“Săn” cá sát theo con nước

03/08/2022 - 06:54

 - Tháng 8, dòng sông Hậu ngả màu ngầu đục, cũng là lúc những “ngư phủ” tất bật dùng vợt xúc cá sát, kiếm thêm thu nhập. Cá sát sông thuộc loại da trơn, muốn khai thác được nhiều, ngư dân phải canh theo con nước...

Loài cá ủ mắm

Cơn mưa hè lất phất lùa qua mặt sông Hậu làm ướt sũng những người đang mưu sinh bằng nghề chài lưới. Bất chợt, gió xô sóng nước ràn rạt, vỗ oàm oạp vào mạn xuồng anh Nguyễn Văn Đen (Hai Đen, ngụ cồn Phó Ba, xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang).

 Ở cái tuổi 35, nhưng Hai Đen vẫn còn độc thân và mưu sinh bằng nghề “hạ bạc” sông sâu. Ngày nào cũng vậy, tờ mờ sáng trên chiếc xuồng cui, Hai Đen rảo quanh khắp làng bè nổi để xúc cá sát, cá mè vinh, cá điêu hồng đem ra chợ bán. Chiếc vợt xúc cá sát được Hai Đen đan rất to, rộng hơn 3m2.

Chỉ cần bơi chiếc xuồng cui lừ đừ theo những chiếc bè nổi là Hai Đen thu hoạch được vô số “chiến lợi phẩm”. Biết được loài cá sát thường tập trung phía sau đuôi bè kiếm ăn, nên Hai Đen chầm chậm đưa cán vợt sâu xuống tận đáy nước, rồi nhanh tay kéo lên. Những con cá sát nhảy xoi xói nằm gọn trong mành lưới, trông rất mê mắt!

Cá sát sông được bày bán tại chợ

Tóm chiếc vợt bỏ những con cá sát to vào khoang xuồng, Hai Đen nhớ lại: “Ngày trước, loài cá này ít ai ăn lắm. Bởi, khi lũ về cá sát sinh sôi dày đặc trên sông, dân chài lưới rất sợ. Ngư dân nào chài dính cá sát thì coi như khóc ròng cả ngày. Vì loài cá này có ngạnh sắc bén, rất khó gỡ…”.

Cái thời cha ông đi khẩn hoang, loài cá sát sông thường được dân nghèo dùng để ủ nước mắm. Dần dà, loài cá này cạn kiệt trong tự nhiên. Có lúc cá sát khan hiếm do vấn nạn khai thác bằng xung điện và môi trường sống bị thu hẹp.

“Chích điện, cá nhỏ, cá lớn nổi phơi bụng. Nhờ bà con phát triển nghề nuôi cá bè ven sông nên cá sát có nguồn thức ăn thừa và nơi trú ẩn trong tự nhiên. Nhờ vậy, tui xúc dính được nhiều cá sát to như vầy” - Hai Đen cười hỉ hả.

Đặc sản trứ danh

Sống ngoài thiên nhiên nên loài cá sát rất nhút nhát. Nhờ có chỗ trú ẩn, loài cá này sinh sản mạnh. Tận dụng thức ăn dư thừa từ những bè nuôi cá, loài cá sát tranh nhau thưởng thức nên lớn nhanh phơi phới. Ông Trọng (người chuyên đi xúc cá sát ven sông Hậu) nói rằng, loài cá sát luôn sống quanh quẩn theo đáy bè. Canh theo con nước lớn, ròng, ngư dân dùng vợt xúc dính rất nhiều cá. Có người trúng mánh thu hoạch mẻ cá sát đầy khoang xuồng.

“Dạo đó, tui xúc dính một vợt hơn 10kg, những con cá sát da bóng loáng, trông rất ngon. Người dân gặp là mua ngay. Theo kinh nghiệm của tui, con nước vừa lớn chính là thời điểm đàn cá sát bơi ra khỏi đáy bè tìm thức ăn nên dễ xúc nhất” - ông Trọng bật mí.

Nếu ngày trước, cá sát sống ngoài thiên nhiên nhiều đến nổi người dân dùng để ủ nước mắm, thì nay, loài cá này trở thành món ăn đặc sản của nhà hàng. Hiện tại, giá cá sát bán tại chợ dao động từ 100.000-180.000 đồng/kg, tùy lớn nhỏ. “Cá sát loại 8 con/kg có giá 200.000 đồng/kg. Loại này hiếm gặp, có bao nhiêu thì người ta mua hết bấy nhiêu” - ông Trọng cho hay.

Gặp chúng tôi, chị Tuyền (một bạn hàng buôn cá lâu năm tại chợ Long Xuyên) đon đả mời chào, cá sát cỡ 2 ngón tay có giá 100.000 đồng/kg, loại 20 con/kg dao động từ 150.000-180.000 đồng/kg. Những loại cá sát to thường được bạn hàng rọng sống bằng ô-xy để giao cho nhà hàng.

Bưng thau cá từ dưới sông lên chợ bán, anh Trần Văn Hải bộc bạch: “Hôm nào trúng mánh, tui xúc dính hơn 5kg cá sát sông, bạn hàng thu mua với giá 120.000 đồng/kg, bỏ sở hụi thu nhập ngót nghét 400.000 đồng”.

Nhà không ruộng rẫy, với số tiền thu nhập này anh Hải đủ trang trải cuộc sống gia đình và nuôi con ăn học. Anh Hải trầm tư: “Quanh năm sống bằng nghề “hạ bạc” quen rồi! Những chiếc bè nuôi cá được xem là nơi kiếm cơm của đa số bà con sống ven sông Hậu. Nhờ vậy, chúng tôi bám trụ lại quê hương với nghề chài lưới này”.

Chiều buông! Rảo một vòng bến chợ Long Xuyên, chúng tôi bắt gặp nhiều “ngư phủ” bưng bê thau cá còn nhảy lách chách lên chợ bán. Người bán, người mua kỳ kèo ngả giá, bỗng chốc sôi động hẳn cả bến sông. Cái chợ này đặc biệt lắm! Chuyên bán cá thiên nhiên do “ngư phủ” khai thác trên dòng sông Hậu. Chợ họp, rồi tan chóng vánh trong buổi chiều tà tắt nắng. Những “ngư phủ” lặng lẽ giong xuồng rời bến. Tiếng máy nổ lạch cạch đẩy chiếc xuồng cui lắc lư theo nhịp đập tháng ngày!

Cá sát sông có nhiều loại, như: Cá sát bạc, cá sát sọc, cá sát hến. Loài cá này, với hình dáng hao hao như con cá tra nhỏ. Tuy nhiên, con cá sát dù lớn hết cỡ cũng chỉ bằng 3 ngón tay. Hiện, loài cá da trơn này được xếp vào danh mục đặc sản tại các quán ăn, nhà hàng ở miền Tây. Bởi, chúng chế biến được nhiều món ngon, như: Kho tiêu, kho tộ, canh chua, lẩu mắm, mà đặc biệt là món cá sát kho tiêu trong niêu đất.

THÀNH CHINH