Bánh mì xíu mại chén
Đây có lẽ là món ăn "thương hiệu" của ẩm thực Đà Lạt mà du khách không nên bỏ qua. Những viên xíu mại thơm ngọt nằm trọn trong chén nước chấm nóng. Chấm miếng bánh mì giòn vào đây rồi chậm rãi đưa vào miệng, bạn sẽ cảm nhận được hương vị thơm ngon của món ăn.
Để hương vị trọn vẹn hơn, bạn có thể xin thêm miếng da heo hoặc cho thêm xíu ớt cay vào chén nước chấm. Suất ăn thường bán theo kiểu: 4.000 đồng một viên xíu mại, 2.000 đồng một ổ bánh mì, ăn bao nhiêu thì tình tiến bấy nhiêu.
Một số địa chỉ bạn có thể tham khảo như quán chị Thuý ở ấp Ánh Sáng, góc hàng nhỏ ở ngã ba đường Bùi Thị Xuân và Thông Thiên Học. Bạn lang thang quanh khu Hoà Bình cũng sẽ tìm thấy món này.
Bánh căn
Bánh căn là món ăn phổ biến cho bữa sáng ở Đà Lạt. Du khách có thể tìm thấy món này ở nhiều nơi tại thành phố, một số địa chỉ nổi tiếng như quán bánh căn gốc bơ ở Tăng Bạt Hổ hay quán nhỏ trong ấp Ánh Sáng.
Những chiếc bánh được nướng vàng xém, thơm nức mùi trứng, ăn kèm với chén nước chấm là nước mắm pha hoặc mắm nêm. Một số quán còn cho thêm xíu mại viên vào chén nước này để hương vị ngon hơn. Mỗi suất ăn thường được bán theo cặp với giá khoảng 20.000 đồng một đĩa 5 cặp.
Bánh ướt lòng gà
Là một món biến tấu, bánh ướt lòng gà dần chiếm trọn tình cảm của nhiều người bởi hương vị khác lạ. Món ăn có vị chua do ăn kèm với gỏi gà, không giống với bánh ướt ăn với chả thường thấy.
Bánh ướt lòng gà được chế biến đơn giản, khi ăn, bạn sẽ cảm nhận trước vị dẻo thơm của bánh ướt, vị ngọt từ miếng thịt, lòng gà quyện trong vị nước mắm vừa phải, thêm chút cay của ớt lẫn mùi thơm nồng từ rau thơm.
Mỗi suất ăn có giá trung bình 35.000 đồng. Du khách có thể tìm đến quán ăn ở đường Tăng Bạt Hổ hoặc Phan Đình Phùng. Ảnh: Lu.
Bánh tráng nướng
Bánh tráng nướng ở Đà Lạt không ngừng hot khi các địa chỉ bán món này mọc lên "như nấm". Thường ở những hàng bánh tráng nướng, bạn sẽ ngồi bên bếp than, nhìn chủ quán chế biến. Họ quết chút dầu ăn lên miếng bánh tráng rồi cho vào mắm ruốc, phô mai và ớt xanh, đỏ, rực mùi thơm, trông rất bắt mắt. Chủ quán nhanh tay đập thêm trứng gà lên mặt bánh, dùng đũa quấy đều cho bám rồi nướng chín vàng. Trước khi bưng ra cho thực khách còn thêm chút hành phi khô thơm nức và ruốc.
Những quán bánh tráng nướng thường bán khoảng từ 3h chiều đến tối, ở khu ăn vặt của chợ Đà Lạt, đường Thông Thiên Học, Nguyễn Văn Trỗi, Hoàng Diệu - Trần Nhật Duật.
Bánh tráng được nướng liên tục để phục vụ khách nên lúc nào mang ra cũng nóng hổi.
Kem bơ
Thời tiết ở Đà Lạt thường trở lạnh vào buổi tối nhưng các quán bán kem bơ, kem trái cây lại được nhiều thực khách tìm đến thưởng thức. Là một món ăn vặt đơn giản, nhưng với vị bơ - loại trái cây tươi ngon ở vùng cao, kết hợp với vị béo của kem khiến những những ai hảo ngọt sẽ không khỏi xuýt xoa.
