Ngày 20/8, nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Chi hội Hoa lan (Hội Sinh vật cảnh tỉnh An Giang) tổ chức Hội thi, trưng bày hoa lan. Hoạt động không mới, nhưng đây là lần đầu tiên một cuộc thi bài bản được tổ chức, quy tụ đông đảo người yêu lan khắp nơi hội tụ.
Gần 200 tác phẩm được nhà vườn, người đam mê hoa lan chăm sóc, chờ hôm nay “đem chuông đi đánh xứ người”.
Những giò lan bung nở sắc hoa rực rỡ, níu mắt người xem, quá ấn tượng cho một buổi sáng cuối tuần. Hoa nhiều, phong phú đến mức người am hiểu vẫn chẳng kịp nhớ tên từng loại. Nhưng chúng chủ yếu thuộc 3 nhóm phổ biến: Cát, Dendro, tổng hợp.
Nhiều tác phẩm tạo điểm nhấn ở bộ rễ, nhìn gần như một khu rừng nguyên sinh tí hon, xanh rì sức sống.
Đem tác phẩm “Nhạn tháng 8” đi thi, chị Võ Thị Hiệp (vườn lan Tuệ Duyên, phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) khoe gốc tích của chúng ở tận rừng Gia Lai, nuôi rất kỳ công suốt mấy năm nay mới được “bề thế” như vậy. Sở dĩ chúng có tên như thế, là vì chỉ một mực nở hoa trong tháng 8, dễ dàng phân biệt với “người anh em” nhạn tháng 4.
Phong lan không chỉ thu hút người chơi, nghệ nhân bằng vẻ đẹp sắc hoa, hình dáng độc đáo, hương thơm quyến rũ, mà còn mê hoặc con người bằng triết lý sâu xa ẩn trong mình.
Nhiều người yêu hoa trong tỉnh An Giang, đến từ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, TP. Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh… lặn lội tìm đến Hội thi, chỉ vì muốn tận mắt chiêm ngưỡng loài hoa họ yêu thích. Không chỉ thưởng thức hoa bằng mọi giác quan, họ còn luôn tay chụp lại “nhan sắc đương thì” của từng nàng hoa.
“Tìm hoa” được rồi, họ lại trò chuyện rôm rả cùng nhau, chia sẻ hiểu biết, lấy hoa lan làm chủ đề kéo gần khoảng cách. Thậm chí, họ mong muốn mang hoa đẹp về nhà, nên các cuộc trao đổi, mua bán, đấu giá được diễn ra sôi nổi.
Để chọn được “hoa hậu” trong hàng trăm nàng hoa thế này, chẳng phải là điều đơn giản. Không chỉ từ cảm quan ban đầu, các vị giám khảo còn phân tích về màu sắc hoa, khuôn hoa, sức sống của thân, lá… thậm chí xem xét đến chậu hoa, tìm ra tác phẩm vừa hội đủ yếu tố về chuyên môn, thẩm mỹ, vừa phù hợp thị hiếu của người xem. Nhiều tác phẩm giống hệt nhau, càng tạo độ khó cho Ban Giám khảo!
Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh An Giang Lý Sơn Hùng (áo trắng) giữ vai trò chủ khảo của hội thi, cùng các thành viên trong Ban Giám khảo cân nhắc đánh giá từng tác phẩm.
“Cuộc thi nào cũng sẽ có giải cao, giải thấp. Nhưng tôi mong rằng, chúng ta đến với nhau vì lòng đam mê hoa lan, thì dù giải nào đi chăng nữa, cũng đều vui vẻ, hạnh phúc. Điều quan trọng nhất, tác phẩm ưng ý của nhà vườn, nghệ nhân đã được đông đảo người dân thưởng lãm, lan tỏa sắc hoa rộng rãi” – ông Hùng chia sẻ.
Hoa lan đã mang đến rất nhiều nụ cười, làm mềm mại tâm tình và cuộc sống của con người. Bởi thế, bao lâu nay, chúng quyến rũ mọi người đi tìm mình, si mê mình theo cách rất riêng!
GIA KHÁNH