhau ứng trực theo ca. Đứng điều tiết phương tiện dưới trời nắng gắt hàng tiếng đồng hồ, mệt đến mấy họ vẫn phải hoàn thành nhiệm vụ.

Trên tuyến đường thủy cũng được tổ chức kiểm soát nghiêm ngặt. Toàn bộ quân số của Phòng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh An Giang đều được tận dụng tối đa. Cán bộ, chiến sĩ chia nhau vừa tham gia chốt phòng, chống dịch COVID-19 trên biên giới, trong nội địa, vừa trực tại chốt phong tỏa, vừa đảm bảo nhiệm vụ chuyên môn…

Khi áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, rất nhiều chốt kiểm soát được tổ chức ở các phường, xã, thị trấn, huy động cán bộ, chiến sĩ của ban chỉ huy quân sự cấp xã, công an… Họ phải làm việc trong mọi điều kiện thời tiết, bất kể mưa nắng, không còn phân biệt giữa ngày trong tuần và cuối tuần.

“Cuộc chiến” chống “giặc COVID-19” đang vào cao điểm, nên  khái niệm nghỉ ngơi, giấc ngủ ngon đối với lực lượng làm nhiệm vụ là điều xa xỉ. Một chiến sĩ ăn vội vàng dưới cơn mưa tầm tã, trong khi hộp thức ăn đã nguội lạnh từ lâu…

Có những người lính làm nhiệm vụ ở khu vực cách ly tập trung, vừa quản lý tình hình khu vực, vừa kiêm luôn vai trò phục vụ, vận chuyển thức ăn cho người được cách ly. Nhiều tháng trời, họ không thể bước ra khỏi nơi đây, tự cách ly mình với đơn vị, với gia đình, dành trọn thời gian và sức lực cho nhiệm vụ bảo vệ dân.

Khi lệnh “giới nghiêm” buổi tối được ban hành, các lực lượng chức năng lại thêm một công việc mới: tuần tra, kiểm soát và xử lý hành vi ra khỏi nhà khi không cần thiết, trong khoảng thời gian từ 18 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau.

Họ thường xuyên phải trao đổi, tuyên truyền, giải thích cho người dân về quy định mới, vì sao phải áp dụng xử phạt, xử phạt ở mức độ nào… Khi bị lập biên bản vi phạm, rất nhiều trường hợp năn nỉ, trình bày nguyên nhân “chạy đi công việc gấp”, nhưng không ít người sẵng giọng, quát tháo, chửi mắng lực lượng chức năng. Lời lẽ khó nghe của họ khiến áp lực công việc càng thêm trĩu nặng.

Thật lòng, chẳng có chính quyền địa phương, cơ quan chức năng nào mong muốn xử phạt người dân, khi hiện nay ai nấy đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, từ chuyện việc làm đến sinh hoạt thường ngày. Nhưng nếu lơi lỏng, “di du”, thì nguy cơ bệnh xâm nhập càng lớn, mọi công sức chống dịch của cả xã hội sẽ đổ sông đổ biển.

Chiều muộn, một người đàn ông chạy xe đạp về nhà. Dù ông đã vi phạm “giờ giới nghiêm”, không đeo khẩu trang, nhưng xét thấy hoàn cảnh khó khăn của ông, cán bộ cảnh sát giao thông ở chốt chặn chỉ nhắc nhở, gửi tặng chiếc khẩu trang và dặn ông kể từ hôm nay phải chấp hành quy định chung.

Mỗi ngày tiếp xúc với hàng trăm, hàng ngàn người qua lại, nguy cơ nhiễm bệnh của cán bộ, chiến sĩ rất cao. Ý thức được điều đó, họ tự bảo vệ mình bằng các biện pháp “5K”, xịt khử khuẩn liên tục và khử khuẩn toàn thân cho nhau.

Với nhiều người, ở nhà rất buồn chán, bí bức. Nhưng ở nhà lúc này là một cách “thi hành nhiệm vụ” chống dịch, giống như những người đang ngày đêm làm nhiệm vụ trên mọi nẻo đường.

 Anh Trương Thái Hoàng Tuấn, Khóm Đội trưởng Đông Thành 5 (Ban Chỉ huy Quân sự phường Đông Xuyên, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang), chia sẻ: “Một ngày, ngoài việc trực chốt kiểm soát, chúng tôi còn phải làm nhiệm vụ chuyên môn thường xuyên của ngành quân sự, cùng UBND phường đem lương thực, thực phẩm đến tận nhà dân… Có khi, chỉ chợp mắt được 10-15 phút buổi trưa cho đỡ mệt, rồi anh em lại cùng nhau làm việc đến khuya. Những lúc mệt, lại tự nhủ: “Mình phải giữ vững ý chí, gắng sức vượt qua giai đoạn này”. Chỉ mong, người dân hiểu rõ, đồng thuận và hợp tác với chúng tôi trong phòng, chống dịch”.

GIA KHÁNH