“Tết” về làng Chăm Khánh Hòa

10/01/2024 - 05:48

 - Khánh Hòa là xã cù lao của huyện Châu Phú (tỉnh An Giang), chỉ có làng Chăm duy nhất ở ấp Khánh Mỹ, với 317 hộ, hơn 1.400 nhân khẩu. Mùa này, rất nhiều nụ cười hạnh phúc sau làn khăn Mat-tơ-ra của phụ nữ Chăm, trên gương mặt hiền hòa của những người đàn ông hay lam hay làm, một lòng vun vén cuộc sống gia đình. Ở nơi đó, tình làng nghĩa xóm được hòa quyện với tình cảm quê hương đất nước, với cán bộ địa phương, với người lính cụ Hồ…

Chúng tôi chuyền tay nhau, cùng thưởng thức chiếc bánh Hapak (bánh mặn) nhỏ xíu, do gia đình ông Math Sa Ri làm. Chiếc bánh giòn tan, thơm nức, được chế biến tinh xảo từ bột mì, tôm khô, củ hành, bột nổi, trứng… là món bánh truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Chăm An Giang. Họ nâng niu làm ra những chiếc bánh ngon đãi khách đến chơi nhà, bày tỏ lòng hòa hiếu, mong nhận lại tình cảm nồng ấm từ khách.

Giữa vị thơm của bánh, sự cởi mở giữa chủ nhà và khách, câu chuyện về làng Chăm Khánh Hòa vất vả xưa kia được kể lại. “Hồi trước, khoảng 40 - 50 hộ thuộc dạng “nghèo có sổ”, cuộc sống chậm phát triển cũng một phần vì nhiều hủ tục lạc hậu chi phối. Phụ nữ bị “cấm cung”, không ra khỏi nhà, đàn ông một mình gồng gánh lo kinh tế rất vất vả. Nhiều hộ sống phụ thuộc vào vườn tạp, cây lâu năm, lợi nhuận không bao nhiêu.

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, con cháu đồng bào DTTS Chăm được học hành đàng hoàng, nâng cao dân trí. Nhà nhà được cho vay vốn, cải tạo vườn tạp trồng nhãn xuồng cơm vàng, thu nhập cao hơn hẳn. Giờ, cả ấp chỉ còn 8 hộ nghèo mà thôi” - ông Math Sa Ri vui vẻ cho biết.

Thăm hỏi, tặng quà gia đình đồng bào dân tộc thiểu số Chăm

Am hiểu đời sống cộng đồng dân tộc mình, lại đủ uy tín, năng lực, ông Math Sa Ri trở thành Phó Chủ tịch UBMTTQVN xã Khánh Hòa. Người nhà ông, chị Ro Hi Mah cũng được học hành, đảm nhiệm vai trò Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp Khánh Mỹ. “Tôi bắt đầu công tác từ năm 2017, dưới sự ủng hộ nhiệt tình của gia đình. Bà con đồng bào DTTS Chăm, đặc biệt là phụ nữ nào giờ ít tham gia hội họp, phong trào ở địa phương, chỉ quẩn quanh trong nhà. Tôi xốc vác tuyên truyền, chia sẻ cho họ hiểu vai trò của phụ nữ thời đại mới, hỗ trợ họ tiếp cận chế độ, chính sách được hưởng. Dần dần, mọi người tham gia hội họp ở xã, ấp đông hơn; đồng tình, đóng góp cho địa phương nhiều hơn. Con, cháu làng Chăm được học đại học, công tác nhiều nơi trong tỉnh. Hủ tục lạc hậu bị xóa bỏ phần lớn, để cuộc sống đồng bào phát triển từng ngày” - chị Ro Hi Mah chia sẻ.