Bạn có thể tìm đến các quán trên đường Nguyễn Văn Trỗi lúc nào cũng có khách đứng xếp hàng đợi. Tại đây có hơn 3 quán nối tiếp nhau. Giá mỗi ly kem 20.000 đồng. Ảnh: @nja1903.
Bún bò Huế
Bún bò Huế thường lấy lòng thực khách bởi vị nước dùng ngọt đậm đà cộng với đó là mùi thơm và lớp đồ ăn kèm bên trên. Món này khá phổ biến ở Đà Lạt, thường bán nhiều vào buổi sáng. Tuỳ theo mỗi nơi mà công thức nấu sẽ khác, hương vị theo đó cũng sẽ khác nhau nhưng các thịt bò, chả hay giò là nguyên liệu thường thấy.
Bạn có thể tìm đến quán ăn tại ấp Ánh Sáng hoặc trên đường Ba Tháng Tư. Mỗi suất ăn thường có giá dao động từ 40.000 đồng.
Nem nướng
Tuy không mấy phổ biến với nhiều nguời sinh sống ở Đà Lạt, nem nướng luôn nằm trong danh sách lựa chọn của du khách dành cho bữa trưa. Món ăn khá đơn giản nhưng được chuẩn bị kỳ công trước khi phục vụ. Những miếng nem được nướng thơm, ăn cùng nước chấm có màu vàng, sền sệt được nấu từ nước hầm xương và tương hột xay. Vị béo của thịt, ngọt của nước chấm, giòn của bánh tráng kèm với nước chấm sẽ khiến bạn khó quên món ăn này.
Mỗi suất ăn có giá 45.000 đồng, đủ cho một người ăn no. Các quán trong khu quy hoạch Hoàng Văn Thụ hoặc đường Phan Đình Phùng, Bùi Thị Xuân là những nơi món ăn được đánh giá cao.
Bún riêu
Bún riêu là món không mấy phổ biến ở thành phố ngàn hoa. Muốn ăn món này, du khách có thể tìm đến quán nhỏ trên đường Nguyễn Công Trứ hoặc một chi nhánh khác ở đường Mạc Đĩnh Chi. Chủ hàng này cho biết đã mở quán được hơn 20 năm.
Điểm nổi bật trong tô bún là miếng riêu cua to được nấu khéo, vị đậm đà. Suất ăn còn có vài miếng huyết và xương heo. Cà chua chín có vị chua đặc trưng giúp món ăn thêm tròn vị, không bị ngấy. Khách có thể chọn tô bình thường giá 25.000 đồng hoặc tô đặc biệt đắt hơn 10.000 đồng. Suất ăn bưng ra luôn kèm theo một đĩa rau sống cắt nhỏ, tươi rói.
Mì Quảng
Tuy có nguồn gốc từ nơi khác, mì Quảng ở Đà Lạt cũng khá phổ biến với một phong cách riêng, chan nước dùng nhiều hơn. Nước có màu đỏ cam bắt mắt, sợi mì vàng óng, miếng thịt cũng thấm màu hạt điều khiến tô mì càng thêm hấp dẫn. Bạn có thể ăn thêm rau, giá để bớt ngấy.
Mỗi tô mì Quảng có giá khoảng 35.000 đồng, thích hợp cho bữa trưa. Khách muốn ăn có thể đến quán trên đường Nguyễn Công Trứ hoặc đầu đường Nguyễn Du.
Lẩu gà lá é
Những món ăn nóng hổi luôn được lòng thực khách vào buổi tối. Nếu ở miền Nam có lẩu gà lá giang, người miền Bắc ăn lẩu gà với ngải cứu, thì lẩu gà ăn kèm lá é "gây sốt" ở Đà Lạt trong 2 năm trở lại đây.
Thịt gà ăn kèm măng tươi, kẹp vài cọng lá é rồi chấm vào chén muối tiêu chanh cho đậm đà. Húp thêm một muỗng nước lẩu nóng hổi, bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt bùi, cay nồng hòa quyện vào nhau. Một phần lẩu giá 200.000 đồng bao gồm nửa con gà chặt sẵn, một đĩa bún tươi, một đĩa nấm, một đĩa rau lá é. Ảnh: Khoa.
Theo DI VỸ (Vnexpress)