Ấn Độ ghi nhận nhiều ca Covid-19 nhất trong ngày qua

29/03/2021 - 09:15

Theo thống kê của Worldometers, tính đến 8 giờ ngày 29-3 (theo giờ Việt Nam), Ấn Độ có tổng cộng 12.039.210 ca mắc Covid-19 sau khi ghi nhận 68.206 ca mắc mới. Đây là quốc gia báo cáo nhiều ca mắc mới nhất trên thế giới trong ngày qua.

Sau nhiều ngày liên tiếp ghi nhận nhiều ca mắc mới nhất trên thế giới, Brazil đã lùi xuống vị trí thứ hai (44.326 ca mới). Mỹ xếp thứ ba với 42.841 ca mới. Tiếp theo là Pháp (37.014 ca), Ba Lan (9.253 ca), Thổ Nhĩ Kỳ (29.058 ca)...

Trong khi đó, Brazil vẫn vượt xa các quốc gia khác về số ca tử vong do Covid-19 được ghi nhận trong ngày. Số ca tử vong tại Brazil trong ngày 28-3 là 1.605, con số này tại Mexico là 567, tại Mỹ là 508, tại Nga là 336...

Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Antonio Guterres lên tiếng chỉ trích việc các nước giàu tích trữ vaccine phòng Covid-19, đồng thời kêu gọi các nước này chia sẻ vaccine để giúp chấm dứt đại dịch.

Trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng trên kênh truyền hình CBC (Canada) ngày 28-3, ông Guterres nói: "Tôi rất lo ngại trước việc phân phối vaccine rất không công bằng trên thế giới". Người đứng đầu LHQ chỉ trích các nước giàu "tư lợi" khi xây dựng nguồn cung vaccine vượt quá nhu cầu của dân số nước mình. 

Người dân mua sắm tại một khu chợ tại New Delhi, Ấn Độ, tháng 11-2020. (Ảnh: Getty Images)

TTK LHQ cho biết, hệ thống quốc tế viện trợ vaccine cho các nước nghèo đang gặp khó khăn vì có nhiều hoạt động tích trữ. Theo ông Guterres, việc chấm dứt đại dịch phụ thuộc rất nhiều vào khả năng tiêm chủng càng nhanh càng tốt cho người dân trên toàn thế giới. Ông kêu gọi ủng hộ cơ chế do Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) hỗ trợ để triển khai kế hoạch tiêm chủng toàn cầu.        

Khi được hỏi về khả năng thông qua hộ chiếu vaccine, ông Guterres tỏ ra thận trọng khi nói rằng, trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào, phải nghiêm túc thảo luận để bảo đảm công bằng và hợp tác hiệu quả trên quy mô toàn cầu.

Cũng liên quan đến vaccine ngừa Covid-19, trong một tuyên bố ngày 28-3, Ủy viên châu Âu về thị trường nội khối Thierry Breton, người chịu trách nhiệm giám sát việc sản xuất vaccine, cho biết khối này hiện có 52 nhà máy hoạt động 24/7 để sản xuất vaccine ngừa Covid-19. Các nhà máy này có khả năng sản xuất và cung cấp cho các nước châu Âu 360 triệu liều dự kiến vào cuối quý II năm nay và 420 triệu liều cần thiết cho khả năng đạt miễn dịch cộng đồng vào giữa tháng 7 tới. 

Theo Ủy viên Thierry Breton, châu Âu phải mất vài tuần nữa mới có thể hạn chế được sự lây lan của virus SARS-CoV-2, đồng thời phải có một số lượng đáng kể người dân được tiêm chủng. Điều này đồng nghĩa với việc cả châu Âu phải tăng tốc chiến dịch tiêm chủng.

Ngày 28-3, Thủ tướng Đức Angela Merkel hối thúc các bang của nước này đẩy nhanh nỗ lực nhằm ngăn chặn sự lây lan nhanh chóng của Covid-19. Bà cũng đưa ra khả năng ban bố lệnh giới nghiêm để kiểm soát làn sóng dịch Covid-19 thứ ba.