Trong mấy hộ nghèo DTTS Chăm còn lại ở ấp Khánh Mỹ, ông Đô Goyeppe (65 tuổi) cũng vừa đón nhận niềm vui mới. Sống độc thân, ở tạm trên đất của người anh ruột, ông Đô Goyeppe tự bươn chải làm thuê lo cho mình. Quá nửa đời người, bệnh tật ập đến. Ngày này tháng nọ, ông chịu đựng những cơn mệt mỏi bất chợt, sức khỏe trồi sụt thất thường, không thể lao động được nữa. “Gia nhập” vào danh sách hộ nghèo, ông được cấp thẻ bảo hiểm y tế, được chăm lo phần nào đời sống. Tuy nhiên, cám cảnh nhất vẫn là căn nhà xiêu vẹo, mục nát ông đang ở hàng ngày.

“Mơ cũng không dám mơ căn nhà mới, em tôi đành chịu đựng khó khăn. Không ngờ, chính quyền địa phương xét cất nhà Đại đoàn kết cho Đô Goyeppe vào cuối năm 2023. Mấy ngày đầu năm 2024, Đô Goyeppe được ở trong căn nhà mới, tinh thần phấn chấn hơn hẳn” - thay mặt người em ít nói vì bệnh, ông Jacca Ri Eya (70 tuổi) bày tỏ niềm vui.

Trong căn nhà 32m2, hầu như mọi thứ được xây dựng mới hoàn toàn (kinh phí 50 triệu đồng), không hề tận dụng vật tư cũ. Kết cấu nhà đúng theo kiểu nhà sàn truyền thống của đồng bào DTTS Chăm, tuy nhỏ nhưng chất chứa tình cảm, tấm lòng của xã hội đối với ông Đô Goyeppe nói riêng, người nghèo nói chung.

Mấy hôm nay, trung tá Trần Văn Mác (Chính trị viên phó Ban Chỉ huy Quân sự huyện Châu Phú) tất bật cùng chính quyền địa phương xã Khánh Hòa triển khai chuỗi hoạt động Tết quân - dân năm 2024. Anh thông tin: “Chúng tôi tham mưu UBND huyện tổ chức Tết quân - dân 2024 tại xã Khánh Hòa, tập trung giúp xã hoàn thành tiêu chí nông thôn mới nâng cao trong năm nay.

Các hoạt động hướng về làng Chăm, tạo mối gắn kết quân - dân thắm thiết. Trong 13 căn nhà (Đại đoàn kết, nhà Tình nghĩa, nhà Tình đồng đội) được cất mới, có 1 căn dành cho hộ ông Đô Goyeppe. Công trình rải đá lộ nông thôn, chặt mé cây xanh, phát quang bụi rậm, làm đường… giúp ấp Khánh Mỹ nói riêng, xã Khánh Hòa nói chung thay đổi theo hướng tích cực hơn”.

Hương thơm của chiếc bánh Hapak vẫn còn quanh đây. Chúng tôi rời khỏi địa phương, trên con đường phẳng phiu, rộng rãi, nhớ mãi lời nói của ông Math Sa Ri: “Nhiều năm trước, bà con DTTS Chăm ít quan tâm đến Tết Nguyên đán, chỉ tập trung vào ngày lễ, Tết cổ truyền của mình. Giờ thì, mọi người đã có cảm giác háo hức dọn dẹp nhà cửa, hòa chung không khí đón năm mới với người Kinh. Tôi mong ước năm mới, mọi người ở làng xã đều đoàn kết, đều đón nhận cuộc sống mới sung túc, đầy đủ, hạnh phúc hơn; người Kinh hay đồng bào DTTS khắp mọi miền quê hương đồng lòng sánh vai nhau, cùng phát triển địa phương bền vững”.

Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBMTTQVN xã Khánh Hòa Võ Thị Trúc Linh cho biết: “Tết quân - dân năm nay tổ chức tại xã, giúp địa phương hoàn thành đường liên ấp Khánh Bình - Khánh Mỹ, với sự chung tay góp sức của lực lượng vũ trang, bà con Nhân dân. Đây là bước đệm mới, giúp xã hoàn thành chỉ tiêu xã nông thôn mới nâng cao trong 6 tháng đầu năm 2024”.

 

GIA KHÁNH