10 sự kiện thế giới nổi bật năm 2023

29/12/2023 - 18:43

Năm 2023 trở thành 'điểm nóng' của nhiều sự kiện thế giới nổi bật với sự trỗi dậy của Trí tuệ nhân tạo hay những bứt phá chinh phục vũ trụ. Tuy nhiên, cũng không thể tránh khỏi những khó khăn gây ra bởi hiện tượng khí hậu khắc nghiệt hay căng thẳng xung đột leo thang ở Trung Đông.

 

Người mua sắm dọc theo Đại lộ số 5 ở Thành phố New York vào dịp Black Friday. Ảnh: CNN

1. Đà phục hồi kinh tế thế giới chậm lại

Tại Hội nghị Thường niên mùa Thu của IMF và WB tại Marrakech(Morocco) năm nay, các chuyên gia đã đánh giá kinh tế thế giới năm 2023 ghi nhận tăng trưởng 2,9%, giảm so với mức tăng trưởng 3,3% của năm 2022. Đà phục hồi kinh tế thế giới chậm lại một phần do ảnh hưởng bởi cơn "địa chấn" tài chính từ việc các ngân hàng Silicon Valley, Signature, First Republic của Mỹ và Credit Suisse của Thụy Sĩ sụp đổ, cùng cuộc khủng hoảng năng lượng và căng thẳng leo thang tại Ukraine, Trung Đông.

Ngày 14/6, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã quyết định dừng tăng lãi suất sau 10 lần tăng liên tiếp kể từ tháng 3/2022. Tiếp đó, ngày 26/10, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tạm dừng chuỗi 10 lần tăng lãi suất.

Trước diễn biến tích cực thời gian tới, theo OECD, dự báo kinh tế toàn cầu vào cuối năm nay sẽ trên đà đưa lạm phát quay trở lại mục tiêu mà không có sự suy giảm tăng trưởng rõ rệt hay tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh. Tín hiệu này có thể dẫn đến mức tăng trưởng được dự báo sẽ tốt hơn vào năm 2024.

2. Sự trỗi dậy của Trí tuệ nhân tạo AI và thúc đẩy kiểm soát

Sự trỗi dậy của AI tạo sinh (generative AI) vào năm 2023 hứa hẹn sẽ là yếu tố "xoay chuyển" xu thế công nghệ bùng nổ trong thời gian tới. AI tạo sinh đã có một năm phát triển vượt bậc về tính năng sử dụng thông qua chatbot, nhân bản giọng nói, ứng dụng video.

ChatGPT.Ảnh:Leon Neal/Getty Images

Điển hình, ChatGPT gây "cơn sốt" trên toàn cầu với việc cán mốc 100 triệu người dùng vào cuối tháng 1/2023 sau 2 tháng ra mắt.

Trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của AI, Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu đầu tiên về AI tại Anh ngày 2/11 đã nhất trí cùng phối hợp quản lý những nguy cơ tiềm tàng từ AI; Liên minh châu Âu (EU) xúc tiến xây dựng bộ luật đầu tiên; Mỹ ban hành sắc lệnh hành pháp đầu tiên về quản lý AI nhằm đảm bảo AI được phát triển và ứng dụng theo cách an toàn, có trách nhiệm và vì lợi ích cộng đồng toàn cầu.

3. Khu vực châu Á – Thái Bình Dương nổi lên là trung tâm của cục diện mới

Núi Phú Sĩ và các tòa nhà ở quận Shinjuku, Nhật Bản. Ảnh: Kiyoshi Ota | Bloomberg | Getty Images

Trong vài thập kỷ gần đây, khu vực châu Á -Thái Bình Dương trở thành tâm điểm của chiến lược xoay trục của nhiều quốc gia lớn, nhỏ trên tBarntaatj

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây cho biết hoạt động kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn đi đúng hướng, qua đó đến năm 2030 sẽ đóng góp khoảng 2/3 tăng trưởng toàn cầu.

