Barbiecore và Mermaidcore là hai trào lưu thể hiện rõ nét sự chi phối mạnh mẽ của phim ảnh đối với thời trang.
Cũng giống như âm nhạc, phim ảnh hay nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác, bức tranh thời trang năm 2023 được tạo nên từ vô vàn những mảnh ghép với đủ màu sắc, kích cỡ khác nhau.
Đặc biệt, không thể không đề cập đến những sự kiện mang tính chủ chốt dưới đây - những sự kiện có sức chi phối mạnh mẽ đến mọi ngóc ngách của ngành thời trang trong suốt năm qua.
Sự chi phối mạnh mẽ của điện ảnh
Hoàn toàn có thể khẳng định 2023 là năm mà ngành thời trang chịu ảnh hưởng vô cùng mạnh mẽ từ lĩnh vực điện ảnh. Dễ nhận thấy nhất đó là sự lên ngôi các 2 trào lưu thẩm mỹ Barbiecore và Mermaidcore.
Sự bùng nổ toàn cầu của phim điện ảnh “Barbie” kết hợp cùng những thiết kế mang tông màu hồng tuyệt đẹp của Margot Robbie đã “châm ngòi” cho làn sóng Barbiecore áp đảo hoàn toàn các xu hướng khác.
Trong khi đó, Mermaidcore được biết đến và yêu thích rộng rãi hơn nhờ bộ phim “The Little Mermaid." Từ những cô bé mê cổ tích cho đến các fashionista, các ngôi sao nổi tiếng,… mọi người “tung chiêu” mix-&-match đầy sáng tạo với nguồn cảm hứng từ những nàng tiên cá.
Mặt khác, cuộc đình công của Hiệp hội Diễn viên Màn ảnh Hoa Kỳ cũng đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến không ít cá nhân hoạt động trong lĩnh vực thời trang.
Cuộc đình công của Hollywood đã khiến nhiều hoạt động thảm đỏ, liên hoan phim hay ra mắt phim bị trì hoãn, hoặc thiếu vắng những tên tuổi lớn.
Bên cạnh việc thảm đỏ của các lễ trao giải, liên hoan phim vắng mặt các ngôi sao lớn, nhiều stylist, nhà tạo mẫu, chuyên viên trang điểm cũng mất cơ hội kiếm thêm thu nhập khi các diễn viên đang trong thời gian đình công. Cơ hội quảng bá hình ảnh thông qua các diễn viên nổi tiếng cũng bị hạn chế hơn rất nhiều đối với những thương hiệu thời trang lớn.
Tiềm năng từ… thời trang tour diễn
Hoàn toàn nằm ngoài dự đoán, các tour lưu diễn trong năm 2023 bất ngờ vươn lên trở thành hình thức thể hiện cá tính thời trang được ưa chuộng bậc nhất.
“Renaissance Tour” của Beyoncé biến thành một sàn diễn thời trang đầy mê hoặc với những thiết kế độc đáo, cao cấp và vô cùng kỳ công.
Loewe, Courrèges, Mugler, Marni, Diesel, Jean Paul Gaultier hay Alexander McQueen, mỗi buổi diễn đều có ít nhất một diện mạo mới và sau đó, tên các thương hiệu thiết kế sẽ gia tăng đáng kể chỉ số quan tâm trên mạng xã hội.
“Renaissance Tour” của Beyoncé biến thành một sàn diễn thời trang đầy mê hoặc với những thiết kế độc đáo.
Trong khi đó, Taylor Swift thống trị hoàn toàn năm 2023 với chuyến lưu diễn tỷ USD “The Eras Tour." Những bộ cánh lộng lẫy được chế tác tinh xảo, đặc biệt lấp lánh của nữ ca sỹ đã trở thành nguồn cảm hứng trang phục cho hàng chục triệu người trên khắp thế giới.
Người hâm mộ của Taylor coi “The Eras Tour” là sự kiện Met Gala của mình. Họ có thể bỏ ra hàng tháng trời để tự thiết kế hoặc chi một số tiền không nhỏ nhằm có được bộ đồ ưng ý nhất.
Dựa trên tâm lý này, nhiều đơn vị bán lẻ thời trang đã thay đổi tên sản phẩm thành các từ khóa gắn liền với Taylor Swift để gia tăng độ nhận diện trên không gian mạng.
“Friendship bracelet” – chiếc vòng tay tình bạn đã trở thành món trang sức được giới trẻ cực kỳ yêu thích.
Đặc biệt, chính từ tour diễn này mà “friendship bracelet” đã bùng nổ thành một trong những xu hướng trang sức đình đám nhất 2023.
Emilia de Poret, Giám đốc Thời trang tại Dịch vụ Tài chính Klarna, cho biết số lượt mua các bộ kit làm vòng tay tình bạn trong năm nay đã tăng đến 915%.
Các thương hiệu lớn chào đón những “hoa tiêu” mới
Năm 2023 chứng kiến sự thay đổi vị trí giám đốc sáng tạo của hàng loạt thương hiệu lớn. Nổ “phát súng” đầu tiên và gây chấn động nhất là Gucci khi Sabato De Sarno thay thế Alessandro Michele trở thành tân giám đốc sáng tạo của thương hiệu Italy. Tiếp đó, chúng ta có Peter Hawkings được gọi tên bởi Tom Ford, Peter Do ra mắt tại Helmut Lang.
