“Xóm không điện” dưới chân núi Cấm

21/05/2018 - 07:42

 - Theo “đơn xin cấp điện” của 71 hộ dân tổ 16, ấp Ba Xoài, xã An Cư (Tịnh Biên, An Giang), chúng tôi đến thăm họ vào một ngày nắng của vùng Bảy Núi. Qua những lời tâm sự, chúng tôi hiểu hơn nỗi vất vả của người dân ở “xóm không điện” này.

“Chú lên tới đây là chúng tôi mừng rồi! Bà con ở đây “đói” điện lắm!”. Câu nói cửa miệng của người đàn ông bên kia đầu dây làm chúng tôi bất ngờ như thể họ chờ phóng viên lâu lắm. Gặp chúng tôi, ông lộ rõ sự vui mừng. Ông là Trương Văn Hồng, người đã định cư ở ấp Ba Xoài hơn 20 năm.

Ông Hồng chia sẻ: “Tỉnh lộ 949 được thi công đến nay hơn 14 năm. Trong khoảng thời gian ấy, người dân mong chờ cột điện cắm dọc tuyến đường để ánh sáng của đèn điện về với bà con. Vậy mà lâu lắm rồi, chẳng thấy trụ điện, tụi tui không có điện xài”.

Theo ông Hồng, nếu lấy cổng chùa Ba Xoài làm mốc thì đoạn đường dài khoảng 4km đến ngã 3 đi Lê Trì (Tri Tôn) là không có điện. Ngoài ra, phải tính đến gần 20 hộ dân ở sâu trong chân núi Cấm cũng “chẳng biết gì về điện” mấy chục năm qua. Gia đình ông Hồng là số ít hộ may mắn được xài điện "ké" từ khu vực có điện ở xã Lê Trì kéo sang.

“Khoảng cách từ nơi cho câu điện đến nhà tui là 500m. Tui phải dựng trụ tạm bằng thép, chấp nhận tốn chi phí khoảng 8 triệu đồng mới có điện xài. Đã vậy, tui phải đóng cho chủ điện khoảng 300.000 đồng/tháng, một khoản phí không nhỏ đối với đời sống kinh tế của người dân nơi đây” - ông Hồng thật tình.

Những đứa trẻ ở Ba Xoài học bài dưới ánh đèn sạc

Những đứa trẻ ở Ba Xoài học bài dưới ánh đèn sạc

Cùng cảnh ngộ với ông Hồng là ông Đặng Văn Kèo. Ông Kèo bộc bạch: “Tui về ở đất này hơn 24 năm, mới biết đến ánh sáng điện "ké" khoảng 4 năm nay. Nói thiệt, tiền điện của gia đình bây giờ còn cao hơn tiền gạo cả nhà. Vì có mấy cháu nhỏ nên ráng nhịn ăn, nhịn mặc để “mua” ánh sáng đèn cho chúng vui chơi. Đời tui đã tù mù với đèn dầu mấy chục năm nên ráng kiếm ánh sáng điện cho cháu học bài”.

Trong đôi mắt của người đàn ông chất phác đó, chúng tôi thấy rõ niềm khát khao được sử dụng lưới điện quốc gia.

Thương nhất là những đứa trẻ ở “xóm không điện” này. Mỗi tối, chúng lại căng mắt học bài với ánh đèn bình yếu ớt. Bà Võ Thị Hồng, một trong những hộ không thể xài điện "ké" bộc bạch: “Tui thương 2 đứa cháu nhỏ của mình khó khăn trong việc học. Nhà có 1 bình ắc quy, mỗi lần sạc tốn 13.000 đồng, dùng được 5 ngày.

Giờ bình hư nên chúng phải học bài bằng chiếc đèn sạc nhỏ xíu. Tui đã 71 tuổi, mà cũng như tụi nó, cứ mơ ước có điện về để sáng nhà, sáng cửa. Có điện, tui ăn cơm với nước mắm cũng ráng dành tiền để câu dây về nhà, khao khát quá mà không có được”.

Số ít hộ được xài điện ké từ Lê Trì với chi phí cao

Số ít hộ được xài điện ké từ Lê Trì với chi phí cao

Trong câu chuyện của người phụ nữ bạc phơ mái tóc này, chúng tôi xúc động với hình ảnh 2 đứa cháu gái Võ Thị Cẩm Tiên (lớp 6) và Võ Thị Hoài An (lớp 4) cứ chực giành nhau ánh sáng từ chiếc đèn sạc.

Mỗi khi chúng học bài thì chốc chốc lại nghe cô em Hoài An cằn nhằn: “Sao chị nghiêng ánh sáng qua bển hết rồi. Em không thấy đường nè”. Lát sau, cô chị Cẩm Tiên lại lí nhí: “Nghiêng qua coi, chị cũng hổng thấy đường nè!”.

Khi được hỏi, Cẩm Tiên ngây thơ cho biết: “Con mong có điện sáng để học bài. Nghe mấy bạn nói về nhà học đèn điện khỏe mắt lắm, con ham quá. Ở nhà, học được vài bữa lại hết điện, tối thui”.

Khi phóng viên đến nhà ông Kèo tìm hiểu, rất nhiều người trong “xóm không điện” tập trung để giải bày, bộc bạch nỗi khổ của mình. Mỗi người một cảnh nhưng chung nhất vẫn là khát khao có điện lưới quốc gia về đây, để họ được thụ hưởng thứ điều kiện cơ bản mà rất nhiều người xem là bình thường trong cuộc sống.

Chúng tôi từ giã “xóm không điện” bằng câu chào rất chân thật của người dân nơi đây: “Chú về mạnh giỏi. Ráng nói làm sao để tụi tui có điện nghe chú!”.

Trao đổi với phóng viên, đại diện Xí nghiệp Điện nước huyện Tịnh Biên (Công ty Cổ phần Điện nước An Giang) cho biết, đơn vị đã khảo sát khu vực không có điện tại ấp Ba Xoài.

Tuy nhiên, khu vực này chưa đến 100 hộ dân trong khi mức đầu tư đường dây trung thế, máy biến áp, trụ đạt chuẩn đủ phục vụ nhu cầu sẽ phải tiêu tốn khoảng 3 tỷ đồng. Như vậy, công ty sẽ rất khó thu hồi vốn.

Phó Giám đốc Xí nghiệp Điện nước huyện Tịnh Biên Lê Văn Cường cho biết: “Chúng tôi đã đăng ký chương trình điện khí hóa nông thôn cho khu vực này, tuy nhiên trước nhu cầu bức xúc của bà con, đơn vị đã đề xuất công ty bố trí vốn xây dựng lưới điện cho 2km đầu có đông dân cư trong giai đoạn 2018-2019, phần còn lại tiếp tục chờ bởi kinh phí không đủ.

Nếu được huyện Tịnh Biên hỗ trợ 70% kinh phí thì công ty có thể đối ứng 30% vốn thực hiện lưới điện cho khu vực này theo chương trình xây dựng nông thôn mới. Có như vậy, người dân ở khu vực Ba Xoài mới có điện sử dụng trong thời gian sớm nhất”.

Dù là phương án nào thì những hộ dân của ấp Ba Xoài đang rất cần sự quan tâm của các cấp, ngành để họ được tận hưởng ánh sáng của lưới điện quốc gia.

Khi đó, không khí hân hoan sẽ tràn ngập vùng quê xứ núi này và những đứa trẻ sẽ không phải "giành" nhau từng chút ánh sáng khi chúng học bài, lúc màn đêm buông xuống.

THANH TIẾN