Bà Merkel bày tỏ không hài lòng khi một số bang quyết định không hoãn kế hoạch dần mở lại nền kinh tế ngay cả khi số ca lây nhiễm trên 100 nghìn người trong bảy ngày qua vượt mức 100. Tỷ lệ này trong ngày 29-3 là 130 ca/100 nghìn người. 

Bà Merkel cho rằng, nếu các bang không bắt đầu thực thi các biện pháp với mức độ cứng rắn phù hợp, bà sẽ phải xem xét các biện pháp có thể triển khai trên phạm vi toàn quốc. 

Tính đến ngày hôm qua, 10,3% dân số Đức đã được tiêm mũi vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên, thấp hơn tỷ lệ này tại một số quốc gia như Israel, Mỹ và Anh.

Chính quyền bang Queensland của Australia ngày 29-3 thông báo phong tỏa TP Brisbane và một số vùng lân cận trong vòng ba ngày để ngăn chặn một ổ dịch Covid-19 lây nhiễm trong cộng đồng mới xuất hiện trong vài ngày qua tại đây. Thủ hiến bang Queensland Annastacia Palaszczuk cho biết, trong 24 giờ qua, địa phương này đã ghi nhận 10 ca mắc Covid-19, trong đó có sáu trường hợp từ nước ngoài trở về và bốn ca lây nhiễm trong cộng đồng. Một trong số bốn ca lây nhiễm trong cộng đồng trên cho kết quả dương tính với biến thể lây nhiễm cao của Anh vào tối 25-3. 

Theo lệnh phong tỏa mới, TP Brisbane và một số khu vực chung quanh bao gồm Logan, Moreton Bay, Ipswich và Redlands, sẽ ngừng các hoạt động không cần thiết kể từ 5 giờ chiều 29-3 và mọi người dân ở bang Queensland đều phải đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà. Các trường học cũng sẽ đóng cửa từ ngày 30-3 và người dân ở các khu vực bị phong tỏa sẽ chỉ có thể ra khỏi nhà cho các nhu cầu thiết yếu như mua sắm, tập thể dục, đi làm và chăm sóc y tế. Thủ hiến Palaszczuk khẳng định việc phong tỏa ba ngày là cần thiết do ổ dịch có liên quan đến chủng virus có khả năng lây nhiễm cao.

Dưới đây là thống kê của Worldometers về tình hình dịch Covid-19 trên thế giới, tính đến 8 giờ ngày 29-3 (giờ Việt Nam):

Thế giới: 127.751.760 ca mắc, 2.795.633 ca tử vong

Thống kê năm quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới:
1. Mỹ: 30.961.548 ca mắc, 562.524 ca tử vong
2. Brazil: 12.534.688 ca mắc, 312.299 ca tử vong
3. Ấn Độ: 12.039.210 ca mắc, 161.881 ca tử vong
4. Pháp: 4.545.589 ca mắc, 94.596 ca tử vong
5. Nga: 4.519.832 ca mắc, 97.740 ca tử vong

Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các quốc gia ASEAN:
1. Indonesia: 1.496.085 ca mắc, 40.499 ca tử vong 
2. Philippines: 721.892 ca mắc, 13.170 ca tử vong
3. Malaysia: 341.944 ca mắc, 1.255 ca tử vong 
4. Myanmar: 142.385 ca mắc, 3.206 ca tử vong  
5. Singapore: 60.300 ca mắc, 30 ca tử vong
6. Thái Lan: 28.734 ca mắc, 94 ca tử vong
7. Việt Nam: 2.591 ca mắc, 35 ca tử vong
8. Campuchia: 2.233 ca mắc, 10 ca tử vong
9. Brunei: 207 ca mắc, 03 ca tử vong
10. Lào: 49 ca mắc

Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các khu vực trên thế giới:
1. Châu Âu: 39.032.893 ca mắc, 902.347 ca tử vong  
2. Bắc Mỹ: 35.632.862 ca mắc, 815.134 ca tử vong 
3. Châu Á: 27.994,962 ca mắc, 424.216 ca tử vong 
4. Nam Mỹ: 20.815.980 ca mắc, 540.624 ca tử vong
5. Châu Phi: 4.218.223 ca mắc, 112.170 ca tử vong
6. Châu Đại Dương: 56.119 ca mắc, 1.127 ca tử vong

Theo Báo Nhân Dân