Các em học sinh Trường Tiểu học “B” An Thạnh Trung hào hứng khui heo đất
Sau một năm gián đoạn do dịch bệnh COVID-19, năm học 2022-2023, hầu hết các trường đều phát động phong trào “Nuôi heo đất”. Tại Trường Tiểu “B” An Thạnh Trung (xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới), mô hình được các em học sinh nhiệt tình hưởng ứng.
Thầy Đặng Duy Nam (Tổng phụ trách đội Trường Tiểu học “B” An Thạnh Trung) cho biết, phong trào “Nuôi heo đất giúp bạn đến trường” được triển khai khoảng 10 năm. Phong trào giúp các em học sinh hình thành thói quen tiết kiệm, góp phần chăm lo cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vượt khó học giỏi; gây quỹ lớp và tổ chức các hoạt động, phong trào thiếu nhi. Phong trào còn góp phần giáo dục tinh thần yêu thương, “Lá lành đùm lá rách” trong toàn trường; giáo dục nhân cách và kỹ năng sống và thể hiện tinh thần “Tương thân tương ái” giữa học sinh với nhau.
Để phát triển phong trào, mỗi lớp được nhà trường phát một con heo nhựa có ghi tên lớp. “Ống heo” được đặt ở nơi thuận tiện của lớp học, có phân công học sinh quản lý. Hàng tuần, trong tiết sinh hoạt lớp hoặc hàng ngày vào đầu tiết học, sẽ vận động học sinh tham gia bỏ tiền tiết kiệm vào heo đất tùy theo khả năng của từng em, không quy định số tiền cụ thể và không bắt buộc.
Em Phạm Thị Thanh Trúc (học lớp 5A) chia sẻ: “Mô hình “Nuôi heo đất” rất có ý nghĩa, em và các bạn đều tham gia thực hiện. Mỗi ngày, sau giờ ra chơi, ăn quà bánh còn dư tiền là em bỏ ống heo từ 1.000-2.000 đồng. Thông qua mô hình, chúng em có thể học được cách tiết kiệm, quan tâm sẻ chia với những bạn có hoàn cảnh khó khăn”.
Cũng theo thầy Nam, phong trào “Nuôi heo đất giúp bạn đến trường” được triển khai 2 đợt trong năm học, thời gian triển khai vào đầu mỗi học kỳ. Đến cuối học kỳ sẽ tiến hành "khui" heo đất công khai dưới cờ, trước sự chứng kiến của ban giám hiệu, cha mẹ học sinh, giáo viên và học sinh. Với 28 lớp học, 809 học sinh, mỗi đợt phát động thu về số tiền 3-4 triệu đồng.
Số tiền đóng góp do thủ quỹ nhà trường quản lý có sổ thu chi riêng… dùng để phát quà Tết, đồng phục, tặng góc học tập, dụng cụ học tập cho các em có hoàn cảnh khó khăn, học sinh nghèo vượt khó, học sinh có nguy cơ bỏ học. Một phần số tiền dùng để thực hiện các công trình, phong trào do Liên đội phát động. Lớp giữ lại 50% số tiền bỏ ống heo sau mỗi đợt để làm quỹ lớp.
Ở cấp THCS, phong trào “Nuôi heo đất” cũng được triển khai mạnh mẽ trong năm học này. Tại Trường THCS Hòa Lạc (xã Hòa Lạc, huyện Phú Tân), phong trào được các em học sinh nhiệt tình hưởng ứng. Theo thầy Đỗ Văn Thiệt (Tổng phụ trách Đội, Trường THCS Hòa Lạc), để phong trào phát triển mạnh, hàng tuần, trong tiết sinh hoạt lớp, giáo viên chủ nhiệm sẽ vận động học sinh bỏ tiền tiết kiệm vào heo đất. Tùy theo điều kiện của từng lớp mà lựa chọn hình thức phù hợp. Bên cạnh, tùy vào khả năng của học sinh mà vận động bỏ ống heo, không quy định số tiền cụ thể, hoặc tổ chức thu gom giấy vụn để bán và lấy tiền bỏ vào heo đất.
Bên cạnh đó, Tổng phụ trách Đội, Ban Chỉ huy Liên đội đưa nội dung phong trào “Nuôi heo đất” vào các buổi sinh hoạt dưới cờ đầu tuần, chương trình phát thanh măng non, sinh hoạt lớp, hoạt động ngoài giờ lên lớp, sinh hoạt Đội... nhằm nhắc các bạn thực hiện. Đảm bảo cho tất cả các bạn tham gia đều hiểu rõ lợi ích trước tiên là cho bản thân, cho bạn mình, sau đó là lợi ích chung cho xã hội.
Việc "khui" heo đất được tổ chức tại lớp (lớp giữ lại 80%, nộp 20% về Liên đội), số tiền có được sẽ làm quà, phần thưởng hoặc học bổng, hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế cho các bạn học sinh nghèo… Sau khi khui heo đất và tổng kết những kết quả đã đạt, Liên đội sẽ có hình thức khen thưởng từng tuần và cộng vào điểm thi đua của lớp.
Có thể thấy, mô hình “Nheo đất” đã góp phần lan tỏa yêu thương trong cuộc sống, giúp bạn nghèo vượt qua khó khăn, tiếp tục đến trường. Nhờ phong trào mà nhiều em học sinh có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ tiếp bước đến trường, không bỏ học giữa chừng. Tuy là phong trào nhỏ giúp cho học sinh hình thành thói quen tiết kiệm, nhưng ý nghĩa mang lại rất lớn, góp phần chăm lo các bạn có hoàn cảnh khó khăn, giáo dục tinh thần yêu thương, giáo dục nhân cách cho học sinh.
ĐỨC TOÀN