Rượu nếp là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ vì theo quan niệm của người dân, vị nồng của cơm nếp hòa với men cay của rượu cơm nếp sẽ có tác dụng loại bỏ những loài ký sinh có hại trong cơ thể. Vì vậy, mỗi thành viên trong gia đình sẽ ăn một bát cơm nếp vào buổi sáng sau khi thức dậy.
Bánh tro là món ăn truyền thống của người dân ở vùng Nam Bộ và một số nơi miền Bắc Việt Nam. Loại này thường để cúng và thưởng thức trong ngày Tết Đoan Ngọ, cầu mong sự khỏe mạnh và bình yên.
Với quan niệm những quả có tính nóng có thể giết được sâu bọ, tuỳ vào phong tục vùng miền trên mâm cúng ngày 5-5 âm lịch thường có các loại hoa quả có tính nóng như mận, mít, vải, chôm chôm.
Ở miền Trung, thịt vịt thường xuất hiện trong các mâm cỗ cúng Tết Đoan ngọ. Theo quan niệm dân gian, ngày 5-5 âm lịch khí trời nóng bức, trong khi đó thịt vịt có tính mát bổ giải nhiệt.
Bánh ú là món ăn truyền thống ngày 5-5 Âm lịch ở Trung Quốc và miền Nam nước ta. Có 2 loại là bánh ú nhân ngọt và bánh ú nhân mặn. Trong đó, bánh ú mặn được ưa chuộng ở miền Tây. Bánh có nhân là trứng cút, trứng vịt muối, thịt xá xíu, nấm đông cô, tôm khô, hạt sen...
Những viên chè trôi nước được làm từ bột gạo nếp bên trong là nhân đỗ xanh có vị ngọt của đường, nhiều khi được ăn cùng nước cốt dừa béo ngậy trở thành món ăn được nhiều người thưởng thức trong ngày diệt sâu bọ, đặc biệt tại khu vực Nam bộ.
Khác với người Kinh có cơm rượu nếp, bánh tro, thịt vịt, đặc sản Tết Đoan Ngọ của người Nùng (Mường Khương, Lào Cai) là món bánh khúc. Nguyên liệu làm bánh là gạo nếp ngon, rau khúc, đậu xanh, hạt vừng đen. Bánh khúc có hình thù và cách làm gần giống bành dày.
Theo HẠ VŨ (VTC News)