Tôi được sinh ra vào lập đông, đúng mùa gió chướng, mùa của yêu thương. Có thể không trọn vẹn, không dài lâu, nhưng yêu thương ấy chẳng gì thay thế được. Mùa gió năm 1993, tôi chơi đùa rồi ngã gãy tay. Ba giữ chặt cánh tay gãy, xốc tôi trên lưng, chạy bộ rất lâu trong đêm để đến nhà thầy thuốc. Chẳng còn tay nào để ba lau nước mắt của mình. Từng giọt theo gió tạt vào mặt tôi, cảm giác ấm nóng nhanh chóng bị thổi lạnh.
Mùa lũ năm 1997, tan trường, tôi lội bộ về nhà như thường lệ, chợt ngẩn ngơ trước biển nước mênh mông. Đang định khóc, tôi thấy ba vội vã lội nước đến gần. Ba mắng tôi, vẻ hoảng loạn trên mặt chưa tan hết: “Tại sao không chờ ba tới trường rước về?”. Rồi ba cõng tôi trên vai, lần dò từng bước về nhà. Nước nơi cạn nơi sâu, suýt nhấn chìm người đàn ông cao trên 1m7 như ba. Từ trên vai ba, tôi háo hức nhìn con nước, quên ý định khóc ban đầu.
Nhiều năm liền, chúng tôi sống trong những căn nhà ẩm thấp, nếu tô được vách thì chẳng thể lót được nền gạch. Hễ tới mùa gió chướng, nước dâng lên đầu gối, bàn chân ai nấy thủng lỗ chỗ vì “nước ăn”. Toàn bộ căn nhà, chỉ có vài chỗ đỡ ướt hơn mà thôi, gom mọi sầu lo của người lớn vào không gian bé xíu. Nhưng dẫu nhà khó đến đâu đi nữa, ba mẹ vẫn luôn nhớ ngày sinh nhật của tôi, bữa ăn hôm đó đặc biệt hơn một chút: bớt rau dại, thêm chút cá.
Sinh nhật năm tôi lên lớp 10, ba chiên con cá (dĩ nhiên là to hơn đám cá hủn hỉnh mọi ngày), mừng tôi sang tuổi mới. Ba vốn ít nói, mọi tâm tư trút cạn vào văn chương, nên chỉ đơn giản chúc tôi mạnh khỏe, bình an, học giỏi. Đó cũng là lần sinh nhật cuối cùng ba dành tặng cho tôi. Tuần sau, ba ra đi vì đột quỵ, trong chuyến công tác xa nhà. Cơn gió chướng rạt rào như cũ, nào để tâm đến chuyện sinh ly tử biệt trần gian…
Chiều tà đầu đông
Tôi dần trưởng thành, cơn gió tháng 11 dần nhạt nhòa, nước lũ cũng trở thành ký ức xa xôi. Giống như ông Trần Kim Luận (sinh năm 1965, ngụ phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên), ít có dịp nghe mẹ ông nhắc “Lập đông rồi!” như hồi xưa.
“Bây không biết đâu, mấy chục năm trước, bước vào lập đông, trời lạnh dữ thần. Má sợ mấy đứa con lạnh, ngồi rị mọ móc từng cái áo len dày cui. Đám con trai cào chân nhau cho lộ vết mốc cời trên da. Mấy chị lớn lớn, tranh thủ khoe áo lạnh đủ màu khi đi học. Ngoại ngồi trước sân phơi nắng, đầu choàng chiếc khăn sẫm màu, mắt nheo nheo đọc tờ nhật trình. Hổng biết sao, trời lạnh, mấy đứa hay… đái dầm. Chiếu, gối thường phải đem ra phơi nắng cho khô, tối ngủ còn nghe mùi khai ngấy. Điện đóm làm gì sáng trưng như bây giờ! Mọi người tụ họp trước sân, đốt đống lửa, hun vỏ bưởi mù trời, vừa xua muỗi, vừa xua tan cái lạnh. Người lớn ngồi uống trà rôm rả, còn con nít chạy loanh quanh chơi giỡn” - ông Luận hoài niệm.
