Có thể chế tạo bản sao kỹ thuật số của những người đã qua đời. Ảnh: Pixabay
Một nhóm các nhà khoa học đang nghiên cứu phương thức làm thế nào để chế tạo bản sao kỹ thuật số của những người đã qua đời. Theo nhật báo Dagen, các nhà khoa học này cũng đang lên kế hoạch tạo ra những con robot giống những người đã khuất.
Để phục vụ dự án này, nhà tang lễ Phoenix của Thụy Điển đang tìm kiếm các tình nguyện viên – nhưng người sẽ ‘bật đèn xanh’ giúp các nhà khoa học tái tạo hình ảnh của những người khuất bóng.
Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ được dùng để tái dựng giọng nói của những người chết, cũng như dạy chương trình máy tính trả lời các câu hỏi căn bản, ví dụ những câu hỏi có liên quan đến việc sắp xếp tang lễ. Chương trình được hi vọng sẽ phát triển hơn nữa, để cuối cùng những con robot thế thân có thể trả lời nhanh những câu hỏi về cuộc sống thường nhật hay thời tiết.
Tham vọng của các nhà khoa học Thụy Điển được so sánh với chương trình phát triển AI trong phim truyền hình dài tập gây tranh cãi Black Mirror. Bộ phim xoay quanh các chương trình công nghệ cách mạng tái tạo bản sao con người, không chỉ có khả năng nói mà còn có mối tương tác về mặt thể chất với người thật.
Các nhà khoa học nhấn mạnh cách đây 30 năm, con người chỉ có thể nhớ về người đã khuất qua những bức ảnh chụp khi họ còn sống. Nhưng ngày này, kỹ thuật đã phát triển, giúp những người đang sống có thể trò chuyện với một con robot mang hình bóng của người thân thương, cho phép họ có thể “sống lại” những khoảnh khắc quá khứ hạnh phúc.
Trong khi đó, một số nhà khoa học nổi tiếng thế giới như Stephen Hawking và Elon Musk lại lên tiếng cảnh báo sự nguy hiểm tiềm tàng của công nghệ trí tuệ nhân tạo.
Phát biểu tại một hội nghị ở Lisbon, Bồ Đào Nha, nhà khoa học Hawking nhấn mạnh loài người phải tìm cách kiểm soát máy móc. Mặc dù thừa nhận lợi ích to lớn của AI trong việc giải quyết nghèo đói và bệnh chết người, song nhà vật lí vẫn cho rằng AI có mối liên quan chặt chẽ với những mối nguy khôn lường.
Theo HỒNG HẠNH (Báo Tin tức)