Chỉ trong vòng một tháng, ba thương hiệu lớn khác cũng đồng loạt công bố các tên tuổi Giám đốc Sáng tạo mới, gồm Seán McGirr (Alexander McQueen), Chemena Kamali (Chloé) và Davide Renne (Moschino).
Sabato De Sarno – tân giám đốc sáng tạo của Gucci.
Bên cạnh sự kỳ vọng và mong chờ từ các gương mặt mới, việc thay thế đồng loạt các giám đốc sáng tạo cũng dấy lên không ít tranh cãi xoay quanh 2 vấn đề lớn nhất là xu hướng tìm kiếm những gương mặt nhà thiết kế ít tên tuổi và sự thiếu vắng các nhà thiết kế nữ trên cương vị giám đốc sáng tạo.
Seán McGirr – tân giám đốc sáng tạo của Alexander McQueen.
Sự kiện Alexander McQueen thay thế nữ nhà thiết kế lâu năm Sarah Burton bằng một nam nhà thiết kế kém tên tuổi hơn càng xoáy sâu vào những khúc mắc khó lý giải này.
Lời tạm biệt những tượng đài thời trang
Bên cạnh hàng loạt tên tuổi mới được ra mắt công chúng, làng thời trang 2023 cũng phải trải qua những mất mát không nhỏ.
Vào ngày 13/4, Mary Quant - biểu tượng thời trang xứ Wales đã qua đời ở tuổi 93. Tên tuổi của bà gắn liền với cuộc cách mạng văn hóa được giới trẻ Anh khởi xướng vào những năm 60, với tên gọi Swinging Sixties, đề cao tinh thần hiện đại và chủ nghĩa khoái lạc.
Nhà thiết kế Mary Quant.
Mary Quant trở thành một trong những gương mặt tiêu biểu nhất của làng thời trang khi khai sinh ra khái niệm “miniskirt” - chiếc chân váy ngắn kinh điển mà hầu như mọi cô gái đều có.
Ngày 16/7 là thời khắc khó tin với mọi tín đồ thời trang khi biểu tượng Jane Birkin đã rời khỏi cõi đời. Không chỉ là một diễn viên nổi tiếng, một hình mẫu thời trang truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ mà Jane Birkin còn định hình nên một dấu ấn thời trang có sức ảnh hưởng mạnh mẽ bậc nhất: chiếc túi Hermès Birkin.
Từ câu chuyện trong “Sex and the city” đến những liên hệ trong các ca khúc của Beyoncé và Cardi B, dường như ai cũng từng nghe đến tên chiếc túi Birkin ít nhất một lần. Và cho đến tận ngày nay, đây vẫn là mẫu túi đắt giá cũng như được săn đón nhất của Hermès.
Nữ diễn viên Jane Birkin.
Cũng trong năm 2023, nhà mốt Dior đã mất đi nhà thiết kế lâu năm nhất của mình: Marc Bohan. Trong suốt 3 thập kỷ nắm giữ cương vị giám đốc sáng tạo, Marc Bohan đứng sau những thiết kế được coi là đặc sắc và mang tính định hình nhất của thương hiệu Pháp.
Khi dòng chảy thời gian dần thoát khỏi sự “độc quyền” của Paris và các yếu tố hiện đại được phổ biến hơn, Marc Bohan lùi về hậu phương, trở thành người “giữ lửa” cho vẻ đẹp sang trọng cổ điển của Christian Dior.
Nhà thiết kế Marc Bohan.
Nhà thiết kế kỳ cựu cho rằng, việc nhiều thương hiệu may sẵn “sao chép” các thiết kế cao cấp do ông sáng tạo nên là dấu hiệu cho thấy tôn chỉ thời trang của ông về sự sang trọng là đúng đắn.
Tài nguyên từ các ngôi sao châu Á
Như một làn sóng không thể ngăn cản, ngày càng có nhiều tên tuổi đến từ châu Á được các thương hiệu thời trang “chọn mặt gửi vàng." Chỉ trong vòng một năm, Chanel, Dior, Valentino,… sẵn sàng bổ nhiệm thêm 3 đến 5 gương mặt đại sứ/đại diện/bạn thân thương hiệu mới để gia tăng tầm ảnh hưởng tại thị trường châu Á.
Không chỉ diện trang phục của thương hiệu khi biểu diễn hay tham dự thảm đỏ, các ngôi sao châu Á giờ đây đã trở thành gương mặt quen thuộc tại các tuần lễ thời trang lớn.
Địch Lệ Nhiệt Ba là đại sứ toàn cầu mới nhất của nhà mốt Dior.
J-Hope và Jimin xuất hiện tại buổi trình diễn của Dior, SUGA tham dự buổi trình diễn của Valentino, Jisoo xinh đẹp trong show diễn Haute Couture của Dior, hay Jennie diện trang phục Chanel tại Met Gala,…
Sau mỗi lần các thần tượng K-pop “lộ mặt” tại sự kiện thời trang, độ thảo luận về họ và chính thương hiệu thường gia tăng chóng mặt trên nền tảng mạng xã hội. Các chiến dịch thời trang có sự góp mặt của những tên tuổi châu Á cũng nhận được lượt tương tác ấn tượng hơn hẳn.
Jisoo, Jimin và Jennie tại các tuần lễ thời trang lớn.
Với đặc trưng nổi bật về sự nhiệt tình và chịu chi hiếm có đến từ người hâm mộ, xét trong vòng 2 năm tới, “cơn sốt” người đại diện đến từ châu Á có lẽ vẫn sẽ được các thương hiệu thời trang phương Tây tận dụng triệt để.
Theo Vietnamplus