Tôi nghe người xưa kể lại, hồi đó dọc theo bến đò có nhiều cây ô môi lắm, bởi vậy mới có tên “bến đò Ô Môi”. Lúc đầu, ghe tam bản chạy qua, chạy lại, sau “nâng cấp” lên bằng trẹt, rồi phà. Dân cư ở cù lao ông Hổ ngày càng đông theo thời gian, thì đất ở cù lao cũng theo con nước bồi, lở không ngừng. Phía lở, đất lao mình xuống sông, lôi luôn từng cây ô môi to khỏe đi cùng. Cây ô môi vắng bóng dần, nhưng người ta vẫn quen gọi tên địa danh như cũ. Đã quen miệng rồi, thay đổi chi cho cực, ai mà hổng biết chỗ đó là bến đò Ô Môi!
Một thời gian sau, vài cây ô môi được trồng lại xung quanh bến đò, để giữ lại đặc trưng của nơi này. Tàng cây dần xum xuê, gốc cây dần to ra, như hàng rào vững chãi bảo vệ cho một góc cù lao. Hai năm kế tiếp, cây bắt đầu cho trái. Kể từ đó, du khách gần xa và người dân địa phương thường nhìn thấy những mâm chất đầy trái ô môi đen xì ngay bến phà. “Nhưng ngoài khu vực ấy ra, hầu như không còn nơi nào khác ở cù lao bày bán loại trái ấy đâu” - người dân khẳng định với tôi như thế. Tôi hỏi ủa sao ngộ vậy, họ trả lời dễ thương lắm: “ờ, trái ô môi là “đặc sản” của bến phà Ô Môi mà”.
Khi cây ô môi rụng hết lá, trổ bông cũng là lúc chủ cây bắt đầu chờ mong. Vài tháng sau, trái ô môi từ màu xanh lục chuyển dần sang đen thẫm. Đợi trái thiệt già, thiệt chín, người ta mới lấy lưỡi hái giật từng trái xuống. Cuống trái to bằng đầu đũa, mà cây mọc cạnh bờ sông, hay có rắn núp ở trong nên ít ai mạo hiểm leo lên cây hái là vậy. Mỗi năm, cây chỉ chắt chiu ra một mùa trái ô môi, kết tinh từ những nắng mưa, phù sa con nước… Chủ cây tranh thủ gom hết trái chín cất trong nhà, đem ra bán từ từ. Loại trái cây cứng ngắc cứng còng này để mấy tháng, cả năm cũng chẳng hư hao gì, nên người dân quanh bến phà cứ “bình tĩnh mà bán”. Có lúc, trái ô môi được ưa chuộng, ghe đến mua hàng, có mớ nào, họ gom hết. Sau này, người ta bán lẻ, một bó có 4-5 trái to, giá vài chục ngàn đồng, chủ yếu cho khách du lịch, khách vãng lai đến cù lao. Không tốn tiền vốn, họ bán nhiêu lời nhiêu, khỏe re.
Trái ô môi có vị lạ lắm, hăng hăng, nồng nồng, ngọt ngọt mà cũng xen lẫn chan chát đầu lưỡi. Càng để lâu, trái càng ngọt, bớt độ hăng nồng. Muốn ăn ô môi, phải biết róc: vạt 2 bên thân trái cho lộ mắc tròn, chừa lại 2 sống lưng. Dùng tay đẩy nhẹ để gỡ 1 sống lưng ra, ăn chút thịt của mắc tròn, còn hột thì dùng để nấu chè, nhưng phải qua nhiều giai đoạn công phu. Trái ô môi còn có thể dùng để ngâm rượu, làm thuốc trị nhức mỏi. Bây giờ, trái ô môi hiếm dần, mà người xưa cũng già dần, nên chẳng còn ai nhớ tới loại trái này nữa. Đám trẻ càng ít biết đến trái ô môi, vì người lớn sợ chúng mắc cổ, nên không dạy chúng ăn. Nghĩ cũng đúng, thời buổi này thiếu gì loại trái cây thơm ngon ngoài chợ, tiếc gì chút hương vị khăn khẳn của ô môi!
Buổi trưa hè, cây ô môi vươn mình đón cái nắng, cái gió của sông Hậu, rì rào cành lá múa hát vũ khúc riêng mình. Một đứa bé nằm ngủ ngon trên võng, trong vòng tay bà nội. Bến phà chỉ nhộn nhịp ít phút khi có chuyến phà cập bến, rồi lại yên ắng như cũ. Ngồi ở quán nước cạnh bến, tôi nghe người dân chia sẻ về chuyện đời, chuyện nhà mình, chuyện cây ô môi. Trong ký ức của họ, có những buổi trưa yên tĩnh như thế, người nhà vừa trò chuyện với nhau, vừa nằm võng đu đưa, nhấm nháp trái ô môi cho đỡ buồn miệng. Bà Võ Thị Bảy (73 tuổi) sang cù lao làm dâu đã hơn 50 năm, sinh được chục đứa con. Đám cháu nội, ngoại của bà giờ đông dần, nhớ không xuể. Căn nhà bà ở cũng thay mấy xác cây. Cái quán cóc ngày xưa giờ khang trang dần, to dần, gắn liền với bến phà Ô Môi, đem đến cho gia đình bà nguồn thu nhập “thêm đồng nào đỡ đồng đó”. Bà cũng được hưởng “vị ngọt” của trái ô môi qua từng mùa thu hoạch, nên thương 2 cây ô môi trên đất của mình lắm!
Trong các hoạt động hướng tới kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20-8-1888 _ 20-8-2018), TP. Long Xuyên vừa đề nghị xã Mỹ Hòa Hưng và các phòng ban có liên quan xây dựng kế hoạch vệ sinh môi trường tuyến đường từ phà Trà Ôn đến phà Ô Môi; nghiên cứu trồng cây ô môi dọc tuyến từ bến phà Ô Môi đến Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng. |
Bài, ảnh: KHÁNH HƯNG