“Thăm nhà bạn”

18/02/2021 - 07:08

 - “Thăm nhà bạn” là chương trình được Đoàn Trường THPT Nguyễn Trung Trực (Tri Tôn, An Giang) thực hiện xuyên suốt 7 năm qua. Ý nghĩa của chương trình này không chỉ dừng lại với việc huy động tốt các nguồn lực xã hội hóa, mà còn trực tiếp đến thăm, giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn; xây dựng mối quan hệ gần gũi giữa giáo viên với học trò, giữa bạn bè với nhau.

Trong từng năm học, Đoàn Trường THPT Nguyễn Trung Trực cùng nhà trường xây dựng nhiều chương trình tặng tập, sách, dụng cụ học tập; gây quỹ “Nuôi heo đất giúp đỡ bạn” (học sinh tự nguyện quyên góp hàng tuần); chương trình “Kế hoạch nhỏ” (thu gom và bán giấy vụn, chai nhựa)... Trong đó, nổi bật là chương trình “Thăm nhà bạn”. Nhờ những hoạt động thiết thực và ý nghĩa như vậy đã góp phần không nhỏ trong việc hỗ trợ, động viên, quyết tâm không để học sinh vì hoàn cảnh khó khăn mà không thể đến trường, bỏ học giữa chừng.

Thầy Đặng Phú Vinh (Bí thư Đoàn Trường THPT Nguyễn Trung Trực) là người sáng kiến ra chương trình và tâm huyết, nỗ lực duy trì 7 năm qua, giúp đỡ được rất nhiều học sinh khó khăn tiếp tục theo đuổi ước mơ học tập của mình. Theo tinh thần của chương trình, vào đầu năm học, khi giáo viên chủ nhiệm nắm được hoàn cảnh gia đình học, sẽ giới thiệu từ 1-2 em học sinh khó khăn của lớp mình để Đoàn trường tổng hợp thực hiện chương trình “Thăm nhà bạn”. Trung bình mỗi năm học, chương trình đến thăm và hỗ trợ từ 18-20 em học sinh.

Chương trình “Thăm nhà bạn” không chỉ giúp đỡ học sinh khó khăn mà còn làm tốt nhiệm vụ kết nối mối quan hệ thầy – trò, bạn bè với nhau

Thầy Vinh cho biết, đầu tiên sẽ thành lập một đoàn, bao gồm: Đoàn trường, giáo viên chủ nhiệm, thành viên lớp... đến tận nhà học sinh khó khăn để thăm hỏi, tặng quà, tiền mặt nhằm khuyến khích, động viên tinh thần các em vượt khó vươn lên trong học tập. “Trước là thăm hỏi, động viên gia đình, sau đó để các em hiểu được hoàn cảnh của nhau, xóa bỏ ranh giới của sự mặc cảm. Bạn bè chung lớp thật sự hiểu được bạn mình khó khăn như thế nào để có cách cư xử, giúp đỡ cần thiết”- thầy Vinh chia sẻ.

Mỗi học sinh được ghé thăm sẽ nhận 1 triệu đồng (tiền mặt) và 1 phần quà trị giá 200.000 đồng (các nhu yếu phẩm), được trích từ nguồn quỹ “Thăm nhà bạn”. Nhận thấy được sự quan tâm, hỗ trợ rất lớn về mặt tinh thần từ thầy cô, bè bạn, những em học sinh được hỗ trợ từ chương trình “Thăm nhà bạn” đều cố gắng vươn lên trong học tập, giúp nhà trường hạn chế được các đối tượng bỏ học.

“Tuy phần hỗ trợ vật chất không nhiều, từ 500.000-1,5 triệu đồng cho mỗi hoàn cảnh, nhưng qua mỗi chuyến đi tin rằng sẽ tiếp thêm động lực giúp các em mạnh mẽ, tự tin, cố gắng trong học tập, cuộc sống” - thầy Vinh bày tỏ. Hơn hết, còn giúp gia đình hiểu được sự quan tâm của nhà trường, thầy cô, bè bạn để từ đó tạo điều kiện và động viên các em đi học đầy đủ hơn.

Việc chương trình chọn lựa hoàn cảnh học sinh được thăm phải rõ ràng, công khai. Số tiền trao tặng phải đúng với số tiền các nhà hảo tâm gửi. Mỗi đợt đến thăm nhà học sinh, đoàn đều chụp hình, sau đó đăng lên cổng thông tin điện tử, Fanpage của trường để có thể tiếp tục kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ. Nhờ vậy, đã có trường hợp khi đưa hoàn cảnh của các em học sinh có gia đình khó khăn trên mạng xã hội Facebook, các tổ chức từ thiện đã chủ động liên hệ hỗ trợ thêm.

“Quá trình thăm hỏi, động viên phải thân thiện, lịch sự, giúp bản thân và gia đình cảm thấy được chia sẻ, thoải mái, không cảm thấy mặc cảm, từ đó cố gắng vươn lên trong cuộc sống” - thầy Vinh nhấn mạnh. Ngoài ra, sau khi thăm nhà học sinh, Đoàn trường và giáo viên lưu ý, quan tâm nhiều hơn đến các em, nếu thấy còn khó khăn có thể xem xét tiếp tục giúp đỡ, hạn chế tối đa trường hợp bỏ học.

Chương trình “Thăm nhà bạn” còn là dịp giúp các thầy, cô giáo tiếp cận, hiểu hơn về tâm sinh lý, hoàn cảnh các em. Từ đó, có thể đưa ra nhiều biện pháp giáo dục hỗ trợ thiết thực nhất. Ngoài việc giúp đỡ được học sinh có hoàn cảnh khó khăn, chương trình còn là hoạt động giáo dục ngoại khóa ý nghĩa khi tạo cơ hội cho các đoàn viên, học sinh tham gia chuyến đi giao lưu đoàn kết cũng như giáo dục kỹ năng sống thực tế.

ÁNH NGUYÊN