Ngoài màn bắt tay “có một không hai” giữa hai nhà mốt Fendi và Versace tại Tuần lễ Thời trang Xuân Hè 2022 đến sự ra đi đột ngột của các huyền thoại như Alber Elbaz, Virgil Abloh, năm 2021 còn ghi lại nhiều sự kiện đáng chú ý.
Bạn hãy điểm lại 10 sự kiện thời trang nổi bật nhất trong năm qua.
Kamala Harris và Jill Biden mở ra kỷ nguyên mới trong phong cách ăn mặc của giới chính khách Hoa Kỳ
Tại buổi lễ nhậm chức, Phó Tổng thống Kamala Harris thu hút mọi ánh nhìn khi khoác lên người chiếc áo khoác may đo phối ton-sur-ton cùng chiếc đầm màu tím do Christopher John Rogers thiết kế và sợi dây chuyền ngọc trai từ Wilfredo Rosado.
Màu tím trên trang phục của Kamala Harris mang ý nghĩa ủng hộ quyền bầu cử của phụ nữ cũng như đại diện cho sự tận tâm, kiên trì theo đuổi mục đích và ý chí vững vàng trong mọi tình huống.
Theo như quy tắc ngầm trong cách ăn mặc của giới chính khách, nếu màu đỏ đại diện cho Đảng Cộng hòa, còn màu xanh mang đặc trưng của Đảng Dân chủ thì màu tím hàm chứa ý nghĩa hòa bình.
Trong khi đó, Đệ nhất Phu nhân - Giáo sư Jill Biden, mặc chiếc áo khoác vải tweed ánh kim màu xanh da trời (cerulean) phối ton-sur-ton cùng chiếc khẩu trang lụa do nhà thiết kế trẻ Alexandra O’Neill thiết kế, đánh dấu kỷ nguyên mới trong cách ăn mặc trong giới chính trị Mỹ.
Nhà thiết kế Alber Elbaz qua đời vì COVID-19
Sự ra đi đột ngột của một trong những tượng đài thời trang lừng lẫy thế giới - nhà thiết kế Alber Elbaz, ở tuổi 59 vì COVID-19 đã để lại nhiều tiếc nuối cho làng mốt. Suốt khoảng thời gian làm việc tại Lanvin (từ 2001-2015), Alber Elbaz đã “thay máu” nhà mốt Pháp này từ một thương hiệu cổ điển và có phần khô khan trở nên hiện đại và trang nhã hơn.
Các thiết kế của ông được đông đảo ngôi sao đình đám yêu thích. Sau khi rời khỏi Lanvin, Alber Elbaz thực hiện nhiều dự án nhỏ lẻ trước khi bắt đầu xây dựng nên đế chế thời trang cho riêng mình. Cuối cùng, sau 5 năm ấp ủ, nhà thiết kế người Israeli cũng đã cho ra mắt thương hiệu AZ Factory.
Các thiết kế của ông tập trong vào cách xử lý chất liệu “có tính toán” để mang đến những câu chuyện về cái đẹp và sự nữ tính hiện đại một cách rõ ràng nhất.
Gucci x Balenciaga: Cuộc xâm nhập vào di sản của hai nhà mốt lừng lẫy Italy
Năm 2021 đánh dấu kỷ niệm 100 năm thành lập của nhà mốt Gucci, và bộ sưu tập Gucci Aria đã mở ra một viễn cảnh thời trang tương lai độc đáo, nơi các quy tắc ăn mặc vượt khỏi mọi khuôn phép thông thường với 94 bộ trang phục mang đậm dấu ấn hoài niệm thập niên 90 và chất “campy” đầy phóng khoáng, lãng mạn.
Người cộng sự giúp Alessandro Michele đưa các sáng tạo trong bộ sưu tập kỷ niệm 100 năm này lên một tầm cao mới không ai khác chính là Demna Gvasalia, Giám đốc Sáng tạo của Balenciaga.
Với Michele, ông không gọi đây là một cú bắt tay hay một bộ sưu tập capsule đặc biệt mà đúng hơn là cơ hội “xâm nhập và biến hóa” các sáng tạo không theo khuôn mẫu của Demna Gvasalia. Tham vọng đó được ông thể hiện thông qua các món đồ thời trang kết hợp khéo léo giữa các thiết kế mang tính biểu tượng của Balenciaga dưới thời Demna Gvasalia với các thiết kế biểu trưng của Gucci.
