‘Mùa Đông rối loạn’: Điềm báo cho ‘mùa Xuân thịnh nộ’ ở châu Âu?

12/12/2018 - 15:01

Châu Âu đang trải qua một mùa Đông “nóng” khi sắc “Áo vàng” mang theo làn sóng biểu tình từ Pháp đã vượt biên giới, lan nhanh sang Bỉ, Hà Lan, Italy…

Tình trạng bất ổn kinh tế-xã hội tồn tại một thời gian dài chưa được giải quyết, những mâu thuẫn âm ỉ tại nhiều nước, ví như “bom nổ chậm,” có vẻ đang được “kích hoạt” nhờ hiệu ứng từ phong trào “Áo vàng.” Khủng hoảng xã hội, mất an ninh nghiêm trọng hay chủ nghĩa dân túy trỗi dậy mạnh mẽ là hệ lụy đang được nhắc  tới.

Nếu coi cuộc biểu tình ban đầu phản đối tăng thuế nhiên liệu ở Pháp là “đốm lửa” của sự bất mãn, thì sau 3 tuần nó đã bùng lên thành ngọn lửa lớn làm rối loạn xã  hội.

Phong trào biểu tình “Áo vàng” tại Bỉ xuất hiện ở vùng nói tiếng Pháp Wallonie đã lan tới thủ đô Brussels để phản đối tình trạng giá cả sinh hoạt và nhiên liệu tăng cao.

Tại Hà Lan, những người “Áo vàng” xuống đường đòi giải quyết vấn đề chi phi sinh hoạt đắt đỏ, tăng tuổi nghỉ hưu, người nhập cư và yêu cầu Thủ tướng Mark Rutte từ chức.

Chênh lệch giàu-nghèo đang được coi là “cơn sóng ngầm” có nguy cơ tàn phá nhiều giá trị xã hội ở châu Âu

Khoảng 70.000 người cũng đã tập trung tại Turin, miền Bắc Italy, phản đối chính phủ thực thi dự án xây dựng tuyến đường hầm xe lửa xuyên dãy Alps, được cho là gây lãng phí ngân sách công.

Có thể thấy một “mẫu số chung” cho tâm lý giận giữ, phản kháng của một bộ phận người dân châu Âu là sự mệt mỏi, chán nản khi kinh tế vẫn chưa hoàn toàn hồi phục sau cú sốc khủng hoảng tài chính, tăng trưởng èo uốt không đủ tạo thêm việc làm, an ninh không được đảm bảo, đói nghèo gia tăng, và hơn hết là sự bất công xã hội, khiến bất bình đẳng ngày một nới rộng. Chênh lệch giàu-nghèo đang được coi là “cơn sóng ngầm” có nguy cơ tàn phá nhiều giá trị xã hội ở châu Âu.

Người biểu tình 'Áo vàng' gây bạo loạn tại Brussels, Bỉ ngày 8-12-2018. (Ảnh: THX/TTXVN)

Khoảng 25% dân số Liên minh châu Âu (EU), tương đương 119 triệu người, đang phải sống trong cảnh nghèo khổ. Hơn 1/3 số người dân không có đủ tài chính để dự phòng những trường hợp bất khả kháng xảy ra. Nhóm 20% số người giàu nhất có thu nhập cao gấp 5 lần so với 20% người nghèo nhất. Còn trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), 10% số hộ gia đình giàu có nhất sở hữu hơn một nửa số tài sản của cả khu vực.

Hình ảnh một bộ phận không nhỏ người có thu nhập thấp ở châu Âu gắn với sự tuyệt vọng về kinh tế, căng thẳng về xã hội, cuộc sống bấp bênh, thất nghiệp, bị phân biệt đối xử... Trong môi trường “ thiếu vắng sự hy vọng vào ngày mai, sự chán nản đang gặm nhấm tầng lớp trung lưu và lao động, những người đã phải chịu đựng gánh nặng từ khủng hoảng tài chính (2008) và cắt giảm ngân sách,” như lời ông Niels Planel, một tư vấn viên người Pháp, thì việc lôi kéo người dân xuống đường tham gia các cuộc biểu tình phản đối chính phủ như ở Pháp, không phải là việc khó khăn.

