“Kháng thể văn hóa”

29/11/2021 - 07:07

 - Văn hóa có vai trò hết sức quan trọng, là nền tảng tinh thần, động lực phát triển của xã hội. Văn hóa Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc, hình thành nên những giá trị văn hóa Việt Nam cao đẹp, vững bền. Đó là yêu nước, đoàn kết, cần cù, dũng cảm, tài trí, lạc quan, hiếu học, nghĩa tình, khoan dung… Có thể ví von, văn hóa như loại kháng thể, lớp tường thành kiên cố, kiến thiết nước nhà.

Tiếng kèn xung trận

Ngày 24-11-1946, trong phát biểu khai mạc Hội nghị VH toàn quốc lần thứ 1, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định sứ mệnh cao cả của văn hóa “soi đường cho quốc dân đi”, “trong công cuộc kiến thiết nước nhà có 4 vấn đề cùng phải chú ý đến, cùng phải coi trọng ngang nhau: chính trị, kinh tế, xã hội, VH”. Hội nghị VH toàn quốc lần thứ 2 (năm 1948) thể hiện sự phát triển đường lối văn hóa - văn nghệ của Đảng được khởi xướng từ Đề cương về VH Việt Nam năm 1943, với 3 nguyên tắc có tính nền tảng cho toàn bộ sự phát triển của nền VH Việt Nam mới, đó là: dân tộc, khoa học và đại chúng.

Trong “Chủ nghĩa Mác và VH Việt Nam”, Tổng Bí thư Trường Chinh chỉ rõ: “Mục đích của những người làm công tác VH chúng ta là thắng địch, giữ nước, làm cho dân mạnh, dân tiến, dân tin, dân vui, là chống VH nô dịch, ngu dân của thực dân Pháp, khắc phục những tư tưởng phong kiến, lạc hậu trong VH nước nhà, là xây dựng một nền VH dân chủ mới Việt Nam và góp phần VH Việt Nam vào kho tàng VH thế giới”.

Đảng ta đã nhận rõ vai trò to lớn của tầng lớp văn nghệ sĩ, trí thức, giương cao ngọn cờ chí hướng, mở rộng con đường cho hàng nghìn, hàng vạn văn nghệ sĩ cống hiến trọn vẹn tài năng và sức lực, tận hiến cho sự nghiệp cứu nước và dựng nước của dân tộc ta. Vượt qua những năm tháng kháng chiến gian khổ mà anh dũng, lực lượng chiến sĩ VH kháng chiến phát triển và trưởng thành với đội ngũ đông đảo trí thức khoa học tên tuổi lớn như: Giáo sư y khoa Tôn Thất Tùng, kỹ sư Trần Đại Nghĩa, bác sĩ Đặng Văn Ngữ, nhà khoa học Trần Hữu Tước, kỹ sư Võ Quý Huân, kỹ sư Vũ Ðình Huỳnh và kỹ sư Phạm Quang Lễ. Các văn nghệ sĩ tiêu biểu, như: Tố Hữu, Chính Hữu, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Quang Dũng, Hoàng Cầm, Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài, Nam Cao, Nguyễn Đình Thi, Văn Cao, Nguyễn Tuân...

Ngay trong thời gian đầu thời kỳ đổi mới, giữa lúc đời sống còn đang gặp muôn vàn khó khăn, hàng loạt tác phẩm văn học và nghệ thuật đặc biệt xuất sắc đã ra đời, vừa như tiếng kèn xung trận, vừa như ngọn đuốc sáng tạo, góp phần cổ vũ nhân dân ta đấu tranh không khoan nhượng với mặt trái của cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp, với tư duy và quán tính VH của một thời kỳ giáo điều, bảo thủ, cổ vũ cho những nỗ lực, tìm tòi đổi mới, đưa đất nước từng bước thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng trầm trọng kinh tế và xã hội.

Sức mạnh nội sinh

Quan điểm “VH là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội” được nhấn mạnh trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa VII. Năm 1998, trong Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII “xây dựng nền VH Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, lần đầu tiên Đảng khẳng định “VH là sức mạnh nội sinh quan trọng nhất của sự phát triển”.

Cuối nhiệm kỳ khóa XII, Bộ Chính trị ra Kết luận 76-KL/TW ngày 4-6-2020 về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, nhấn mạnh: “Xây dựng và phát triển VH, con người là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị. VH là hồn cốt của dân tộc, là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Đại hội XIII, “sức mạnh nội sinh” được tiếp tục nhắc lại: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền VH Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”. Đây là lần đầu tiên trong văn kiện Đại hội Đảng, Đảng ta đề cập một cách toàn diện và sâu sắc đến lĩnh vực VH, từ chủ đề Đại hội đến các quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược. 

Tại Hội nghị VH toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII vừa diễn ra, Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định, bản sắc, giá trị VH, con người Việt Nam tiếp tục được kế thừa, phát huy cao độ khi đất nước gặp khó khăn, thử thách do thiên tai, dịch bệnh, nhất là đại dịch COVID-19 từ cuối năm 2019 đến nay. Đã có hàng ngàn tỷ đồng được quyên góp để hỗ trợ các địa phương và người dân gặp khó khăn từ ngân sách nhà nước, doanh nghiệp, đoàn thể, cơ quan, doanh nhân và nhà hảo tâm. Hàng trăm ngàn tỷ đồng góp vào Quỹ Phòng, chống COVID-19 và hỗ trợ địa phương, cơ quan, đơn vị, người dân vùng dịch.

“Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của nhà nước, sự tập hợp lực lượng của MTTQ, cả hệ thống chính trị, các giới, lực lượng đã hăng hái đi đầu trong cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh. Nhiều công trình, tác phẩm VH, văn nghệ ra đời để động viên, khích lệ, tôn vinh tập thể, cá nhân tiêu biểu. Nhiều đơn vị VH, văn nghệ, văn nghệ sĩ đã hăng hái đi vào vùng tâm dịch để ghi hàng cứu trợ, tổ chức biểu diễn nghệ thuật, triển lãm…” - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhận xét.

 

Đúc kết chiều dài lịch sử và hiện tại, từ những thành quả và hạn chế đã có, một lần nữa, VH được đặt ngang hàng, phát triển hài hòa với kinh tế, chính trị, xã hội. Phải bảo đảm yếu tố VH và con người trong phát triển kinh tế, để tạo “kháng thể” thích ứng với xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các công nghệ mới, hiện đại và trước sự tác động của thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng

 

Bài, ảnh: GIA KHÁNH