Màn collab giữa “hai gà cưng” nhà Kering vẫn tiếp tục làm mê đắm các tín đồ hàng hiệu trong buổi ra mắt bộ sưu tập Xuân Hè 2022 của Balenciaga với tên gọi “Clones”. Chơi đùa với phom dáng thiết kế và mang những thứ tưởng chừng như bình thường nhất vào thời trang xa xỉ đã từ lâu trở thành “đặc sản” chỉ có ở Demna Gvasalia. Tất nhiên, bộ sưu tập Xuân Hè 2022 này cũng không phải là một ngoại lệ.
Pyer Moss gia nhập lịch trình Tuần lễ Thời trang Haute Couture Paris danh giá
Thương hiệu thời trang cao cấp trẻ Pyer Moss viết nên trang sử mới cho làng mốt thế giới khi chính thức được trình làng bộ sưu tập Haute Couture của họ tại Tuần lễ Thời trang Haute Couture Paris.
Như vậy, nhà sáng lập kiêm Giám đốc Sáng tạo Kerby Jean-Raymond trở thành nhà thiết kế người Mỹ da màu đầu tiên vinh dự nhận được lời mời từ Chambre Syndicale de la Haute Couture (Nghiệp đoàn May đo Cao cấp) để mang đến các kiệt tác nghệ thuật thượng thừa trên gấm lụa của hãng đến giới mộ điệu, bên cạnh các nhà mốt xa xỉ khác như Chanel, Christian Dior, Elie Saab, Zuhair Murad, Jean Paul Gaultier…
Dấu ấn thời trang Hoa Kỳ tại triển lãm Met Gala 2021
Triển lãm thời trang danh giá nhất hành tinh Met Gala 2021 đã trở lại Viện bảo tàng mỹ thuật Metropolitan với chủ đề ở phần đầu tiên là “In America: A Lexicon of Fashion” (tạm dịch: “Thuật ngữ thời trang trong từ điển Mỹ”). Với chủ đề này, dresscode chính thức của triển lãm xoay quanh “nền độc lập Hoa Kỳ”.
Các khách mời tham dự thỏa sức định nghĩa nền thời trang Mỹ qua văn hóa, chính trị và những dấu ấn độc nhất của đất nước cờ hoa bằng ngôn ngữ thời trang của riêng mình.
Sự kiện có sự góp mặt của nhiều ngôi sao hàng đầu hiện nay, trong đó có thể kể đến Rihanna, Jennifer Lopez, Billie Eilish, Timotheé Chalamet, Kendall Jenner, Gigi Hadid, Maluma, Lil Nas X, Rosé (Blackpink)…
Nigo được bổ nhiệm làm Giám đốc Sáng tạo của Kenzo
Tiếp tục phát huy tinh thần thời tự do, bay bổng trong các thiết kế của Kenzo, nhà thiết kế Nigo - vốn được biết đến là một trong những nhà thiết kế tiên phong xây dựng đế chế streetwear hùng mạnh tại Nhật Bản và là nhà sáng lập thương hiệu A Bathing Ape, được bổ nhiệm vào vị trí Giám đốc Sáng tạo của nhà mốt.
Theo Nigo, định hướng của nhà mốt Kenzo là tạo nên các sáng tạo độc đáo dựa trên những hiểu biết của ông về nhiều nền văn hóa.
“Đó cũng là triết lý sáng tạo của cá nhân tôi. Kế thừa tinh thần thời trang thủ công của Kenzo để mang màu sắc mới cho Kenzo hiện đại cũng là thách thức lớn nhất đối với sự nghiệp làm thời trang suốt 30 năm qua của tôi," tân Giám đốc Sáng tạo Kenzo tâm sự.
Được xem là một trong những “cha đỡ đầu” của Streetwear, Nigo hứa hẹn sẽ mang sự đa dạng văn hóa vào các sáng tạo thời trang của ông tại nhà mốt Pháp này với bộ sưu tập đầu tiên vào tháng 1/2022.
Màn hợp tác thế kỷ giữa Fendi x Versace
Việc collab giữa các thương hiệu thời trang với nhau hoặc giữa một thương hiệu thời trang với một nghệ sỹ không còn quá xa lạ. Nếu như nền thời trang được dịp xôn xao trước màn kết hợp độc đáo giữa hai “gà cưng” nhà Kering là Gucci và Balenciaga trong mùa mốt Thu Đông 2021 thì tại Tuần lễ Thời trang Milan Xuân Hè 2022, giới mộ điệu như vỡ òa trước màn collab bùng nổ giữa Fendi (thuộc tập đoàn LVMH) và Versace (thuộc tập đoàn Capri Holdings) với bộ sưu tập Fendace.
