“Mở cửa” cho núi Cấm

05/01/2018 - 01:13

 -  Núi Cấm (xã An Hảo, Tịnh Biên) mang vẻ đẹp hùng vĩ, ẩn chứa nhiều câu chuyện và điểm đến tâm linh thú vị. Gắn bó với ngọn núi là 700 hộ dân, với 3.000 nhân khẩu. Từ bám núi, bám vào rẫy vườn trên núi, họ dần ổn định cuộc sống, chuyển sang thích nghi với nhịp sống đặc thù của khu du lịch (KDL). Tuy nhiên, còn không ít nỗi trăn trở quanh ngọn núi này, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của các hộ dân.

Cư dân bám núi

Tập quán canh tác rẫy vườn trên núi trở thành nét đặc trưng của cư dân nơi đây, giúp họ gắn bó hơn với núi. Đến khi núi Cấm trở thành KDL, một số người dân “thức thời”, chuyển sang kinh doanh dịch vụ DL, như: mở nhà nghỉ, quán ăn, quà lưu niệm, tạp hóa, nhang đèn…

Bà Nguyễn Tuyết Hoa (sinh năm 1970) sống nhờ vào mua bán nước giải khát phục vụ khách DL. Mỗi năm, từ Tết Nguyên đán kéo dài tới qua mùa vía Bà, khách đến núi Cấm rất đông, tạo thu nhập tương đối ổn định cho những người như bà Hoa.

Thời gian còn lại, khách đến lai rai, chủ yếu đi hành hương, cúng bái tâm linh, nên ít chi tiêu. Người có đất canh tác thì chuyển sang trồng trọt, vụ mùa, bù lại thu nhập thiếu hụt. Nhưng dẫu sao, vẫn có đồng vô đồng ra, tạm đủ xoay sở.

Theo ông Trần Minh Hòa, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã An Hảo, khi KDL được đầu tư cơ sở hạ tầng, thu hút du khách thì đời sống người dân  được nâng cao hơn trước, thu nhập bình quân đầu người khoảng 32 triệu đồng/năm. Người dân chí thú làm ăn, tính tình hiền hòa, dễ mến.

Thế nhưng, nhiều năm nay, người dân phải đối mặt với một số bất cập. Theo Chỉ thị số 05/2002/CT.UB ngày 22-1-2002 của UBND tỉnh, nhằm tăng cường việc quản lý KDL núi Cấm được chặt chẽ, hiệu quả, phù hợp với quy hoạch phát triển lâu dài và vẫn đảm bảo công tác quốc phòng, UBND tỉnh yêu cầu các ngành, UBND huyện Tịnh Biên, xã An Hảo rà soát lại số người được và không được ở khu vực trên núi.

Những người được ở (kể cả người chăm sóc cơ sở thờ tự) phải gắn với công tác trồng rừng, sản xuất, mua bán ổn định lâu dài, đồng thời thực hiện nghĩa vụ phòng, chống cháy rừng, bảo vệ an ninh, trật tự, nghiêm chỉnh thực hiện đúng quy hoạch của cơ quan thẩm quyền.

Số còn lại sắp xếp đưa xuống bố trí dưới chân núi. Nghiêm cấm không cho người mới định cư và áp dụng mọi biện pháp không cho xây dựng trái phép; cấm mua bán, sang nhượng đất đai khu vực quy hoạch trên núi.

Từ chỉ thị này, UBND xã An Hảo chỉ được cấp phép sửa chữa theo hiện trạng nhà cũ (từ đơn xin phép của người dân trên núi); còn mọi việc xây dựng mới đều phải có giấy phép xây dựng của UBND huyện. Việc tách, nhập hộ khẩu rất hạn chế, nhằm ổn định hộ khẩu, nhân khẩu nơi đây.

Vướng mắc trong quản lý hành nghề

Nghề phổ biến nhất của người dân trên núi hiện nay là chạy Honda đầu và chụp ảnh. KDL thu hút 1.145 người chạy xe Honda đầu, 158 thợ nhiếp ảnh (là người dân địa phương lẫn các xã lân cận, được Ban Quản lý (BQL) KDL núi Cấm cấp phép hành nghề), trong số đó nhiều người đăng ký cả 2 nghề.

