230 năm từ thủ Đông Xuyên đến TP. Long Xuyên

07/03/2019 - 06:53

 - Nhân kỷ niệm 230 năm thành lập thủ Đông Xuyên (1789-2019), Báo An Giang xin lược trích đăng bài viết của ThS Phan Văn Kiến (Văn phòng UBND tỉnh), để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về quá trình hình thành, phát triển của địa danh này.

Long Xuyên là vùng đất được cư dân người Việt khai phá sau cùng ở Nam Bộ. Vào cuối thế kỷ XVIII, Long Xuyên được mô tả là “vùng hoang vu, sình lầy, sông rạch chằng chịt, cây rừng rậm rạp”. Để tăng cường phòng thủ đạo Châu Đốc (vốn thường xuyên bị quân Xiêm La - Chân Lạp xâm lấn), năm 1789, tại vàm Tam Khê, chúa Nguyễn cho dựng lên một đồn nhỏ gọi là thủ Đông Xuyên (khu vực Vincom Plaza và Trung tâm mua sắm Nguyễn Kim ngày nay). Vùng đất bên vàm Tam Khê được mang tên Đông Xuyên từ đó. Sông Tam Khê cũng được gọi là sông Đông Xuyên (nay là rạch Long Xuyên). Thủ Đông Xuyên được xây đắp bằng thành đất, có hình vuông. Tùy theo từng thời kỳ và hoàn cảnh lịch sử cụ thể, nhà Nguyễn bố trí số lượng quân lính ở đây thay đổi, thêm bớt cho phù hợp. Việc thành lập thủ Đông Xuyên là một trong những sự kiện đặc biệt trong tiến trình hình thành vùng đất Long Xuyên. Sự kiện này khẳng định chủ quyền của người Việt trên vùng đất hoang vu suốt mấy trăm năm, góp phần ngăn ngừa xâm lăng của giặc từ phía tây, quản lý chủ quyền vùng đất mới mở và bảo vệ cư dân người Việt đến làm ăn sinh sống.

Năm 1790, khi Nguyễn Ánh chiếm lại Gia Định, vì cần lương thực cung cấp cho chiến tranh, nên công cuộc khai hoang mới được chú ý. Những chức Điền tuấn quan được đặt ra, những binh lính cùng với cư dân người Việt bị bắt buộc đi vỡ ruộng; ruộng đất được cấp phát, trâu bò và canh vụ được giúp đỡ. Mặt khác, khi trật tự an ninh ổn định, cư dân người Việt tự động hoặc theo chính sách di dân đến vùng đất Đông Xuyên khai hoang lập thôn ấp. Điểm tập trung cư dân đến định cư sớm nhất là xung quanh thủ Đông Xuyên (hai bên cầu Duy Tân, Hoàng Diệu ngày nay).

Dưới triều Gia Long (1802-1820), việc khai khẩn bờ phía tây sông Hậu được đẩy mạnh, sự xâm nhập của cư dân người Việt vào vùng đất Đông Xuyên ngày càng mạnh mẽ hơn do triều Nguyễn ban hành nhiều chỉ dụ khuyến khích mọi người khai hoang. Đặc biệt, sau khi đào vét lại sông Đông Xuyên nối hữu ngạn sông Hậu ra biển Tây tại Rạch Giá, ghe qua lại thuận tiện, tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi hàng hóa, đảm bảo việc tưới tiêu, rửa đất; cư dân người Việt, Hoa từ các vùng khác lũ lượt kéo đến, khiến cho Đông Xuyên trở nên đông đúc, dẫn đến sự ra đời của thôn Bình Đức và thôn Mỹ Phước vào năm 1818. Nhờ giao thông đường thủy thuận lợi, chợ Đông Xuyên sớm trở thành đầu mối giao lưu hàng hóa, hoạt động thương mại phát triển.

Về sau, để cai trị và kiểm soát, Pháp chia tỉnh An Giang ra thành nhiều hạt Thanh tra. Ngày 27-5-1868, Thống đốc Nam Kỳ “trích các làng thuộc hạt Thanh tra Châu Đốc, phía dưới Vàm Nao, nằm giữa hạt Thanh tra Rạch Giá, Cần Thơ và Sa Đéc thành lập hạt Thanh tra thứ 28 là Long Xuyên”, do Thanh tra hải quân Alexandre cai quản. Chợ Đông Xuyên được chọn làm trung tâm chính trị, kinh tế của hạt, bởi có vị trí quan trọng về phương tiện giao thông. Và, địa danh Long Xuyên xuất hiện từ đây. Chợ Đông Xuyên đổi thành chợ Long Xuyên. Từ đây, Long Xuyên trở thành lỵ sở chính thức hạt Long Xuyên, cũng như tỉnh Long Xuyên hay tỉnh An Giang sau này.

Với vị trí trung tâm hạt lỵ, Long Xuyên được chính quyền Pháp xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho bộ máy cai trị, các công trình giao thông, xây dựng phố chợ… Từ năm 1877, tại hạt lỵ Long Xuyên được chia thành 2 khu vực riêng biệt: khu thương mại ở làng Mỹ Phước, khu hành chính ở làng Bình Đức. Tuy nhiên, khu chợ Mỹ Phước phần lớn là ao vũng, sình lầy, chỉ có xung quanh nhà lồng chợ và cặp theo đường phố chính từ cầu Cái Sơn đến cầu Henry (nay là cầu Hoàng Diệu) là tương đối cao ráo; dưới mé sông là bến chợ, ghe xuồng qua lại buôn bán tấp nập.

Đến năm 1930, chợ Long Xuyên đã theo kịp các thành phố cũ lân cận như: Sa Đéc, Vĩnh Long, Mỹ Tho về quy mô xây dựng và hoạt động thương mại (chủ yếu lúa, gạo), giữ vai trò chợ đầu mối cho khu vực Tứ giác Long Xuyên - Rạch Giá - Hà Tiên - Châu Đốc. Chính sự phát triển nhanh đó, ngày 31-1-1935, Toàn quyền Đông Dương ban hành nghị định cải biến trung tâm tỉnh lỵ Long Xuyên thành thị xã hỗn hợp Long Xuyên (có tài liệu gọi là thành phố cấp 3 Long Xuyên).

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Long Xuyên bắt tay ngay vào khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng chính quyền, phát triển sản xuất, tổ chức lại cuộc sống; tập trung xây dựng kiến thiết đô thị, đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa và xây dựng phát triển. Ngày nay, nhiều khu dân cư, đô thị mới hình thành, như: Bình Khánh, Cánh đồng hoang, Xẻo Trôm, cồn Phó Quế, Thiên Lộc, Tiến Đạt, Mỹ Quý, Mỹ Thới, Bắc Hà Hoàng Hổ, Golden City, Tây sông Hậu… Từ một thị xã với 2 xã Mỹ Phước, Bình Đức vào năm 1975, với dân số khoảng 100.000 người, đến ngày 14-4-2009, TP. Long Xuyên được công nhận là đô thị loại II trực thuộc tỉnh. Hiện nay, TP. Long Xuyên có 11 phường, 2 xã, với dân số 382.140 người.

Với một vùng đất giàu truyền thống cách mạng và anh hùng, phát huy những thành tựu và kinh nghiệm có được trong quá trình đổi mới, Đảng bộ và nhân dân Long Xuyên đoàn kết, nhất trí, chung sức, chung lòng, tiếp tục đổi mới, sáng tạo, chủ động hội nhập và phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, sớm đưa TP. Long Xuyên trở thành đô thị loại I.

P.V