Bởi đây là lần đầu tiên, các tín đồ thời trang được chứng kiến tất cả thiết kế biểu tượng, niềm tự hào di sản của hai nhà mốt lừng lẫy nước Italy cùng xuất hiện trong cùng một bộ sưu tập. Đặc biệt hơn, đây còn là bộ sưu tập được thực hiện bởi hai nhà thiết kế bậc thầy là Kim Jones và Donatella Versace.
Một thời đại mới cho Bottega Veneta dưới thời Matthieu Blazy
Có lẽ việc Daniel Lee rời khỏi Bottega Veneta khi đang trên đỉnh cao vẫn còn để lại nhiều sự tiếc nuối cho giới mộ điệu. Nhà thiết kế sinh năm 1986 này không chỉ mang sức sống trẻ trung, đầy phá cách vào di sản cổ điển của Bottega Veneta, mà còn từng bước biến thương hiệu trở thành một biểu tượng xa xỉ và độc quyền với định hướng nói không với logo nhận diện thương hiệu, quảng bá trên mạng xã hội hay lịch trình tại các tuần lễ thời trang.
Và người kế nhiệm vị trí dẫn dắt sáng tạo cho nhà mốt này không ai khác chính là nhà thiết kế Matthieu Blazy. Bởi năm ngoái, nhà thiết kế sinh năm 1984 được bổ nhiệm làm Giám đốc Thiết kế dưới sự chỉ đạo của Daniel Lee.
Có thể thấy, gu thẩm mỹ và tầm nhìn của nhà thiết kế người Pháp này vô cùng hiện đại, trẻ trung và mạnh mẽ, phù hợp với tinh thần thời trang của thương hiệu 55 năm tuổi. Matthieu Blazy dự kiến sẽ mắt bộ sưu tập đầu tiên của mình trong vai trò mới tại Bottega Veneta vào tháng 2 tới.
Nhà thiết kế Virgil Abloh qua đời vì ung thư tim mạch
Sau hai năm kiên cường đấu tranh với căn bệnh ung thư hiếm gặp, nhà thiết kế Virgil Abloh - Giám đốc Nghệ thuật mảng thời trang nam giới của Louis Vuitton và nhà sáng lập của thương hiệu Off-White, đã qua đời ở tuổi 41.
Từ một kỹ sư vô danh đến một nhà thiết kế thời trang hàng đầu thế giới, “kẻ ngoại đạo” Virgil Abloh đã thay đổi cách nhìn nhận của giới mộ điệu về nền thời trang hiện đại. Sự kiện Virgil Abloh chính thức được bổ nhiệm trở thành Giám đốc Nghệ thuật của Louis Vuitton đánh dấu màn hôn phối độc đáo giữa thời trang đường phố và thời trang cao cấp.
Nguồn cảm hứng sáng tạo của ông tại ngôi nhà thời trang lừng lẫy nước Pháp này thường đến từ nghệ thuật graffiti, hip hop và văn hóa trượt ván phóng khoáng trong giới trẻ. Sự đổi mới mà Virgil Abloh mang đến cho nhà mốt có tuổi đời 167 năm góp phần làm sống lại các di sản cổ điển với hình hài trẻ trung và phá cách hơn.
Guram Gvasalia trở thành tân Giám đốc Sáng tạo của Vetements
Kể từ khi Vetements được thành lập vào năm 2014, Guram Gvasalia phụ trách mảng kinh doanh với vai trò là Giám đốc Điều hành của hãng, trong khi anh trai là nhà thiết kế Demna Gvasalia dẫn dắt định hướng sáng tạo.
Cho đến khi Demna đầu quân về nhà mốt Balenciaga và chính thức rời khỏi Vetements (từ năm 2019) để tập trung phát triển thương hiệu thời trang Tây Ban Nha, các bộ sưu tập mới của Vetements đều do đội ngũ sáng tạo của hãng thực hiện.
Trên cương vị là tân Giám đốc Sáng tạo của thương hiệu streetwear cao cấp, Guram Gvasalia khiến giới mộ điệu không khỏi nóng lòng chờ đợi màn ra mắt bộ sưu tập đầu tay trong thời gian tới.
Theo TÔ HOÀNG BẢO (Vietnamplus)