Mấy năm nay, đội xe môtô 2 bánh vận chuyển khách trong KDL núi Cấm hoạt động theo hình thức nghiệp đoàn, đã dần đi vào ổn định. Việc phân bổ tài chuyến, nội quy hoạt động, xử lý sai phạm, mức thu phí… được quy định cụ thể trong nhiều văn bản. Giờ đây, tình trạng chèo kéo, tranh giành khách, hét giá cắt cổ, chạy lòn lách đường rừng… giảm rất nhiều.

Chia sẻ với phóng viên, nhiều người hành nghề chạy Honda đầu phản ánh, vẫn còn nhiều điểm họ cảm thấy chưa ổn thỏa trong quá trình điều hành, quản lý của BQL KDL núi Cấm.

Ông T.T.T, một tài xế Honda đầu kiêm thợ chụp ảnh cho biết: “Việc rước người thân quen của gia đình lên núi dự đám tiệc rất khó khăn. Chúng tôi phải báo trước cho người làm nhiệm vụ về thời gian, địa điểm, số lượng người đến tham dự, để xin phép qua cửa, khỏi phải tốn phí và thuê xe Honda như du khách thông thường. Tuy nhiên, có khi không được giải quyết đủ số người đã xin phép, hoặc chậm trễ, gây phiền hà cho người ở xa.

Bên cạnh đó, mỗi tài xế phải mua phiếu xuất bến 4.000 đồng/lượt khách. Thực tế, tài xế thường phải chi 5.000 đồng, vậy số tiền lẻ đi về đâu? Việc thu phí quản lý đội nhiếp ảnh 720.000 đồng/năm/người không phù hợp, không đúng với mục đích ban đầu đề ra".

Đó là những bức xúc của các cá nhân hành nghề trên núi Cấm mà phóng viên ghi nhận được. Trao đổi với phóng viên, Trưởng BQL KDL núi Cấm Phạm Văn Dũng bày tỏ không ít băn khoăn. Trả lời các phản ánh của cá nhân hành nghề, ông Dũng cho rằng BQL đã thực hiện đúng theo quy định, văn bản có liên quan của tỉnh, huyện, đã lấy ý kiến thống nhất trong đội ngũ hành nghề.

Nếu họ có căn cứ về việc tổ chức thu phí tài chuyến 5.000 đồng/lượt hoặc nhân viên thu phí tài chuyến cố tình không hoàn lại 1.000 đồng tiền thừa thì cung cấp để ban lãnh đạo đơn vị xử lý nghiêm minh.

Việc rước người thân lên đám tiệc trên núi luôn được tạo điều kiện, chỉ không cho phép cá nhân chạy xe lên núi khi không có giấy phép do chính quyền địa phương cấp. “Đặc biệt, việc thu phí quản lý đội ngũ hành nghề nhiếp ảnh nhằm ràng buộc người hành nghề tuân thủ quy định chung, làm chi phí hoạt động cho cán bộ làm nhiệm vụ.

Đội quản lý sẽ giám sát, điều hành quá trình hành nghề chụp ảnh, không để xảy ra tình trạng người không được cấp phép vào chụp ảnh, tranh giành khách với người đã được cấp phép; tổ viên tổ này qua tổ khác hoạt động...

Trong 158 người được cấp phép hoạt động, 17 người tự nguyện rút lui, không hoạt động; 51 người nộp phí 100%; 54 người nộp 50%; còn 36 người không nộp phí, nhưng vẫn hành nghề. Người đã nộp tiền thì yêu cầu BQL bảo vệ quyền lợi, còn người không nộp thì có thái độ bất hợp tác” - ông Dũng phân tích.