Phân hóa xã hội đang trở thành vấn đề trầm trọng ở châu Âu

Ngoài những đối tượng biểu tình quá khích gây ra các vụ bạo loạn phá hoại, rất nhiều người tham gia phong trào “Áo vàng” ở Pháp xuống đường để biểu thị tâm trạng bất an và bế tắc khi cảm thấy mình bị lãng quên, tiếng nói không được lắng nghe, yêu cầu chính đáng không được đáp ứng. Ẩn sau những chiếu áo khoác gile phản quang là cảnh ngộ của những người lao động thu nhập thấp, người về hưu, người thất nghiệp... đang lâm vào cảnh khó khăn kinh tế, trong khi các chính sách của chính phủ dường như chưa đủ mạnh để giải quyết được vấn đề.

Châu Âu từng chứng kiến cuộc biểu tình “giận dữ” ở Hy Lạp hay những cuộc tuần hành “phẫn nộ” ở Tây Ban Nha, khi người dân phải “è cổ” dưới gánh nặng nợ công và chính sách “thắt lưng buộc bụng.” Nhiều người xuống đường tham gia biểu tình với suy nghĩ rằng chính sách của chính phủ là “bắt người nghèo trả giá cho sai lầm của người giàu,” không đáp ứng được nguyện vọng của họ mà chỉ phục vụ lợi ích của những nhóm đặc quyền đặc lợi. Phân hóa xã hội đang trở thành vấn đề trầm trọng ở châu Âu.

Đó cũng là nguyên nhân cuộc biểu tình “Áo vàng” tại Pháp vượt xa khỏi mục đích ban đầu là phản đối việc tăng thuế xăng dầu, chuyển thành tăng lương hưu, tăng lương tối thiểu, thậm chí là sang các mục tiêu chính trị, phản đối chính phủ, đòi Tổng thống Emmanuel Macron phải từ chức, giải tán quốc hội và tổ chức bầu cử trước thời hạn.

Người biểu tình 'Áo vàng' tại thủ đô Paris, Pháp ngày 1-12-2018. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tuy nhiên, câu chuyện bất bình đẳng xã hội hay những bức xúc chưa được giải quyết dường như cũng chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm.” Châu Âu vài năm nay đảo lộn giữa sự chia rẽ sâu sắc và mất lòng tin sau hàng loạt “cú sốc,” từ khủng hoảng di cư , Brexit… và đỉnh điểm là làn sóng dân túy cực đoan lan rộng.

Nếu cách đây 1 năm rưỡi, chiến thắng của ông Macron trước ứng cử viên cực hữu chống châu Âu Marine Le Pen trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp được xem là “bức tường thành” ngăn chặn sự nổi lên của chủ nghĩa dân túy ở châu Âu, thì nay “bóng dáng” của tư tưởng dân túy cực đoan đang quay trở lại từ làn sóng biểu tình “Áo vàng.” Hàng loạt chính khách của các đảng dân túy cực hữu ở châu Âu đã ngay lập tức cổ xúy cho phong trào “Áo vàng.”

Cuộc khủng hoảng từ nước Pháp vô hình trung đang trở thành “bàn đạp” của phe dân túy cực đoan

Cuộc khủng hoảng từ nước Pháp vô hình trung đang trở thành “bàn đạp” của phe dân túy cực đoan khi chỉ còn 5 tháng nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử nghị viện châu Âu. Khi cử tri bất mãn với các chính đảng cầm quyền, cơ hội nhiều khả năng chuyển sang các đảng phái theo đường lối dân túy, dân tộc chủ nghĩa cực đoan.