Giờ, mẹ ông đã bước sang tuổi 93, vẫn còn minh mẫn lắm. Nhưng tiết trời nhàn nhạt này chẳng đáng để bà nhắc “Lập đông”, chẳng cần móc áo len cho con cháu nữa. Ông bước vào tuổi xế chiều, tóc phai theo thăng trầm cuộc sống. Sót lại của thời trẻ, là ký ức vui tươi. Ông nhớ thời điểm “mới lớn”, biết đặt tình cảm vào cô bạn học, biết chọn lựa áo quần “thật bảnh” để nôn nao chờ Giáng sinh đi chơi với bạn bè.
Đêm lạnh, cả đám kéo nhau đi lòng vòng nhà thờ, xem người ta trang hoàng rực rỡ. Mệt thì ghé ăn chè, nói đủ thứ chuyện trên đời. Lớn lên, đi học xa, lâu lâu ông lại nhớ cái mùi ngây ngấy, nhớ vách lá căn nhà, gió bấc ngoài sân thổi tấm phên kêu phành phạch. Càng về những năm sau, tiết trời càng bớt lạnh. Lúc ấy, ông và bạn bè lại bắt đầu nếm trải ấm lạnh của cuộc đời! Bấc càng non, ông lại càng già…
Con nước không nhảy bờ, bông súng hiếm dần, theo mùa gió chướng lẩn khuất trong trí nhớ. Một ngày lập đông năm trước, chúng tôi đi tìm đồng bông súng ở xã Tân Lập (huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An). Đi sâu vào kênh Cả Gừa, kênh 79, đi huốt cánh đồng bông súng, chiếc vỏ lãi lấy đà, phóng thẳng qua mí ruộng, đáp xuống khoảnh ruộng ngập nước. Chúng tôi xắn quần ống thấp ống cao, nằm ngồi nghiêng ngả trên bờ, bẻ gói mì sống nhai rồm rộp. Nhân vật đến, đạo cụ sẵn sàng, mì đã ăn hết, mà người nào cũng ngồi lơ đễnh. Tôi hối: “Tranh thủ chụp hình đi, chờ gì nữa, chiều tối rồi!”. Mọi người thủng thỉnh đáp lời: “Thì chờ chiều tối chớ gì!”.
Có lẽ, tôi sẽ khó quên chiều tối hôm ấy. Hoàng hôn dùng dằng che khuất nắng trời, còn mây đen sầm sập kéo đến. Hai bên chẳng chịu nhường nhau, tạo thành khung cảnh nửa ráng chiều, nửa mưa giông, phản chiếu rành rạnh xuống mặt ruộng êm ả.
“Đôi vợ chồng” và “đứa con” chòng chành trên chiếc xuồng nhỏ. Tấm lưới mỏng manh, mờ dần trong nhập nhoạng. Ánh sáng của ngọn đèn, bếp lửa trở thành điểm nhấn của khung cảnh, đầy ắp nỗi niềm. Hạnh phúc đơn sơ đến từ hơi ấm của bếp lửa ngày đông, từ sum họp đủ đầy buổi chiều tà, từ tiếng cười trẻ thơ trong vắt. Dẫu biết rằng, mọi thứ chỉ là tái hiện, nhưng vẫn chân thực đến nao lòng. Miền quê sông nước bình dị và dịu êm như thế đó, làm sao không thương, làm sao không nhớ?
Có lẽ, nhiều người sẽ chờ mong cái lạnh ùa về, để họ có dịp nhắc chuyện ngày xưa. Nếu không, đành sống với miền nhớ, với những trải nghiệm day dứt trong đời, như câu thơ “Làm sao về được mùa đông/ Mùa thu cây cầu đã gãy/ Thôi đành ru lòng mình vậy/ Vờ như mùa đông đã về”.
Bài, ảnh: GIA KHÁNH