Tìm giải pháp tháo gỡ

Theo ông Dũng, nhìn rộng ra, mâu thuẫn giữa người dân và BQL KDL núi Cấm xuất phát từ việc họ đánh đồng tên gọi “BQL KDL” với “BQL các dự án đầu tư xây dựng” trước đó, liên quan đến đất đai của họ trên núi Cấm. Chỉ khi giải quyết được vướng mắc này, người dân mới có cái nhìn thiện cảm, thông suốt hơn đối với quá trình quản lý của BQL KDL núi Cấm.

Bên cạnh đó, các ngành chức năng, đặc biệt là công an, cần xây dựng đề án quản lý, bảo vệ an ninh trật tự trên núi một cách căn bản, như: có chế tài xử lý cá nhân vi phạm Luật An toàn giao thông, hoạt động “chui”, lưu trú qua đêm bất hợp pháp, gây rối trật tự và chống người thi hành công vụ...

Trở lại câu chuyện về đời sống của người dân trên núi, ông Trần Minh Hòa, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã An Hảo băn khoăn: “Tỉnh có chủ trương dời dân xuống núi, xây dựng tuyến dân cư cho họ ở. Đó là 117 hộ định cư trên núi sau năm 2002 (kể cả hộ thường trú hoặc chỉ tạm trú). 572 hộ dân định cư trước năm 2002 vẫn được ở lại trên núi.

Tuy nhiên, tuyến dân cư vẫn chưa xây dựng, còn việc di dời dân để tập trung phát triển DL trên núi Cấm xem ra khó khả thi. Trong khi đó, công tác quản lý Nhà nước còn nhiều bề bộn, địa phương khó xử lý việc sang nhượng, xây dựng trái phép".

Theo UBND huyện Tịnh Biên, địa phương đã mở các cuộc họp, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của người dân; nhiều lần kiến nghị, đề xuất, xin ý kiến tỉnh xung quanh các vấn đề trên.

Ngày 3-8-2017, Thanh tra tỉnh ban hành kết luận thanh tra về việc quản lý, sử dụng đất đai tại KDL núi Cấm. Sau khi xem xét, Chủ tịch UBND tỉnh Vương Bình Thạnh đồng ý với các kiến nghị của Thanh tra tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát các dự án đầu tư, tham mưu UBND tỉnh có cơ chế để tác động đối với những dự án chậm triển khai.

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan nghiên cứu một số chính sách, chủ trương thống nhất về tạo quỹ đất sạch tại núi Cấm thu hút đầu tư hoặc chính sách để nhà đầu tư tạo quỹ đất. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp rà soát lại tổng thể các quy hoạch tại núi Cấm, qua đó kiến nghị điều chỉnh những quy hoạch không còn phù hợp.

Sở Văn hóa - Thể thao và DL chủ trì, phối hợp Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Tịnh Biên chấn chỉnh công tác quản lý về DL, xây dựng, môi trường và hoạt động kinh doanh; thiết lập lại trật tự tại khu vực. UBND huyện Tịnh Biên tiếp tục hoàn chỉnh hạ tầng, giao thông để thu hút đầu tư tại KDL; rà soát việc chuyển nhượng đất sai quy định, chấn chỉnh ngay những hạn chế, thiếu sót, việc quản lý lỏng lẻo đối với các hoạt động tại KDL...

Theo Thanh tra tỉnh, quá trình thực hiện các dự án trên núi Cấm, một số hộ dân khiếu nại, được UBND huyện và tỉnh giải quyết theo thẩm quyền xong vào năm 2011. Gần đây, 4 hộ phát sinh khiếu nại, đề nghị xem lại vụ việc trên. UBND tỉnh giao Thanh tra tỉnh rà soát, xem xét lại chính sách, nội dung khiếu nại để tham mưu UBND tỉnh hướng giải quyết. Đơn vị đã cùng các ngành, UBND huyện Tịnh Biên tiếp xúc, ghi nhận ý kiến họ. Hiện nay, đơn vị hoàn chỉnh các báo cáo, đang đăng ký báo cáo với UBND tỉnh.

 

Bài, ảnh: KHÁNH HƯNG