Alaska Airlines đình chỉ hoạt động của phi đội Boeing 737 MAX

06/01/2024 - 18:50

Sau sự cố máy bay Boeing 737 MAX 9 bị bung cửa sổ và buộc phải hạ cánh khẩn cấp, ngày 6/1, hãng hàng không Alaska Airlines của Mỹ đã quyết định đình chỉ hoạt động của tất cả máy bay loại này của hãng.

Máy bay của Hãng hàng không Alaska Airlines cất cánh từ sân bay quốc tế Los Angeles, California, Mỹ, ngày 6/2/2020. Ảnh tư liệu, minh họa: AFP/TTXVN

Chuyến bay mang số hiệu 1282, chở theo 174 hành khách và 6 thành viên phi hành đoàn, xuất phát từ Sân bay quốc tế Portland, bang Oregon tối 5/1 và đã quay trở lại chỉ sau 20 phút do gặp sự cố ngay khi khởi hành. Một cửa sổ và một phần thân máy bay bung ra trong quá trình bay, buộc máy bay  phải hạ cánh khẩn cấp. Theo dữ liệu trên trang web theo dõi chuyến bay FlightAware, chiếc máy bay đã lên tới độ cao 4.876 mét và sau đó bắt đầu hạ độ cao. Các hình ảnh được đăng trên mạng xã hội sau đó cho thấy một cửa sổ của máy bay đã biến mất, trong khi các mặt nạ dưỡng khí khẩn cấp bật ra, lủng lẳng phía trên các ghế ngồi. Nhiều hành khách kể lại họ không biết chuyện gì xảy ra cho đến khi các mặt nạ tự động rơi xuống.

Trong một thông báo, CEO của Alaska Airlines Ben Minicucci nêu rõ: “Sau sự việc xảy ra với chuyến bay 1282, chúng tôi quyết định có biện pháp phòng ngừa, theo đó tạm thời đỉnh chỉ hoạt động của phi đội gồm 65 chiếc Boeing 737-9… Từng máy bay sẽ chỉ trở lại phục vụ khi đã hoàn thành công đoạn bảo dưỡng và kiểm tra an toàn”. Ông cũng bày tỏ hi vọng việc kiểm tra sẽ kết thúc trong vài ngày.

Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Mỹ đang điều tra nguyên nhân sự cố. Hồ sơ trực tuyến của Cơ quan Hàng không liên bang Mỹ (FAA) cho thấy chiếc Boeing 737-9 MAX nói trên đã được nhận chứng chỉ xuất xưởng cách đây hai tháng. Qua mạng xã hội X (trước đây là Twitter), hãng sản xuất máy bay Boeing cho biết đang thu thập thêm thông tin và đội kỹ thuật của hãng sẵn sàng hỗ trợ điều tra.

Các máy bay 737 MAX của Boeing từng có thời gian phải ngừng bay trên toàn thế giới sau hai vụ tai nạn của máy bay MAX 8 vào các năm 2018 và 2019 khiến tổng cộng 346 người thiệt mạng. FAA chỉ cho phép các máy bay này hoạt động trở lại sau khi Boeing điều chỉnh hệ thống kiểm soát bay của máy bay.

Theo TTXVN