Bên cạnh đó, bạo loạn bùng phát không chỉ đơn thuần là hậu quả của những khó khăn về kinh tế hay bất ổn xã hội. Những gì là mặt trái của xã hội văn minh phương Tây, của chủ nghĩa tự do cá nhân dẫn tới sự vô tổ chức, vô chính phủ, mất kiểm soát... đang được thể hiện qua các vụ biểu tình bạo lực. Đằng sau đó còn là lối sống thực dụng, sùng bái vật chất, cá nhân, vị kỷ, thích phá phách trong một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên châu Âu.

Cảnh sát bắt giữ người biểu tình 'Áo vàng' gây bạo loạn tại Brussels, Bỉ ngày 8-12-2018. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ở Pháp, người ta nói nhiều tới hiện tượng thanh niên gây rối và đốt xe vào đêm Giao thừa hằng năm, như một cách “thể hiện mình”, xuất hiện lần đầu tiên sau các vụ bạo loạn năm 2005 tại các khu ngoại ô Paris và liên tục lặp lại vào các năm sau đó. Năm 2013, khoảng 1.200 xe ôtô đã bị đốt, con số này tới năm 2017 đã giảm, song cũng lên tới trên 650 xe. Giới chức châu Âu từng cảnh báo rằng tình trạng thiếu các chuẩn mực đạo đức, thiếu hụt một nền tảng gia đình vững chắc, rạn nứt các rường cột xã hội… là nguyên nhân khiến xã hội châu Âu trở nên bất ổn.

Những vụ biểu tình biến thành bạo lực cũng cho thấy khoảng cách từ sự thất vọng, bất mãn và phẫn nộ tới các hành vi quá khích, phá phách, bạo lực hay cực đoan đang ngày càng thu hẹp. Kèm theo đó là nguy cơ mất an ninh trật tự và ổn định xã hội ở châu Âu.

Sau thất bại chính trị của Thủ tướng Đức Angela Merkel, nước Anh vẫn chật vật trong lộ trình “chia tay” EU, đặc biệt là sự trỗi dậy của làn sóng dân túy, chống hợp nhất châu Âu, các vụ biểu tình “Áo vàng” như một đợt gió mạnh góp thành cơn bão làm “lung lay” ngôi nhà chung châu Âu. Sự thống nhất của EU trong tương lai đang bị đặt câu hỏi, nhất là khi những quốc gia đầu tàu EU như Pháp hay Đức đều gặp rắc rối.

Làn sóng biểu tình “Áo vàng” trong một “mùa Đông rối loạn” có thể là điềm báo của “mùa Xuân thịnh nộ” ở châu Âu

Bản thân Tổng thống Pháp Macron là người “đi đầu” trong các nỗ lực “phục hưng” EU với những đề xuất tham vọng nhằm nâng tầm ảnh hưởng và vai trò của khối này trên toàn cầu. Tuy nhiên, các vụ biểu tình bạo loạn vừa qua đã khiến hình ảnh của ông nói riêng và nước Pháp nói chung bị ảnh hưởng. Uy tín của ông Macron và vị thế của nước Pháp phần nào bị sứt mẻ làm gián đoạn tiến trình cải cách và liên kết châu Âu, trong bối cảnh EU đang trải qua một cuộc khủng hoảng nội bộ và những nền tảng của khối này đang có nguy cơ sụp đổ.

Làn sóng biểu tình “Áo vàng” trong một “mùa Đông rối loạn” có thể là điềm báo của “mùa Xuân thịnh nộ” ở châu Âu, khi mâu thuẫn, bất mãn và chia rẽ còn hiện hữu trong lòng xã hội. Đối với giới chức châu Âu lúc này, bên cạnh những giải pháp hiệu quả cho những vấn đề kinh tế-xã hội gây bức xúc, quan trọng hơn, là tìm cách hàn gắn rạn nứt xã hội và khôi phục lòng tin của người dân./.

Xung đột bùng phát giữa cảnh sát chống bạo động (phải) và người biểu tình 'Áo vàng' gây bạo loạn tại Paris ngày 1-12-2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo NGỌC HÀ (TTXVN)