Nhận định về tình hình khu vực trong toàn năm 2023, Phó Giám đốc phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương của IMF Thomas Helbling nhận xét: "Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực năng động nhất trong nền kinh tế toàn cầu. Khu vực đã đóng góp 2/3 tăng trưởng toàn cầu trong năm nay và điều này sẽ tiếp tục".

4. Giá vàng thế giới diễn biến khó lường

Ảnh: Sven Hoppe | Picture Alliance | Getty Images

Giá vàng thế giới có xu hướng tăng liên tục trong bối cảnh tỷ giá đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ suy yếu thêm khi kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất trong năm 2024.

Nguyên nhân đẩy giá vàng "phá đỉnh" trong năm nay một phần cũng là do căng thẳng leo thang địa chính trị leo thang, lạm phát cao, vàng trở thành tài sản "trú ẩn" an toàn.

Các ngân hàng trung ương đã mua vào một khối lượng vàng lớn chưa từng có. Các dòng vốn đổ vào vàng đã ảnh hưởng tới các thị trường toàn cầu, khiến chứng khoán giảm điểm và nối dài đà lao dốc của đồng USD.

5. Ấn Độ trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới

Ảnh: CNN

Năm 2023,Ấn Độ vẫn tiếp tục tăng trưởng rất nhanh về dân số trong khi Trung Quốc lần đầu tiên trong hàng thập kỷ báo cáo dân số giảm trong năm qua do tỉ suất sinh giảm thấp.

Theo số liệu của Liên hợp quốc, ngày 14/4, dân số Ấn Độ đạt 1.425.775.850 người, chính thức vượt Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới.

Dân số đông mang lại cho Ấn Độ nguồn lao động dồi dào, góp phần đưa quốc gia này trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới, thế nhưng đi kèm với đó là những áp lực về tài nguyên và khoảng cách chênh lệch giàu nghèo lớn.

6. Tăng cường kiểm soát không gian mạng

Ảnh: Getty Creative

Các vụ lừa đảo trực tuyến đang gia tăng với những diễn biến mới, phức tạp trên môi trường số.Trước diễn biến như vậy, nhiều quốc gia trên thế giới đã tăng cường các đạo luật và chiến lược nhằm kiểm soát không gian mạng.

Cụ thể, ngày 18/4, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố đề xuất Đạo luật Đoàn kết mạng của EU, nhằm cải thiện sự chuẩn bị, khả năng phát hiện và ứng phó các sự cố an ninh mạng trên quy mô toàn khối.

Và đến tháng 3/2023, Nhà Trắng đã công bố chiến lược an ninh mạng quốc gia của chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm bảo đảm mọi người dân Mỹ được thừa hưởng "những lợi ích đầy đủ của một hệ sinh thái số an toàn" và tăng cường năng lực phòng thủ trên không gian mạng.

7. Động đất nghiêm trọng ở Thổ Nhĩ Kỳ

Động đất Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: CNBC

Trận động đất ngày 6/2/2023 có độ lớn 7,8 - lớn nhất tại nước này trong gần một thế kỷ qua - đã làm khoảng 50.000 người tại Thổ Nhĩ Kỳ và gần 6.000 người ở Syria thiệt mạng. Trận động đất đã kéo theo hàng trăm cơn dư chấn đã được ghi nhận ở 11 tỉnh cũng như nhiều quốc gia láng giềng, bao gồm cả Syria.

Ngân hàng Thế giới đánh giá các trận động đất kinh hoàng xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ vào đầu năm nay đã gây ra thiệt hại vật chất trị giá 34,2 tỷ USD.

Theo hãng tin Reuters, trận động đất trên được xem là một trong những thảm họa động đất mạnh nhất thế giới và là thảm họa nghiêm trọng nhất Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 1993.

8. COP28 đạt thỏa thuận lịch sử về hạn chế nhiên liệu hóa thạch

Tại COP28. Ảnh: Amr Alfiky/Reuters

Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), năm 2023 đã phá vỡ các kỷ lục về khí hậu, kèm theo thời tiết khắc nghiệt để lại dấu vết tàn phá và tuyệt vọng.

Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) ngày 13/12 đã tạo bước đột phá lớn khi lần đầu tiên đưa vấn đề cắt giảm nhiên liệu hóa thạch vào tuyên bố chung.

Sau gần ba thập kỷ tổ chức hội nghị thượng đỉnh về khí hậu, các nước này đã đạt được sự thống nhất về việc dần chuyển dịch khỏi các nguồn năng lượng hóa thạch, nhằm thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

9. Sôi động cuộc đua Mặt Trăng

Ảnh: CNN

Ấn Độ đã hạ cánh tàu vũ trụ Chandrayaan-3 lên Mặt Trăng, trở thành quốc gia thứ 4 đạt được kỳ tích như vậy. Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên trong lịch sử một quốc gia thực hiện thành công sứ mệnh đưa tàu vũ trụ hạ cánh an toàn xuống cực nam của Mặt Trăng, khu vực mà con người vốn chưa khám phá hết. Khi tàu Chandrayaan-3 đến gần Mặt Trăng, camera hành trình đã chụp lại được nhiều bức ảnh cung cấp cận cảnh địa hình màu xám bụi bặm của Mặt Trăng.

Trong khi đó, Nhật Bản năm nay đã phóng tàu đổ bộ thành công lên Mặt Trăng dù trước đó, tàu thám hiểm Luna-25 của Nga gặp sự cố khi đáp xuống hành tinh này.

Năm 2023 cũng là thời điểm mà châu Âu đã đưa vệ tinh tìm hiểu "vũ trụ tối" trong khi NASA khởi động nghiên cứu tiểu hành tinh Psyche.

Ngày 4/12, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết về không triển khai vũ khí trong vũ trụ nhằm tăng cường quản trị không gian.

10. Sự tham gia tích cực của quốc tế nhằm giảm leo thang căng thẳng Israel-Hamas

Cuộc tấn công bất ngờ ngày 7/10 của lực lượng Hamas kéo theo hành động đáp trả quân sự của Israel tại Dải Gaza đã đẩy khu vực Trung Đông tới bờ vực thảm họa nhân đạo. Tính đến ngày 24/12, hơn 21.300 người đã thiệt mạng và hơn 52.000 người bị thương.

Quân đội Israel gần đây tiếp tục đẩy mạnh hoạt động không kích Dải Gaza nhằm tiêu diệt lực lượng Hamas tại đây. Ảnh: AFP/TTXVN

Trước diễn biến liên quan đến tình hình ở Gaza, ngày 12/12, Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết kêu gọi lập tức ngừng bắn nhân đạo ở Gaza với 153 phiếu ủng hộ, 23 phiếu trắng. Tuy nhiên, Mỹ, Israel cùng 8 quốc gia khác vẫn bỏ phiếu chống, cho rằng một lệnh ngừng bắn sẽ chỉ có lợi cho Hamas.

Các chuyên gia cho rằng, Nghị quyết của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc có thể không mang tính ràng buộc nhưng có sức nặng về mặt chính trị, phản ánh quan điểm toàn cầu trước vấn đề căng thẳng leo thang. Đây cũng là một phần nỗ lực ngoại giao của cộng đồng quốc tế.

Rất nhiều cuộc họp của Hội đồng Bảo an đã diễn ra kể từ khi chiến sự Israel - Hamas nổ ra ngày 7/10 với thông điệp kêu gọi các bên "tạm dừng giao tranh vì mục đích nhân đạo".

Những nỗ lực của quốc tế cũng phần nào hỗ trợ nhân đạo kịp thời cho người dân bị ảnh hưởng bởi xung đột. Ngày 16/12, những chuyến xe tải chở hàng thương mại đã lần đầu tiên đi vào dải đất này kể từ khi xảy ra cuộc xung đột Hamas-Israel hôm 7/10.

Theo Tổ Quốc